Sotheby's hoãn đấu giá đá quý liên quan Đức Phật sau sức ép từ Ấn Độ

NGHIÊM THANH

VHO - Nhà đấu giá Sotheby’s đã hoãn phiên đấu giá bộ sưu tập đá quý cổ được cho là liên quan đến Đức Phật tại Hồng Kông, sau khi chính phủ Ấn Độ đe dọa tiến hành các hành động pháp lý.

Sotheby's hoãn đấu giá đá quý liên quan Đức Phật sau sức ép từ Ấn Độ - ảnh 1
Triển lãm đá quý Piprahwa tại Sotheby's Maison. Ảnh: Sotheby's

Trong tuyên bố, Sotheby’s cho biết phiên đấu giá dự kiến diễn ra vào 7.5 sẽ bị hoãn để tạo điều kiện cho cuộc thảo luận giữa người bán và chính phủ Ấn Độ.

Trong thông báo pháp lý gửi ngày 5.5, Bộ Văn hóa Ấn Độ nhấn mạnh rằng các viên đá quý này nên được xem là hiện thân linh thiêng của Đức Phật và nếu cuộc đấu giá tiếp tục, điều đó sẽ tiếp tay cho "hoạt động khai thác thuộc địa kéo dài".

Lá thư được đăng công khai trên mạng xã hội của Bộ, cũng nêu rõ rằng Chris Peppé – chắt của người phát hiện các di vật, hiện là đạo diễn và biên tập viên truyền hình tại Los Angeles – không có quyền hợp pháp để bán bộ sưu tập mà theo Ấn Độ là "di sản tôn giáo và văn hóa bất khả xâm phạm" của đất nước và cộng đồng Phật giáo toàn cầu.

Quyết định hoãn đấu giá diễn ra trong bối cảnh làn sóng phản đối ngày càng lan rộng từ cộng đồng quốc tế và các tín đồ Phật giáo, những người tin rằng các viên đá quý này có chứa tro cốt của Đức Phật và nên được coi là thánh vật.

Bộ sưu tập gồm 334 viên đá quý – dự kiến đạt giá khoảng 100 triệu đô la Hồng Kông (tương đương 9,7 triệu bảng Anh) – bao gồm thạch anh tím, san hô, garnet, ngọc trai, pha lê, vỏ sò và vàng, được chế tác thành mặt dây chuyền, hạt chuỗi và các vật phẩm trang trí khác hoặc ở dạng thô.

Theo các chuyên gia pháp lý, Ấn Độ có thể theo đuổi hành động pháp lý ngay cả khi các viên đá được bán. Luật sư Sameer Jain cho biết cuộc đấu giá có thể vi phạm nhiều luật của Ấn Độ như Đạo luật Cổ vật năm 1972, Đạo luật Di tích khảo cổ cổ năm 1958 và Đạo luật Kho báu 1878.

Những luật này trao quyền sở hữu các di vật cho chính phủ Ấn Độ, bất kể các cổ vật được xuất khẩu trong thời kỳ thực dân hay không.

Còn Luật sư Noor Kadhim – chuyên về Luật nghệ thuật – lại cho rằng Ấn Độ khó có thể kiện Sotheby’s theo Công ước Hague hay UNESCO vì đây là nhà đấu giá tư nhân.

Tuy nhiên, theo bà thì Ấn Độ có thể viện dẫn các hiệp ước quốc tế để gây sức ép với Trung Quốc – quốc gia chủ nhà của Sotheby’s Hong Kong.

Conan Cheong, giám tuyển chuyên về nghệ thuật Đông Nam Á, hoan nghênh quyết định hoãn đấu giá và kêu gọi gia đình Peppé nên lắng nghe tiếng nói từ cộng đồng Phật tử tại Thái Lan, Campuchia, Sri Lanka và các quốc gia khác.

Ông nói: “Đây là cơ hội hiếm có để cùng chính phủ Ấn Độ tìm ra một phương án công bằng, nhân văn nhằm chia sẻ những di vật này với toàn thể nhân loại”.

Đại diện bên bán, ông Chris Peppé từ chối bình luận. Trước đó, ông nói với Guardian rằng “về mặt pháp lý, quyền sở hữu là không thể tranh cãi”.

Trong thông cáo mới nhất, Sotheby’s cho biết: “Dựa trên các vấn đề được chính phủ Ấn Độ nêu ra, và với sự đồng thuận từ bên gửi hàng, phiên đấu giá bộ đá quý Piprahwa của Đức Phật lịch sử, dự kiến tổ chức ngày 7.5, đã bị hoãn lại để các bên có thời gian thảo luận. Chúng tôi sẽ cập nhật thông tin khi thích hợp”.

Tin liên quan

Ý kiến bạn đọc