Nhật Bản lập kỷ lục về du lịch:
Sức hút toàn cầu và áp lực hạ tầng
VHO - Nhật Bản đang chứng kiến sự bùng nổ chưa từng có về lượng du khách quốc tế, khẳng định vị thế là điểm đến hàng đầu nhờ sự kết hợp giữa văn hóa độc đáo, cảnh quan thiên nhiên đặc sắc và chính sách thu hút khách du lịch hiệu quả.

Tuy nhiên, sự tăng trưởng mạnh mẽ này cũng đặt ra nhiều thách thức về quá tải, đòi hỏi chính phủ phải có những giải pháp chiến lược để quản lý và phân bổ hợp lý.
Liên tiếp lập kỷ lục
Theo Cơ quan Du lịch Nhật Bản, chỉ riêng tháng 1.2025, quốc gia này đã đón gần 3,8 triệu lượt khách quốc tế, mức cao nhất trong lịch sử. Dự báo, con số này sẽ tiếp tục tăng mạnh vào mùa hoa anh đào sắp tới, hứa hẹn thiết lập thêm những kỷ lục mới.
Trước đó, vào năm 2024, lượng khách đến từ Trung Quốc đạt 7 triệu lượt, tăng gần 2,9 lần so với năm 2023; du khách Hàn Quốc đạt gần 10 triệu lượt, trong khi lượng khách Mỹ tăng gần 60%.
Nhằm đẩy mạnh phát triển du lịch, chính phủ Nhật Bản đặt mục tiêu đến năm 2030 sẽ đón 60 triệu du khách với tổng chi tiêu ước tính 15.000 tỉ yên. Riêng trong năm 2024, chi tiêu từ du khách nước ngoài đã đạt 8.000 tỉ yên (tương đương 53,5 tỉ USD), trở thành động lực quan trọng hỗ trợ nền kinh tế, đặc biệt là tại các địa phương.
Nhật Bản không chỉ tập trung thu hút khách du lịch đến các thành phố lớn mà còn đẩy mạnh quảng bá các địa phương, thông qua sự hợp tác chặt chẽ giữa các tỉnh, thành.
Điển hình, vào cuối tháng 2.2025, ba tỉnh Fukui, Ishikawa và Toyama (khu vực Hokuriku) đã phối hợp tổ chức sự kiện Đêm Hokuriku tại Tokyo, thu hút sự quan tâm lớn của báo giới quốc tế.
Không dừng lại trong nước, nhiều địa phương Nhật Bản còn có kế hoạch quảng bá tại các thị trường nước ngoài, kết hợp các sự kiện du lịch với lễ hội văn hóa truyền thống để tăng cường nhận diện thương hiệu.
Nhật Bản đang đẩy mạnh quan hệ hợp tác du lịch với các quốc gia châu Á như Trung Quốc, Hàn Quốc, Việt Nam, đồng thời mở rộng sang thị trường Mỹ và châu Âu. Đặc biệt, Nhật Bản, Trung Quốc và Hàn Quốc đã thiết lập cơ chế đối thoại cấp Bộ trưởng phụ trách du lịch, tạo điều kiện thuận lợi cho việc trao đổi du khách giữa ba nước. Chính sách này đang mang lại hiệu quả rõ rệt, giúp lượng du khách Trung Quốc đến Nhật Bản tăng vọt trong thời gian qua.
Tuy nhiên, dù đang hưởng lợi lớn từ ngành du lịch, Nhật Bản cũng phải đối mặt với bài toán quá tải hạ tầng, áp lực lên các điểm đến nổi tiếng và bảo tồn bản sắc văn hóa trong bối cảnh hội nhập mạnh mẽ.
Việc tìm ra giải pháp quản lý hợp lý, phân bổ du khách và phát triển du lịch bền vững sẽ là yếu tố then chốt giúp Nhật Bản tiếp tục giữ vững vị thế là một trong những điểm đến hấp dẫn nhất thế giới.
Áp lực gia tăng tại các thành phố lớn
Theo báo cáo của Cơ quan Du lịch Nhật Bản, năm 2024, khách quốc tế chiếm 52% lượt lưu trú tại Tokyo, 50% tại Kyoto và 45% tại Osaka, cao hơn nhiều so với mức trung bình 25% trên toàn quốc. Điều này không chỉ gây quá tải hạ tầng mà còn đẩy giá dịch vụ lưu trú lên mức cao chưa từng có.
Cụ thể, giá phòng khách sạn tại Tokyo năm 2024 trung bình đạt 29.565 yên (khoảng 196 USD/đêm), tăng 55% so với năm 2019 và hơn 20% so với năm 2023. Các chuyên gia cảnh báo, nếu không có giải pháp điều tiết, chi phí du lịch tại Nhật Bản sẽ tiếp tục leo thang, ảnh hưởng đến trải nghiệm của du khách cũng như đời sống người dân địa phương.
Một trong những phương án đang được xem xét là tăng thuế du lịch áp dụng cho du khách xuất cảnh, nhằm tạo nguồn ngân sách để nâng cấp cơ sở hạ tầng tại các điểm du lịch quá tải. Mức thuế hiện tại là 1.000 yên/người (6,64 USD), có thể tăng lên 5.000 yên (33,20 USD) trong thời gian tới, theo South China morning post (SCMP).
Hiện tại, tiền thuế du lịch chủ yếu được dùng để quảng bá và phát triển các khu nghỉ dưỡng. Nếu thuế tăng, nguồn ngân sách này sẽ được mở rộng cho các mục tiêu như nâng cấp giao thông, cải thiện sân bay và tăng cường cơ sở hạ tầng tại các điểm đến chính.
Các chuyên gia cũng khuyến nghị chính phủ sử dụng nguồn tiền này hiệu quả để chống lại “ô nhiễm du lịch” - thuật ngữ chỉ tình trạng du lịch quá tải gây tác động tiêu cực đến môi trường và đời sống người dân địa phương.
Nhật Bản đang triển khai nhiều giải pháp để giảm áp lực tại các “điểm nóng” bằng cách khuyến khích du khách khám phá các địa phương ít được biết đến hơn. Một số chiến lược cụ thể bao gồm: Mở rộng quảng bá du lịch vùng miền, tập trung vào ẩm thực đặc trưng, văn hóa địa phương thay vì chỉ tập trung vào các điểm đến nổi tiếng.
Giảm giá vé và tạo gói khuyến mãi cho những chuyến du lịch đến các khu vực ít du khách. Phát triển các sản phẩm du lịch mới, như du lịch tàu cao tốc (Shinkansen) hoặc tham quan các vùng từng bị thiên tai như động đất, sóng thần, giúp phục hồi kinh tế địa phương.
Tạo thương hiệu du lịch cho các địa phương, thông qua việc đề cử các địa danh, nghề truyền thống lên danh sách Di sản thế giới của UNESCO.
Tuy nhiên đến nay, các giải pháp vẫn chưa mang lại hiệu quả như mong đợi. Thói quen của du khách vẫn tập trung vào các thành phố lớn, trong khi các điểm đến mới cần thêm thời gian để xây dựng thương hiệu và thu hút sự quan tâm.
Với mục tiêu phát triển du lịch bền vững, Nhật Bản cần tiếp tục điều chỉnh chính sách, kết hợp giữa việc kiểm soát lượng du khách, phân bổ điểm đến hợp lý và đầu tư vào cơ sở hạ tầng, đảm bảo trải nghiệm tốt hơn cho du khách mà không làm tổn hại đến môi trường và cộng đồng địa phương.