Chiến lược ứng phó của EU trước áp lực thuế quan mới của Tổng thống Trump

VHO - Trước áp lực từ mức thuế đối với hàng trăm tỷ USD hàng hoá của Mỹ, EU tung chiến lược hai chiều: đàm phán mềm mỏng nhưng sẵn sàng đáp trả mạnh tay nếu cần.

Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen phát biểu tại phiên họp Nghị việnchâu ở Strasbourg, Pháp. Ảnh: THX/TTXVN
Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen phát biểu tại phiên họp Nghị viện châu ở Strasbourg, Pháp. Ảnh: THX/TTXVN

Trong bối cảnh áp lực từ các mức thuế quan mới của Mỹ gia tăng, Liên minh châu Âu (EU) đang nỗ lực tìm cách ứng phó, vừa tránh một cuộc chiến thương mại toàn diện, vừa bảo vệ lợi ích kinh tế của khối. Theo mạng tin châu Âu Euractiv.com và tờ Politico ngày 13.7, các quan chức EU đang chờ đợi một lá thư chính thức từ phía Mỹ vào ngày 17.7 (tức ngày 18.7, theo giờ châu Âu) để xác định rõ hơn các mức thuế quan mới.

Chiến lược "hai chiều" của EU

Các quan chức EU cho biết, những mức thuế hiện tại đang ảnh hưởng đến 370 tỷ euro hàng hóa xuất khẩu của khối sang Mỹ, chiếm 70% tổng kim ngạch xuất khẩu. Ủy ban châu Âu (EC), cơ quan điều hành chính sách thương mại của EU, đã phát tín hiệu sẵn sàng chấp nhận mức thuế chung 10% của chính quyền Trump để đổi lấy việc miễn trừ thuế đối với kim loại và ô tô. Tuy nhiên, Brussels cũng tuyên bố sẽ trả đũa nhắm vào 116 tỷ euro hàng xuất khẩu của Mỹ, chia thành hai gói riêng biệt, nếu không đạt được một thỏa thuận "có thể chấp nhận được cho cả hai bên".

Chiến lược của EU được thể hiện rõ qua phát biểu của Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen: "Chúng tôi luôn khẳng định rõ ràng rằng chúng tôi ưu tiên một giải pháp đàm phán. Và điều này vẫn luôn đúng. Nhưng chúng tôi sẽ thực hiện mọi bước cần thiết để bảo vệ lợi ích của EU".

Do đó, nếu biện pháp đáp trả được áp dụng, gói trả đũa đầu tiên của EU có thể ảnh hưởng đến 21 tỷ euro hàng hóa Mỹ như đậu nành, xe máy và nước cam. Gói thứ hai lớn hơn, nhắm vào máy bay và ô tô của Mỹ, hiện đang được phối hợp không chính thức với các nước chủ chốt và cần sự ủng hộ chính thức từ các quốc gia thành viên để có hiệu lực.

Thủ tướng Pháp Emmanuel Macron đã kêu gọi Brussels có lập trường cứng rắn hơn với Mỹ, nhấn mạnh trách nhiệm của EC trong việc bảo vệ lợi ích của châu Âu, bao gồm việc đẩy nhanh chuẩn bị các biện pháp đối phó đáng tin cậy.

Trong một bức thư gửi cho bà von der Leyen vào cuối tuần trước và được đăng trên Truth Social hôm 12.7, ông Trump nêu rõ: "Bắt đầu từ ngày 1.8, chúng tôi sẽ áp dụng mức thuế quan 30% đối với EU với các sản phẩm của EU được gửi đến Mỹ, tách biệt với tất cả các mức thuế quan theo ngành. Nếu vì bất kỳ lý do gì họ quyết định tăng thuế quan và trả đũa, thì bất kể họ chọn tăng bao nhiêu, mức thuế sẽ được cộng vào mức 30%mà chúng tôi áp dụng".

