Phong cách thời trang của Giáo hoàng Francis: Mãi mãi là biểu tượng

HỒNG NHUNG

VHO - Khi còn sống, Giáo hoàng Francis đã mang đến biểu tượng thời trang với phong cách riêng. Giáo hoàng luôn xuất hiện trước người dân bằng sự khiêm tốn, khiêm nhường nhưng vẫn gây nhiều chú ý.

Phong cách thời trang của Giáo hoàng Francis: Mãi mãi là biểu tượng - ảnh 1
Giáo hoàng Francis. Ảnh: CNN

Trong suốt cuộc đời của Giáo hoàng Francis, ngài đã mang đến biểu tượng thời trang với phong cách riêng, đó là chiếc áo chùng màu kem giản dị và đôi giày da đen hợp lý.

Trước đây, New York Times từng đánh giá cao về gu thời trang của Giáo hoàng, điển hình là đôi giày màu đen nổi bật. New York Times cũng nhận xét gu thẩm mĩ từ đôi giày đen mà ngài đã sử dụng, được cho là do một người bạn ở Buenos Aires - quê hương của ông làm, cùng với đó là chiếc đồng hồ đeo tay thông thường. 

Mỗi lần xuất hiện, hình ảnh Giáo hoàng Francis nhanh chóng trở nên nổi tiếng bởi bộ lễ phục giản dị, thường không có đồ trang trí.

Trong suốt 12 năm làm giáo hoàng, rất nhiều lời khen ngợi về phong cách thời trang. Chẳng hạn như trang The Cut tuyên bố Francis là "giáo hoàng chuẩn mực" của thế giới vì cách ăn mặc "giản dị, không rườm rà". Ông cũng trở thành giáo hoàng đầu tiên được đăng lên trang bìa tạp chí Rolling Stone và được mệnh danh là "Người đàn ông ăn mặc đẹp nhất" năm 2013. 

Tờ Esquire viết: "Sự xuất hiện với trang phục giản dị của Giáo hoàng Francis đã mang đến kỷ nguyên mới cho Giáo hội Công giáo (và đối với nhiều người, là hy vọng mới)".

"Tôi chỉ nghĩ rằng phong cách thời trang của Giáo hoàng Francis thật tuyệt vời và đáng được nhắc đến. Tôi từng nghĩ rằng đây là một phần của sự thay đổi lớn hơn và trang phục của ông là một biểu hiện trực quan", nhà văn Max Berlinger viết trên tờ Esquire.

"Sự khiêm tốn, khiêm nhường" 

Giáo hoàng Francis luôn xuất hiện trước người dân bằng sự khiêm tốn, khiêm nhường nhưng vẫn gây nhiều chú ý. 

Nhà văn Mark Binelli đã có một bài viết đăng trên trang bìa của tạp chí Rolling Stone, nhấn mạnh: Giáo hoàng Francis mang đến góc nhìn về tính nhân văn nhưng chính đó lại mang tới hy vọng của sự đổi mới.

Carol Richardson, một nhà sử học nghệ thuật và tôn giáo tại Đại học Edinburgh nhận định phong cách thời trang khiêm nhường của Giáo hoàng Francis đã phản ánh phần nào về quan điểm của ngài với tư cách là người đứng đầu Giáo hội Công giáo.

Mặc dù phong cách của Giáo hoàng Francis mang đến sự tối giản, nhưng chiếc áo choàng trắng của ông vẫn mang nhiều ý nghĩa. Trắng và đỏ là màu chính của trang phục giáo hoàng, trong đó màu trắng tượng trưng cho sự trong sạch và lòng bác ái, còn màu đỏ tượng trưng cho lòng trắc ẩn và sự hy sinh.

Không có yêu cầu nào của Giáo hoàng về màu giày, mặc dù theo truyền thống cũng có màu trắng hoặc đỏ. Giáo hoàng Francis đã lựa chọn giày màu đen. 

Theo truyền thống của Vatican, các Giáo hoàng thường mang hài đỏ, biểu tượng có từ hàng thế kỷ thể hiện quyền uy, sự hy sinh (máu của những người tử đạo). Tuy nhiên, Giáo hoàng Francis quyết định từ chối đôi hài đỏ, mà chọn tiếp tục sử dụng đôi giày đen vẫn thường mang khi còn là Hồng y ở Argentina. Đây là loại giày cho linh mục giáo xứ bình thường.

Giới quan sát khi đó cho rằng đây là một trong những dấu hiệu đầu tiên cho thấy Giáo hoàng Francis đã chọn con đường giản dị, khiêm nhường trong vai trò lãnh đạo hơn một tỷ tín đồ Công giáo trên toàn cầu.Và ngài đã mang giày đen khi đến thăm Cuba và Mỹ tháng 9/2015.

Ngày 21/4, Vatican thông báo Giáo hoàng Francis từ trần, hưởng thọ 88 tuổi. Ông đã dành gần như cả cuộc đời cống hiến cho Giáo hội, là tiếng nói mạnh mẽ truyền thông điệp về tình yêu, bình đẳng, kêu gọi lòng thương với người nghèo khó. 

Những ngày qua, hàng chục nghìn người xếp hàng để nói lời tạm biệt cuối cùng với Giáo hoàng Francis tại Vương cung thánh đường St Peter's (Vatican).

Lễ tang dự kiến diễn ra vào ngày 26/4. Nhiều nguyên thủ, quan chức cấp cao trên thế giới sẽ dự sự kiện này, trong đó có Tổng thống Mỹ Donald Trump, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky, Tổng thống Argentina Javier Milei.

Chính phủ Italy đang siết chặt an ninh để đảm bảo an toàn cho hơn 170 phái đoàn nước ngoài, dự kiến sẽ đến Vatican để dự lễ tang Giáo hoàng Francis vào ngày 26/4, cùng đám đông có thể lên tới 200.000 người.

Mặc dù Giáo hoàng Francis mong muốn có một lễ tiễn biệt đơn giản và tương đối kín đáo, nhưng những người được giao nhiệm vụ tổ chức và cử hành lễ tang cho Giáo hoàng vẫn phải đối mặt với vô số khó khăn về mặt hậu cần, công nghệ và an ninh.

Dòng người vẫn tiếp tục đổ về Vatican dưới ánh nắng Mặt Trời nóng bỏng tại Quảng trường Thánh Peter để bày tỏ lòng thành kính với Giáo hoàng Francis.

Tin liên quan

Ý kiến bạn đọc