Trái tim một “ông Tây Việt Nam”

HỒ QUANG LỢI; thiết kế: MẠNH LÊ
Chia sẻ

VHO - Cú điện thoại đầu tiên của ông Valeriu Arteni khiến tôi ngạc nhiên đến sững sờ: Ông nói tiếng Việt chính xác, chuẩn mực và đầy biểu cảm. Chưa bao giờ tôi nghe một ông Tây nào nói tiếng Việt sõi và tuyệt đến thế. Âm sắc, ngữ điệu này là của người Việt. Nếu ông không tự giới thiệu thì tôi cứ ngỡ một người Việt Nam đang nói chuyện điện thoại với mình. Đó là một buổi chiều mùa thu 1994 khi ông bắt đầu nhiệm kỳ Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Rumani tại Việt Nam.

Trái tim một “ông Tây Việt Nam” - ảnh 1

Cuộc gặp mặt đầu tiên của tôi với Đại sứ Valeriu Arteni là tại toà soạn báo Quân đội nhân dân, nơi tôi làm việc gần 30 năm. Chúng tôi làm quen nhau trước hết bằng câu chuyện học hành. Chuyện trò rôm rả ngay từ đầu. Khi biết tôi đã từng học tập tại Trường Đại học Tổng hợp Bucarest, ông nói ngay: “Còn tôi thì đã học tại Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội”.

  Chúng tôi có thể nói chuyện với nhau hoặc bằng tiếng Rumani hoặc bằng tiếng Việt. Nhưng tiếng Rumani của tôi thì không thể nào bằng tiếng Việt điêu luyện của ông, chắc chắn như vậy rồi.

  Và thế là ông kể cho tôi nghe “câu chuyện Việt Nam” của cuộc đời ông bằng tiếng Việt. 

Trái tim một “ông Tây Việt Nam” - ảnh 2

Những năm 70 của thế kỷ trước, Nhà nước Rumani có chính sách cử học sinh đi du học theo hiệp định trao đổi văn hóa với các nước, trong đó có Việt Nam. “Phải trăn trở, cân nhắc nhiều đêm để lựa chọn và cuối cùng tôi đã chọn Việt Nam, đất nước châu Á xa xôi đang chìm trong khói lửa chiến tranh.

Thời đó, giới trẻ Đông Âu chúng tôi được truyền cảm hứng từ phong trào giải phóng dân tộc, ngưỡng mộ những con người huyền thoại như Chủ tịch Hồ Chí Minh, Nelson Mandela và những nhân vật giàu chí khí và khát vọng tự do trên thế giới”, Đại sứ Valeriu Arteni chia sẻ.

 “Còn một sự cuốn hút khác nữa rất mạnh - anh biết không- đó chính là ngôn ngữ và văn hóa Việt mà tôi cảm nhận được qua những cuốn sách của nhà văn Rumani Mircea Elidae. Ông là nhà phương Đông học lỗi lạc và là người Rumani đầu tiên học tiếng Việt ngay từ trước chiến tranh thế giới thứ hai”. Tôi hiểu, sự kết nối dòng chảy văn hoá giữ hai dân tộc đã bắt đầu từ những con người như vậy.

Trái tim một “ông Tây Việt Nam” - ảnh 3

Năm 1971, vừa tròn 20 tuổi, chàng trai Rumani từ bán đảo Balkan đến Việt Nam, trở thành sinh viên khoa tiếng Việt, Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội vào thời điểm chiến tranh ác liệt nhất. Hà Nội bị đánh phá rất dữ, Valeriu Arteni đã phải cùng bạn bè sơ tán về một ngôi làng thuộc tỉnh Hà Bắc (cũ).

Người nước ngoài nào đó có thể sợ bom đạn mà rời Việt Nam vào giai đoạn ác liệt ấy, nhưng Valeriu Arteni thì quyết ở lại “đồng cam cộng khổ” với các thầy cô và bạn bè Việt Nam. Tình người, tình bạn, tình thầy trò nồng ấm đã giúp ông rất nhiều trong học tập và trong cuộc sống xa đất nước quê hương.

Từ những năm tháng sinh viên đáng nhớ đó mà Valeriu còn được gọi với cái tên Việt thân thương “Hùng” (tiếng Latin cổ Valeriu nghĩa là “hùng dũng”). Valeriu Arteni coi đó là những trải nghiệm “quý giá” trong cuộc đời mình.

“Tôi may mắn được học một thứ tiếng Việt chuẩn mực, bài bản và đẹp đẽ từ những người thầy cô giỏi nhất. Càng học, tôi càng say mê sự đa dạng, phong phú của tiếng Việt, ngôn ngữ giúp tôi hiểu được chiều sâu văn hóa của đất nước có lịch sử ngàn năm dựng nước và giữ nước.

