Thế giới hồi hộp chờ đợi Mật nghị Hồng y bầu Giáo hoàng mới
VHO - Khói đen bốc lên từ ống khói của Nhà nguyện Sistine vào ngày 7.5, cho thấy các Hồng y chưa bầu được Giáo hoàng mới vào ngày đầu tiên của Mật nghị.

Theo hãng CNN, chưa có ứng cử viên sáng giá nào để tiếp quản quyền lãnh đạo Giáo hội Công giáo La Mã. Các hồng y sẽ tiếp tục bỏ phiếu kín vào ngày hôm nay 8.5 cho đến khi họ chọn ra người kế nhiệm Giáo hoàng Francis.
Mật nghị sẽ tổ chức hai vòng bỏ phiếu vào sáng và chiều mỗi ngày cho đến khi có một ứng viên giành được tối thiểu 2/3 số phiếu, tương ứng với sự ủng hộ của 89 Hồng y.
Hiện có 133 Hồng y tham dự Mật nghị, tất cả đều dưới 80 tuổi, đã nghỉ đêm tại nhà khách của Vatican, trước khi quay trở lại nhà nguyện vào buổi sáng ngày 8.5 để tiếp tục quy trình bầu.
1,4 tỉ người Công giáo còn lại trên thế giới sẽ phải tiếp tục chờ đợi kết quả trong những ngày tới.
Các hồng y đều đã tuyên thệ giữ bí mật và không sử dụng các thiết bị điện tử để tránh liên lạc ra bên ngoài mật nghị, hoặc rò rỉ thông tin. Các hồng y và nhân viên Vatican sẽ chỉ lấy lại điện thoại và thiết bị sau khi mật nghị kết thúc.
Bên ngoài, hàng chục nghìn người tụ tập khi mặt trời lặn tại Quảng trường Thánh Peter của Vatican để xem tín hiệu màu khói bốc lên từ Nhà nguyện Sistine. Như thường lệ trước đó, việc một giáo hoàng mới được bầu sau chỉ một lần bỏ phiếu trong mật nghị sẽ rất khó.
"Chúng tôi đã cố gắng thể hiện điều đó, và biết rằng điều đó sẽ không xảy ra vào đêm nay", Carla Peat, 19 tuổi, người đã đi từ Scotland đến Rome cùng bạn bè để theo dõi mật nghị, cho biết.
Hai vị giáo hoàng trước, Benedict XVI và Francis, đã được bổ nhiệm vào ngày bỏ phiếu thứ hai. Trước họ, John Paul II đã được bổ nhiệm vào ngày thứ ba bỏ phiếu.
Trong ba ngày tới, mỗi ngày sẽ có tối đa bốn vòng bỏ phiếu: hai vào buổi sáng và hai vào buổi chiều.
Nếu Mật nghị vẫn chưa bầu được giáo hoàng mới vào ngày thứ năm, tức là Chủ Nhật tới, thì các hồng y sẽ được nghỉ bỏ phiếu và thay vào đó sẽ dành thời gian để cầu nguyện, suy ngẫm và thảo luận không chính thức.
Sự chú ý của thế giới đổ dồn về Vatican

Phần lớn sự chú ý của thế giới đổ dồn về Vatican, nơi mật nghị đã bắt đầu và các hồng y đang họp để chọn người kế nhiệm Giáo hoàng Francis.
Francis, vị giáo hoàng Mỹ Latinh duy nhất trong lịch sử, đã qua đời vào tháng trước ở tuổi 88. Lễ tang của ông, được tổ chức trên các bậc thang của Vương cung thánh đường Thánh Peter, có sự tham dự của các nguyên thủ quốc gia, hoàng gia và hơn 250.000 người đưa tang.
Bây giờ, khi giáo hoàng đã yên nghỉ, thế giới đang theo dõi xem ai sẽ là nhà lãnh đạo tiếp theo của Giáo hội Công giáo. Mật nghị giáo hoàng, một truyền thống đã có từ nhiều thế kỷ, thu hút sự chú ý của mọi người trong tâm thế vừa hồi hộp vừa bí mật.
Kết quả của mỗi cuộc bỏ phiếu chỉ được tiết lộ cho thế giới bên ngoài thông qua màu khói bốc ra từ ống khói Nhà nguyện Sistine. Khói màu đen có nghĩa là không có giáo hoàng nào được bầu.
Cuộc bỏ phiếu đầu tiên diễn ra vào chiều thứ Tư và khói có màu đen, nghĩa là chưa bầu ra Giáo hoàng mới.
Hai mật nghị gần đây nhất — được tổ chức vào năm 2005 để bầu Giáo hoàng Benedict XVI và năm 2013 để bầu Giáo hoàng Francis — kéo dài hai ngày.
Trong 12 năm làm giáo hoàng, Giáo hoàng Francis đã bổ nhiệm hơn 20 hồng y từ các quốc gia chưa từng có hồng y trước đây — hầu hết đều từ các nước đang phát triển, bao gồm Mông Cổ, Lào, Papua New Guinea và Mali.
Trong số 133 hồng y đang bỏ phiếu, cố Giáo hoàng Francis đã bổ nhiệm 108 người.
Mật nghị hồng y là một trong những nghi lễ lâu đời, chỉ diễn ra sau khi một Giáo hoàng qua đời hoặc thoái vị.
Một vị hồng y gốc Canada, cũng là một tu sĩ Dòng Tên giống Giáo hoàng Francis, thừa nhận Vatican sẽ tiếp nối tinh thần cải cách nhưng không biến nó thành "di sản kéo dài".
Mật nghị lần này còn mang tính biểu trưng cao về sự đa dạng. Với hồng y đến từ 69 quốc gia, một con số kỷ lục, Vatican đang cho thấy thế giới Công giáo ngày càng toàn cầu hóa.
Thành quả này có được phần lớn nhờ nỗ lực của cố Giáo hoàng Francis khi phong chức cho các hồng y từ những vùng đất xa xôi như Rwanda, Myanmar, Papua New Guinea hay Nam Sudan.
Không giống như các cuộc bầu cử thông thường, các hồng y không tự vận động để được bầu làm Giáo hoàng. Họ không đề cử ứng viên chính thức, mà lắng nghe lẫn nhau và chọn ra người mà họ tin là phù hợp nhất để dẫn dắt giáo hội trong thời đại mới.
"Chúng tôi sẽ tìm người đáp ứng tốt nhất nhu cầu của giáo hội và thế giới hiện nay", một hồng y không nêu tên trả lời kênh NBC News cho biết.