Những tranh cãi nghệ thuật lớn nhất 2024

NGHIÊM THANH

VHO - Những lời chế diễu dành cho các bức chân dung thành viên Hoàng gia Anh hay việc một quả chuối được đấu giá với mức giá gây sốc; AI được giải thưởng văn học… là những sự kiện gây tranh cãi giới nghệ thuật năm 2024. Sau đây là những sự kiện đã gây chú ý, làm rung chuyển và định hình thế giới nghệ thuật trong năm 2024 theo tờ CNN tổng hợp:

Quả chuối được đấu giá 6,2 triệu USD

Những tranh cãi nghệ thuật lớn nhất 2024 - ảnh 1
Tỷ phú Trung Quốc Justin Sun đã trả 6,2 triệu USD cho... một quả chuối

Vào tháng 11 năm nay, một phiên bản tác phẩm nghệ thuật gây tranh cãi của Maurizio Cattelan đã tái xuất tại phiên đấu giá với mức ước tính từ 1 - 1,5 triệu USD. Sau cuộc đấu giá, tỷ phú Trung Quốc Justin Sun đã trả 6,2 triệu USD cho tác phẩm này. Với số tiền bỏ ra, doanh nhân này đã nhận được một cuộn băng keo và một quả chuối (không phải quả chuối gốc được trưng bày), cũng như một giấy chứng nhận xác thực và hướng dẫn lắp đặt. Vị tỷ phú này sau đó đã tổ chức một cuộc họp báo ở Hồng Kông và nhanh chóng ăn quả chuối trước ống kính máy ảnh.

“Tôi muốn ăn nó để trở thành một phần lịch sử của tác phẩm nghệ thuật”, ông nói với CNN.

Chân dung hoàng gia Anh gây ý kiến chia rẽ

Những tranh cãi nghệ thuật lớn nhất 2024 - ảnh 2
Bức chân dung đầu tiên của Vua Charles III kể từ khi đăng quang gây nhiều tranh cãi

 Hoàng gia Anh đã tiếp tục cải tổ hình ảnh với công chúng sau khi Nữ hoàng Elizabeth II qua đời. Nhưng bức chân dung chính thức đầu tiên của con trai bà, Vua Charles III kể từ khi đăng quang đã gây ra những phản ứng không mong đợi.

Trên mạng xã hội, bức tranh màu đỏ được mô tả là "hình ảnh trực quan về nguyên nhân thảm sát của những kẻ thực dân" và trông "giống như ông ta đang đi thẳng xuống địa ngục". Những người khác tỏ ra thông cảm hơn, nhà Sử học nghệ thuật Richard Morris nói rằng ông thực sự thích bức chân dung của nghệ sĩ người Anh Jonathan Yeo và để có một họa sĩ vĩ đại "ghi lại diện mạo thực sự của bạn, bạn phải chấp nhận sự tiết lộ về những khiếm khuyết và sự hữu hạn của mình".

Những tranh cãi nghệ thuật lớn nhất 2024 - ảnh 3
Chân dung Công nương Kate Middleton trên Tatler

Một bức chân dung kín đáo hơn của Công nương xứ Wales Kate Middleton  xuất hiện trên trang bìa của Tatler cũng gây tranh cãi tương tự. Alastair Sooke, nhà phê bình nghệ thuật chính của tờ báo Anh The Daily Telegraph đã viết rằng bức tranh của họa sĩ Hannah Uzor "tệ đến mức không thể chấp nhận được" và "không hề có chút nét nào giống với chủ thể của nó".

AI đạt giải thưởng văn học

Những tranh cãi nghệ thuật lớn nhất 2024 - ảnh 4
Tác giả Rie Kudan cùng tác phẩm đạt giải

Vào tháng 1, một tác giả người Nhật Rie Kudan đã thừa nhận rằng cuốn sách đoạt giải của cô, "The Tokyo Tower of Sympathy", đã được viết với sự trợ giúp của ChatGPT. Ngay sau khi nhận Giải thưởng Akutagawa, Rie Kudan tiết lộ rằng khoảng 5% tác phẩm được tạo ra bởi AI. “Tôi dự định sẽ tiếp tục sử dụng AI trong quá trình viết tiểu thuyết của mình, đồng thời để sự sáng tạo của mình được thể hiện trọn vẹn nhất”, tác giả chia sẻ trong một cuộc họp báo.

Lời thú nhận của Rie Kudan đã khơi dậy những câu hỏi đang đặt ra về mối đe dọa mà AI gây ra cho các ngành công nghiệp sáng tạo.

Di sản văn hóa bị phá hoại

Những tranh cãi nghệ thuật lớn nhất 2024 - ảnh 5
Bức tranh “Mona Lisa” bị 2 nhà hoạt động môi trường hất súp vào tháng 1 năm nay

Sự phá hoại di sản văn hóa nhân danh phản đối vẫn tiếp diễn trong năm 2024. Điển hình và vụ việc bức tranh “Mona Lisa” bị hai nhà hoạt động từ phong trào môi trường Riposte Alimentaire hất súp bí ngô.  Tuy nhiên, may mắn là tác phẩm này không bị hư hại do có lớp kính bảo vệ bên ngoài. Trong một loạt bài đăng trên mạng xã hội về vụ việc, Riposte Alimentaire cho hay, họ muốn thu hút sự chú ý đến việc sản xuất lương thực không bền vững và nạn đói ở Pháp, đồng thời kêu gọi "tích hợp thực phẩm vào hệ thống an sinh xã hội chung". Trên mạng xã hội X, Bộ trưởng Văn hóa Pháp Rachida Dati đã lên án việc này. Bà viết: "Mona Lisa, giống như di sản của chúng ta, thuộc về thế hệ tương lai. Không có lý do nào có thể biện minh cho việc lấy nó làm mục tiêu phá hoại".