Tiếng Việt là ngôn ngữ đẹp diệu kỳ, những thanh vần, âm điệu của nó làm nên sự du dương và truyền cảm hiếm có”. Theo Valeriu, tiếng Việt chỉ được hiểu sâu sắc hơn khi tham gia đời sống thực tế, hòa mình cùng những giá trị văn hóa độc đáo của dân tộc Việt Nam, được bộc lộ ở những thời điểm cảm xúc nhất.

Để có thể làm chủ tiếng Việt, sử dụng nó một cách điêu luyện, Valeriu Arteni đã lặng lẽ đến tầng 4, B7 bis Bách Khoa, nơi có Khoa Việt Nam học và Tiếng Việt để luyện tập hàng ngày.

Ông nghe, đọc, nói tiếng Việt mọi nơi mọi lúc để tiếng Việt thấm sâu vào tư duy và cảm xúc, đồng thời thấy được sự thay đổi và phát triển của tiếng Việt trong đời sống xã hội hiện đại và trong thời đại truyền thông kỹ thuật số. 

Trái tim một “ông Tây Việt Nam” - ảnh 4

Sau 5 năm học tiếng Việt, năm 1976 Valeriu Arteni trở về nước nhận nhiệm vụ ở Bộ Ngoại giao Rumani. Trở thành một nhà ngoại giao chuyên nghiệp, làm Đại sứ ở các nước châu Á nhưng hai tiếng “Việt Nam” luôn là nỗi nhớ da diết, là niềm thôi thúc đối với ông.

Năm 1994, ông trở thành Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Runmani tại Việt Nam và đảm nhiệm vị trí này trong hai nhiệm kỳ (1994 -1999 và 2012 - 2019). Suốt 22 năm ở Việt Nam, ông được coi là một trong những kiến trúc sư quan hệ giữa hai nước và là một chuyên gia hàng đầu của EU về Việt Nam và Châu Á.

Trái tim một “ông Tây Việt Nam” - ảnh 5

Cuộc đời của Valeriu Arteni phản ảnh một phần lịch sử quan hệ Việt Nam- Rumani. Trên cương vị của mình, ông đã có nhiều hoạt động nổi bật góp phần củng cố tăng cường hữu nghị và hợp tác truyền thống hai nước.

Trong đó, có thể kể đến như việc phối hợp tổ chức thành công các chuyến thăm chính thức và làm việc cấp cao của lãnh đạo hai nước. Tháng 12 năm 1989, Rumani có biến động lớn dẫn tới thay đổi thể chế chính trị, đặt quan hệ hai nước vào khúc quanh thử thách.

Chính Valeriu Arteni đã góp phần thúc đẩy thời sự hóa khung cảnh về pháp lý của quan hệ Việt Nam - Rumani cho phù hợp với tình hình mới. Việc đàm phán ký kết các hiệp định, văn bản hợp tác song phương mới đã được thực hiện để quan hệ hai nước được duy trì ổn định và tiếp tục tiến về phía trước…  

Những năm Valeriu Arteni công tác ở Việt Nam cũng là khoảng thời gian tôi làm việc ở báo Quân đội nhân dân rồi chuyển sang báo Hà Nội Mới, tiếp đó là Thành uỷ Hà Nội rồi về Hội Nhà báo Việt Nam. Ở mỗi cơ quan mới, tôi đều có dịp được tiếp Đại sứ Valeriu Arteni. Các cuộc gặp của chúng tôi không theo kiểu lễ tân, xã giao mà là những cuộc nói chuyện thân tình giữa hai người bạn quý mến nhau.

Trái tim một “ông Tây Việt Nam” - ảnh 6

Ông tâm sự rằng điều đầu tiên ông thấy ở Việt Nam thật trái ngược với sự tàn khốc của chiến tranh và những gì được nghe nói về Việt Nam trước đó. Đó là vẻ đẹp mê hồn của Hà Nội, sự êm đềm của những miền quê xanh mát, nét hồn nhiên, đáng yêu của cuộc sống, sự bình dị, chân thành, nồng ấm của người dân.

Chiến tranh chỉ là một phần của cuộc sống đời thường, người Việt Nam điềm tĩnh đối mặt với nó và nó cũng trở thành một phần cuộc sống thường nhật của ông lúc đó. Có mặt tại Việt Nam đúng vào giai đoạn đó, ông Valeriu Arteni đã được chứng kiến những khoảnh khắc “đắt giá” của lịch sử tại đất nước mà ông khẳng định “yêu bằng cả trái tim mình”.

