Du lịch Nhật Bản: Làm mới để tăng thu

VHO- Du lịch là ngành đóng góp quan trọng cho nền kinh tế Nhật Bản khi hằng năm chiếm khoảng từ 6-7% GDP. Do vậy, từ cuối năm ngoái, Nhật Bản đã thực hiện nhiều biện pháp thúc đẩy du lịch trong nước và thu hút khách quốc tế… trong đó có khôi phục những tour du lịch mới và xây dựng những cơ sở lưu trú sang trọng cho du khách nước ngoài.

Du lịch Nhật Bản: Làm mới để tăng thu - Anh 1

 Nhật Bản được rất nhiều du khách nước ngoài coi là điểm đến mơ ước Ảnh: JAPAN TIMES

Khôi phục “Hành trình kim cương”

Nhật Bản là điểm đến được yêu thích vì liên tục có các hoạt động hợp tác du lịch, xúc tiến quảng bá chất lượng, tạo điều kiện thuận lợi cho khách nước ngoài chi trả khi đến Nhật Bản. Gần đây nhất, để phát triển du lịch, hút du khách nước ngoài, Nhật Bản vừa mở mới và khôi phục nhiều điểm du lịch, trong đó nổi bật là tour du lịch “Hành trình kim cương” gồm 4 điểm đến là Fukushima, Ibaraki, Tochigi và Tokyo. Cái tên “kim cương” xuất phát từ hình tạo ra bởi đường nối 4 điểm đến này trên bản đồ Nhật Bản, cũng là cách để phân biệt với “Cung đường vàng” truyền thống gồm Tokyo, Osaka, Kyoto. Điểm độc đáo của “Hành trình kim cương” là sự thay đổi cảnh quan và trải nghiệm theo 4 mùa Xuân - Hạ - Thu - Đông.

Điểm đến độc đáo trong hành trình này là Edo Wonderland - nơi tái hiện những con phố vào thời đại Edo (khoảng thế kỷ 17-19) nằm tại thành phố Nikko, tỉnh Tochigi. Những quán trọ, dinh thự của võ sĩ trên đường phố, các loại cây cảnh bốn mùa hay hình ảnh samurai và người dân trong trang phục cổ xưa mang đến cho du khách cảm giác như đang quay ngược thời gian. Thông qua các hoạt động trải nghiệm cùng người dân trong khu phố, du khách có dịp hiểu sâu hơn về văn hóa và cuộc sống thời kỳ Edo.

Ông Yoshida Kenji, Cơ quan Xúc tiến du lịch Nhật Bản (JNTO) cho biết, Fukushima chỉ nằm cách Tokyo khoảng 90 phút di chuyển bằng tàu shinkansen. Địa điểm này có thiên nhiên rất phong phú, nhiều khu suối nước nóng, nhiều món ăn ngon và du khách sẽ cảm giác như đang được tới một thế giới hoàn toàn khác biệt”.

Theo thông báo từ JNTO, những thị trường hàng đầu có khách quốc tế đến Nhật 8 tháng đầu năm nay gồm Hàn Quốc 4,3 triệu lượt, Đài Loan (Trung Quốc) gần 2,6 triệu lượt, Mỹ 1,3 triệu lượt, Trung Quốc gần 1,3 triệu lượt, Thái Lan 580.000 lượt.

Sự thúc đẩy của lượng khách quốc tế lan rộng sang các dịch vụ liên quan tới du lịch. Tính theo số đêm, lượng đặt phòng khách sạn vào tháng 8 trên trang web Rakuten Travel tăng khoảng 30% so với cùng tháng năm 2019. Nhu cầu cao đã khiến giá phòng tăng đột biến. Khách sạn The Royal Park Hotel Iconic Tokyo Shiodome tại Tokyo đã tăng gần gấp đôi giá phòng trung bình vào tháng 8 do lượng khách quốc tế tăng đáng kể.