Hy vọng đàm phán

Phát biểu tại cuộc họp báo ngày 13.7, Chủ tịch EC cho biết các cuộc đàm phán với Washington đang được tiến hành sau khi Nhà Trắng xác nhận sẽ tăng thuế đối với hàng nhập khẩu từ EU. “Do đó, chúng tôi cũng sẽ kéo dài thời gian tạm dừng các biện pháp đối phó cho đến đầu tháng 8 và đồng thời chúng tôi sẽ tiếp tục chuẩn bị các biện pháp đối phó tiếp theo để luôn trong tình trạng sẵn sàng”, bà von der Leyen nói.

Theo hai nhà ngoại giao EU, các biện pháp đối phó tiếp theo, hay còn gọi là thuế quan trả đũa, sẽ nhắm vào lượng hàng xuất khẩu ước tính trị giá 72 tỷ euro của Mỹ và sẽ được trình lên các nước EU vào ngày 14.7.

Mặc dù ông Trump đã ký sắc lệnh hành pháp chính thức gia hạn thời hạn áp dụng thuế quan từ ngày 9.7 đến ngày 1.8 và khẳng định "sẽ không gia hạn" sau đó, nhưng các nhà ngoại giao châu Âu vẫn tin rằng vẫn còn đủ thời gian để ngăn chặn một cuộc chiến thương mại toàn diện.

Việc chính quyền Trump mở ra cánh cửa cho những điều chỉnh tiếp theo đối với các mức thuế quan nếu EU mở "thị trường thương mại vốn đã đóng cửa với Mỹ và xóa bỏ các chính sách thuế quan và rào cản thương mại trước đây ..." cũng cho thấy khả năng đàm phán vẫn còn.

Ủy viên Kinh tế EU Valdis Dombrovskis cũng bày tỏ sự lạc quan khi Mỹ hoãn thời hạn đến ngày 1.8: "Chúng ta có thêm một chút thời gian". Văn phòng Thủ tướng Italy cũng hy vọng rằng mức thuế quan của Mỹ vẫn có thể được ngăn chặn, nhấn mạnh sự cần thiết của một thỏa thuận để củng cố liên minh phương Tây, đặc biệt trong bối cảnh hiện tại.

Về phần mình, Thủ tướng Ireland Micheál Martin, đáp lại lời đe dọa thương mại trong bức thư của Tổng thống Trump, đã bày tỏ "sự ủng hộ hoàn toàn" đối với bà von der Leyen và trưởng đoàn đàm phán thương mại EU Maroš Šefčovič, lưu ý rằng ông muốn "một giải pháp đàm phán tránh leo thang".

“Tôi hy vọng các cuộc đàm phán sẽ tiếp tục trong những tuần tới và sẽ thành công”, ông Martin nói thêm. Ireland, quốc gia xuất khẩu dược phẩm hàng đầu châu Âu sang Mỹ, đặc biệt dễ bị tổn thương trước bất kỳ sự leo thang căng thẳng thương mại nào.

Tuy có những dấu hiệu tích cực, thách thức vẫn còn lớn. Các mức thuế của chính quyền Trump không chỉ ảnh hưởng trực tiếp đến xuất khẩu của EU mà còn gây ra sự gián đoạn chuỗi cung ứng thiết yếu xuyên Đại Tây Dương, gây bất lợi cho doanh nghiệp, người tiêu dùng ở cả hai bờ Đại Tây Dương.

Trong tuyên bố của mình , bà von der Leyen đã bác bỏ cáo buộc được lặp lại trong suốt bức thư của Tổng thống Trump rằng Mỹ đã bị khối này đối xử bất công. Bà nói: "Ít có nền kinh tế nào trên thế giới sánh được với mức độ cởi mở và tuân thủ các thông lệ thương mại công bằng của EU".

Trước bối cảnh thời gian đang ngày càng eo hẹp, các cuộc đàm phán giữa EU và Mỹ dự kiến sẽ tiếp tục diễn ra khẩn trương trong những tuần tới. Hy vọng là cả hai bên sẽ tìm được một giải pháp đàm phán, tránh một cuộc chiến thương mại leo thang, vốn sẽ gây tổn hại cho nền kinh tế toàn cầu.

Theo VŨ THANH/Báo Tin tức và Dân tộc

Link bài viết gốc

Tin liên quan

Ý kiến bạn đọc