Thực sự, ông đã sống như một người Việt Nam. Hàng ngày ông cùng bạn bè ngóng tin tức về đàm phán Hiệp định Paris qua chiếc radio nhỏ, theo dõi tình hình các mặt trận và đặc biệt sống trong niềm vui vỡ òa khi nghe tin giải phóng miền Nam. “ Ở thời khắc lịch sử đó, tôi nhìn thấy trong mắt những người bạn Việt Nam như có một chân trời mới, những khát vọng dựng xây đất nước sau những năm dài chiến tranh”.

 “Hơn bất kỳ một nhà ngoại giao nào, tôi là một nhân chứng của lịch sử Việt Nam trong nửa thế kỷ qua. Nhiều người cho rằng Việt Nam chỉ giỏi chiến đấu mà nghi ngờ khả năng thích ứng của Việt Nam trong thời bình. Song tốc độ phát triển chóng mặt trong những thập kỷ qua đã chứng minh Việt Nam không chỉ có các chiến binh giỏi, mà còn có cả những nhà xây dựng tài ba”, Valeriu Arteni chia sẻ.

Trái tim một “ông Tây Việt Nam” - ảnh 7

Ông bày tỏ sự ngưỡng mộ với một đất nước hồn hậu, kiên cường như Việt Nam: “Tôi thật sự khâm phục điều đó và thấy mình thật may mắn được chứng kiến một Việt Nam anh hùng trong chiến tranh, một Việt Nam cần cù vươn lên trong xây dựng. Một đất nước anh hùng, như chú phượng hoàng vươn lên từ đống tro tàn để đi đến thành công”.

Không giấu được niềm vui khi được trở lại Việt Nam, ông nói: “Khi quay trở lại “quê hương thứ hai” của mình, bắt đầu một nhiệm kỳ mới, tôi vui mừng khi thấy một Việt Nam hiện đại hơn, hội nhập khu vực và thế giới mạnh mẽ, cuộc sống vật chất và tinh thần của người dân được cải thiện rất nhiều. Xã hội có nhiều đổi thay đáng kể nhưng tôi cũng thật sự xúc động khi thấy tình cảm của bạn bè, của người dân Việt Nam đối với Rumani và cá nhân tôi vẫn luôn thắm thiết, nồng ấm như xưa. Từ một đất nước phải đi lên từ đổ nát của chiến tranh, phải đối mặt với khó khăn chồng chất và thiếu thốn trăm bề, nay Việt Nam đã là một nước có vị thế quan trọng trong khu vực và trên thế giới, có nhiều thành tựu nổi bật đáng để nhiều nước học tập”.

Trái tim một “ông Tây Việt Nam” - ảnh 8

Valeriu Arteni kể rằng, sau khi trở thành Đại sứ, ông đã về thăm lại làng quê ở Hà Bắc cũ mà trước đây ông đã cùng các thầy cô và các bạn sơ tán về đó. Bao nhiêu năm xa cách, hàng trăm người dân làng vẫn nhận ra “ông Tây Việt Nam”, ùa ra đón, tay bắt mặt mừng.

“Đó là những giây phút hạnh phúc của cuộc đời tôi. Việt Nam luôn trong trái tim tôi là thế. Người Việt Nam sống rất tình cảm và nồng hậu. Cứ mỗi lần chuẩn bị hành lý để sang Việt Nam, tôi có cảm giác như sắp trở về nhà”, ông xúc động nói.

Anh Nguyễn Tiến Cường, người đến nay có 29 năm liên tục lái xe cho Đại sứ quán Rumani tại Hà Nội, trong đó có 11 năm phục vụ Đại sứ Valeriu Arteni, nhắc đến ông với một niềm xúc động.

Anh Cường kể lại chuyến đi năm 1995 đưa Đại sứ vào khảo sát khu vực Việt Nam dự định xây Nhà máy lọc dầu Dung Quất. Rumani có thế mạnh về hoá dầu, đã đào tạo cho Việt Nam hàng trăm kỹ sư, chuyên gia kỹ thuật thuộc ngành kinh tế mũi nhọn này.

Đại sứ Valeriu Arteni muốn tìm kiếm cơ hội hợp tác giữa hai nước đối với dự án quan trọng này. “Lúc đó đường sá đi vào khu vưc này dường như chưa có, thỉnh thoảng phải xuống vác đá kê cho xe qua nhưng Đại sứ chẳng nề hà gì. Một ngày ròng rã. Em hiểu được tấm lòng cao đẹp của ông dành cho Việt Nam qua những việc làm như vậy”, anh Cường chia sẻ.

 Nhà ông ở Hà Nội hay ở Rumani đều luôn đầy ắp sinh khí Việt Nam. Chị Maria, vợ ông và con trai Marius đều nói tiếng Việt thành thạo.