Để phân phối phù hợp, một số thương hiệu lớn thực hiện điều chuyển nhân viên. Khách sạn Seibu Prince Hotels Worldwide tạm thời chuyển lao động từ thủ đô Tokyo đến tỉnh Hokkaido và các nơi khác. Thiếu hụt lao động hiện trở thành vấn đề tồn tại dai dẳng trong ngành du lịch Nhật Bản. Nhà điều hành taxi MK có trụ sở tại Kyoto cho biết: “Đã bắt đầu có dấu hiệu quá tải tại thời điểm này, và chúng tôi nhận thấy sự thiếu hụt nhân công khi bước vào mùa thu”.

Mở mới những cơ sở lưu trú sang trọng

Tổng cục Du lịch Nhật Bản cũng đang xây dựng “Kế hoạch cơ bản thúc đẩy quốc gia du lịch mới”, trong đó mục tiêu đến năm 2025, chi tiêu của khách du lịch nước ngoài đến Nhật Bản sẽ đạt 200.000 yen/người (1.520 USD/người). Về số lượng du khách đến Nhật Bản, kế hoạch mới chỉ đặt mục tiêu “cao hơn năm 2019”, năm đánh dấu số lượng khách du lịch quốc tế đến Nhật Bản đạt mức cao kỷ lục là 31,88 triệu lượt.

Để có thể nâng chi tiêu của khách du lịch, việc tăng số ngày lưu trú và đơn giá phòng nghỉ là cần thiết. Tổng cục Du lịch Nhật Bản sẽ triển khai các chính sách hỗ trợ như cải tạo cơ sở lưu trú tại các địa phương, mục tiêu nâng số ngày lưu trú tại các địa phương nằm ngoài 3 thành phố lớn là Tokyo, Aichi, Osaka là 1,5 ngày, tăng so với mức 1,35 ngày năm 2019. Bên cạnh đó, Tổng cục Du lịch Nhật Bản sẽ triển khai chính sách thu hút khách du lịch tầng lớp thượng lưu. Theo cơ quan này, tại thời điểm năm 2019, mặc dù số khách du lịch thượng lưu đến Nhật Bản (giá trị chuyến du lịch trên 1 triệu yen trở lên) chỉ chiếm 1% (290.000 người), song lại chiếm tới 11,5% tổng chi tiêu (550 tỉ yen). Theo Nikkei Asia, ngành du lịch Nhật Bản đang phát triển nhiều dịch vụ hướng đến các du khách giàu có.

Palace Hotel Tokyo, nằm gần Cung điện Hoàng gia, bắt đầu cung cấp các dãy phòng lớn với giá từ 280.000 yên trở lên. Hạng mục này đã giúp nâng giá phòng trung bình của khách sạn lên mức cao nhất kể từ khi mở cửa trở lại vào tháng 12 năm ngoái. Daisuke Yoshihara, Chủ tịch điều hành khách sạn này cho biết: “Chúng tôi không còn nhắm đến tỷ lệ lấp đầy phòng cao nữa. Nhiều thập kỷ giảm phát đã giúp xây dựng hình ảnh của Nhật Bản là một điểm đến chi tiêu bình ổn và thu hút được du khách nước ngoài. Do đó, cạnh tranh đã bắt đầu tập trung vào việc đáp ứng hai loại nhu cầu du lịch đó là giá cả hợp lý và siêu đắt đỏ”.

Ông Kenji Hamamoto, quan chức của Cơ quan Du lịch Nhật Bản cho biết: “Việc tăng các cơ sở lưu trú sang trọng không chỉ diễn ra ở những thành phố lớn, những trung tâm du lịch lớn nhất như Tokyo, Osaka và Kyoto. Nhật Bản sẽ xem xét phạm vi địa điểm rộng hơn, chẳng hạn như các thị trấn, làng mạc và đảo nhỏ hơn đột nhiên thu hút được sự chú ý của khách du lịch và có thể không có đủ cơ sở hạ tầng để đáp ứng lượng du khách tăng đột ngột”. 

 THÁI AN

Ý kiến bạn đọc