Thuế quan của Mỹ: Washington khởi động điều tra thương mại với Brazil
VHO - Theo phóng viên TTXVN tại Nam Mỹ, ngày 15.7, Văn phòng Đại diện Thương mại Mỹ (USTR) thông báo đã khởi động cuộc điều tra về các hoạt động thương mại của Brazil.

Cuộc điều tra, từng được Tổng thống Donald Trump công bố trước đó, nhằm xác định liệu các hành động, chính sách của Brazil liên quan đến thương mại điện tử và thuế suất ưu đãi cùng một số lĩnh vực khác có “không hợp lý hoặc mang tính phân biệt, gây gánh nặng hoặc hạn chế” hoạt động thương mại của Mỹ hay không.
Trong bối cảnh đó, Phó Tổng thống Brazil Geraldo Alckmin cho biết nước này đang nỗ lực để Mỹ sớm rút lại mức thuế quan 50% mà Washington tuyên bố sẽ áp dụng đối với toàn bộ hàng hóa nhập khẩu từ quốc gia Nam Mỹ.
Phát biểu sau cuộc họp với các doanh nghiệp để thảo luận biện pháp thuế quan trên, Phó Tổng thống Alckmin nhấn mạnh: “Nếu cần thêm thời gian, chúng tôi sẽ nỗ lực để đạt được mục tiêu đó”. Ông cũng lưu ý Brazil đang phải đối mặt với thời hạn đàm phán “hết sức gấp rút”, bởi mức thuế quan mới dự kiến có hiệu lực từ ngày 1.8 tới.
Bên cạnh đó, Phó Tổng thống Brazil cảnh báo mức thuế 50% của Mỹ đối với hàng hóa Brazil có thể làm tăng chi phí sinh hoạt tại Mỹ, đồng thời làm trầm trọng thêm căng thẳng ngoại giao giữa hai nền kinh tế lớn ở châu Mỹ.
Kết quả khảo sát của AtlasIntel/Bloomberg công bố ngày 15.7 cho thấy 51,2% số người dân Brazil được hỏi cho rằng chính quyền của Tổng thống Lula da Silva nên áp dụng biện pháp trả đũa thương mại đối với Mỹ, trong khi 63,2% số người dân Brazil có cái nhìn tiêu cực về Tổng thống Trump và đa số người dân Brazil tin rằng quan hệ song phương sẽ xấu đi sau quyết định thuế quan của Mỹ - quốc gia hiện là đối tác thương mại lớn thứ hai của Brazil, sau Trung Quốc.
Trong bối cảnh thời điểm Mỹ bắt đầu áp thuế đang đến gần, Giám đốc điều hành (CEO) của nhà sản xuất máy bay dân dụng Embraer của Brazil cảnh báo mức thuế của Mỹ có thể giáng đòn mạnh vào doanh thu của hãng sản xuất máy bay lớn thứ ba thế giới này, tương tự như cú sốc do đại dịch COVID-19 gây ra.
Phát biểu trước báo giới, ông Francisco Gomes Neto cho rằng mức thuế này chẳng khác nào một lệnh cấm vận thương mại đối với các dòng máy bay khu vực mà Embraer cung cấp cho các hãng hàng không Mỹ, đồng thời có nguy cơ dẫn đến việc hủy đơn hàng, trì hoãn giao hàng và gây hậu quả nghiêm trọng cho các nhà cung cấp Mỹ – vốn cung ứng các linh kiện như động cơ và thiết bị điện tử hàng không cho Embraer.
Mỹ hiện là thị trường xuất khẩu chính của Embraer – nhà sản xuất máy bay có quy mô chỉ đứng sau Airbus và Boeing – với khoảng 45% số máy bay thương mại và 70% số chuyên cơ thuộc loại máy bay phản lực được bán cho các khách hàng Mỹ. Các nhà phân tích từng cảnh báo Embraer sẽ là một trong những bên chịu tác động nặng nề nhất nếu chính sách thuế mới được thực thi.
Trong một diễn biến liên quan, Thủ tướng Đức Friedrich Merz mới đây tuyên bố Liên minh châu Âu (EU) sẽ có phản ứng quyết liệt trong trường hợp tranh chấp thuế quan với Mỹ leo thang.
Theo phóng viên TTXVN tại Berlin, Thủ tướng Merz nhấn mạnh Chính phủ Mỹ không nên đánh giá thấp quan điểm của EU trong việc đáp trả các mức thuế quan bằng các biện pháp tương tự. Ông cho biết EU đã chuẩn bị cho điều này nhưng vẫn hy vọng vào một giải pháp đàm phán.
Theo nhà lãnh đạo Đức, mục tiêu của EU vẫn là nhanh chóng đạt được một giải pháp tạo điều kiện thuận lợi cho thương mại với Mỹ và giảm thuế quan, đồng thời kỳ vọng vào khả năng thành công bất chấp khó khăn. Thủ tướng Merz cũng cho biết cuối tuần qua ông đã ủng hộ việc EU không áp đặt ngay lập tức các mức thuế quan trả đũa sau khi nhận được thư thông báo của Tổng thống Trump, đồng thời cho biết bản thân đang duy trì liên lạc chặt chẽ với Tổng thống Mỹ và Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Ursula von der Leyen về vấn đề này.
Theo DIỆU HƯƠNG - VŨ TÙNG (TTXVN)/Báo Tin tức và Dân tộc
Link bài viết gốc