Anh Nguyễn Văn Xương, một cựu sinh viên Trường Đại học Tổng hợp Bucarest, nguyên Đại biện lâm thời Việt Nam tại Rumani (sau này là Đại sứ Việt Nam tại Ba Lan và Hàn Quốc), một người nói tiếng Rumani tuyệt hay, cho biết tủ sách gia đình Đại sứ Valeriu Arteni là một thư viện thu nhỏ về văn hoá Việt Nam.

Có lần ông và Đại sứ Việt Nam tại Rumani Đặng Trần Phong đã tổ chức triển lãm trưng bày hàng trăm cuốn sách và nhiều nhiều kỷ vật mang đậm dấu ấn tượng trưng cho văn hóa đa dạng các vùng miền Việt Nam. Bộ sưu tập này được các bạn bè Rumani chiêm ngưỡng và thán phục sự kỳ công của Đại sứ trong suốt mấy chục năm gắn bó với đất nước và con người Việt Nam.

  Với những cống hiến bền bỉ và xuất sắc, Đại sứ Valeriu Arteni đã được Nhà nước Việt Nam được tặng Huân chương Hữu nghị. Vì những đóng góp tích cực và tình cảm thiết tha với Hà Nội, năm 2019, ông được UBND Thành phố Hà Nội trao tặng danh hiệu Công dân danh dự Thủ đô Hà Nội.

Xúc động trước sự ghi nhận của chính quyền Thành phố Hà Nội, Đại sứ Rumani khẳng định Hà Nội là ngôi nhà của mình, nơi ông có thời gian dài học tập làm việc trong hơn hai thập kỷ.

Trái tim một “ông Tây Việt Nam” - ảnh 9

Đại sứ Valeriu Arteni luôn tìm mọi cơ hội tiếp xúc gặp gỡ để phát triển hơn nữa quan hệ hợp tác hai nước trên mọi lĩnh vực. Còn nhớ, cách đây 5 năm, tôi đến dự một cuộc hội nghị tổng kết của Trung tâm bảo tồn và phát huy các giá trị văn hoá dân tộc do Giáo sư Hoàng Chương - một nhà nghiên cứu và hoạt động văn hoá nổi tiếng, đã từng được đào tạo tại Rumani - làm giám đốc.

Vừa bước vào, tôi gặp Đại sứ Valeriu Arteni cũng đến dự. Hôm đó, tôi dược nghe ông phát biểu rất sâu sắc về văn hoá Việt Nam, về sự cần thiết và cách thức triển khai hợp tác văn hoá, làm động lực để đưa hợp tác kinh tế phát triển hơn nữa, tương xứng với tiềm năng và thế mạnh và quan hệ truyền thông rất tốt đẹp của hai nước.

 Đó gần như là một trong những hoạt động cuối cùng của ông trước khi rời Việt Nam. Và thật không ngờ, đó cũng là lần gặp mặt cuối cùng của tôi với người bạn yêu quý Valeriu Arteni.

Rời Việt Nam, ông về làng quê ở vùng Margineni thuộc tỉnh Neamt của Rumani, nơi ông sinh ra, tiếp tục sống một cuộc đời bình dị cùng người vợ yêu thương của mình, người đã cùng ông sống “một cuộc đời Việt Nam”.

Rồi chúng tôi bàng hoàng nhận được tin: 21 giờ 30 ngày 19.1.2022, ông đã qua đời trong đại dịch Covid-19 tại quê nhà. Thời điểm đó, tình hình dịch bệnh ở Rumani cũng như ở Việt Nam rất căng thẳng, do giãn cách xã hội nên việc đi lại rất khó khăn, cả xã hội dường như đứng yên.

Tôi gọi điện cho anh Hoàng Trung Du, Phó chủ tịch Hội Hữu nghị Việt Nam - Rumani, lúc đó đang có mặt ở Bucarest, đề nghị anh bằng mọi cách gửi được vòng hoa của Hội hữu nghị Việt Nam - Rumani đến viếng ông. Anh Hoàng Trung Du là một cựu nghiên cứu sinh, nhiều năm sinh sống tại Rumani, với sự năng động và linh hoạt đã kịp gửi được một vòng hoa tới Nhà thờ nơi tổ chức lễ tang Đại sứ Valeriu Arteni.

Đó là nghĩa cử của những người bạn Việt Nam rất mực yêu quý ông. Tin rằng, khi về cõi thiên đàng, ông vẫn nhận được tình cảm ấm áp, lòng kính trọng, niềm tiếc thương vô hạn của những người anh em từ đất nước Việt Nam xa xôi mà ông coi là “quê hương thứ hai” của mình.

  Yên nghỉ nhé, Valeriu Arteni yêu quý.     

Trái tim một “ông Tây Việt Nam” - ảnh 10