Nhân viên Bảo tàng vô tình vứt tác phẩm nghệ thuật vì hiều nhầm là… rác

Đối với một số người, ranh giới giữa nghệ thuật hiện đại và rác thải rất mong manh. Trong số đó có một kỹ thuật viên thang máy tại một bảo tàng Hà Lan đã vô tình vứt đi một phần tác phẩm nghệ thuật được làm giống như hai lon bia rỗng.

Những tranh cãi nghệ thuật lớn nhất 2024 - ảnh 6
Tác phẩm bị hiểu nhầm là rác thải

Theo Bảo tàng LAM tại Hà Lan, tác phẩm vẽ tay trên vỏ lon có tên là “Tất cả những khoảng thời gian vui vẻ chúng ta dành cho nhau” tượng trưng cho “những kỷ niệm đáng trân trọng được chia sẻ với những người bạn thân thiết” của nghệ sĩ người Pháp Alexandre Lavet. Trong một tuyên bố, bảo tàng cũng cho biết họ không trách người kỹ thuật viên này vì những chiếc lon mô phỏng này đã được cố ý trưng bày trong một hố thang máy bằng kính như thể chúng bị công nhân xây dựng bỏ lại.

Các vật phẩm sau đó được thu hồi nguyên vẹn từ một túi rác trước khi được làm sạch và đưa trở lại trưng bày.

Triển lãm dành riêng cho phụ nữ

Những tranh cãi nghệ thuật lớn nhất 2024 - ảnh 7
Nghệ sĩ kiêm giám tuyển Kirsha Kaechele với một trong những bức "Picasso" mà bà đã tạo ra

Một triển lãm nghệ thuật chỉ dành cho phụ nữ có chủ đề về sự kỳ thị nữ giới đã trở thành tâm điểm của 2 cuộc tranh cãi trong năm nay: một là phán quyết phân biệt đối xử sau khi một người đàn ông bất mãn vì bị từ chối vào cửa, và hai là việc phát hiện 3 bức tranh "Picasso" của triển lãm đã bị làm giả bởi người phụ trách bảo tàng.

Ladies Lounge tại Bảo tàng Nghệ thuật MONA ở Tasmania, Australia đã bị khiếu nại khi từ chối tiếp nhận "những người không xác định mình là phụ nữ". Kirsha Kaechele, nghệ sĩ kiêm giám tuyển đứng sau công trình sắp đặt này sau đó đã quyết định đóng cửa không gian này thay vì cho phép đàn ông vào. Thay vào đó, họ chuyển 3 tác phẩm nghệ thuật của Picasso trong triển lãm sang phòng vệ sinh dành cho phụ nữ .

Câu chuyện trở nên phức tạp hơn khi Kaechele thừa nhận rằng cô đã tự làm giả 3 tác phẩm vì cô muốn chúng phù hợp với tông màu ban đầu của không gian và rèm lụa màu xanh lá cây. Sau đó, vào tháng 9, Tòa án Tối cao Tasmania đã lật ngược phán quyết phân biệt đối xử và Ladies Lounge đã mở cửa trở lại vào tháng 12 với một số lượng vé hạn chế đã được cung cấp cho nam giới (thông qua bỏ phiếu và chỉ vào một số ngày nhất định).

Nhân viên bảo tàng tự trưng bày tác phẩm của mình

Những tranh cãi nghệ thuật lớn nhất 2024 - ảnh 8
Bảo tàng Pinakothek der Moderne ở Munich, Đức

Một nhân viên bảo tàng người Đức đã bị sa thải sau khi treo tác phẩm nghệ thuật của chính mình lên phòng trưng bày. Kỹ thuật viên triển lãm 51 tuổi, một "nghệ sĩ tự do" tự xưng, đã lén mang một trong những bức tranh của mình vào Bảo tàng Pinakothek der Moderne ở Munich ngoài giờ làm việc.

Người ta không biết bức tranh đã treo trên tường bao lâu trước khi lực lượng an ninh phát hiện ra, nhưng một phát ngôn viên của bảo tàng cho biết có lẽ nó không ở đó lâu. Người đàn ông sau đó đã gửi email cho giám đốc để thú nhận hành động của mình và đã bị sa thải ngay lập tức cùng với lệnh cấm vào bảo tàng.

Việc bồi thường các tác phẩm nghệ thuật bị tịch thu trong Thế chiến II tiến triển chậm

Những tranh cãi nghệ thuật lớn nhất 2024 - ảnh 9
Bức tranh “Rue Saint Honore, apres midi, effet de pluie”

Mặc dù các tác phẩm nghệ thuật bị Đức Quốc xã chiếm liên tục được trả lại cho chủ sở hữu hợp pháp (hoặc con cháu của họ), năm 2024 vẫn là một năm đáng thất vọng đối với nhiều gia đình bị ảnh hưởng. Vào tháng 3, Tổ chức Bồi thường Do Thái Thế giới đã công bố một báo cáo cho biết hơn một nửa số quốc gia đã ký Nguyên tắc Hội nghị Washington, bao gồm các quy tắc hướng dẫn việc bồi thường các tác phẩm nghệ thuật bị Đức Quốc xã tịch thu ở Đức trước hoặc trong Thế chiến II. Tuy nhiên việc này hầu như không có tiến triển gì.

Trong số những vụ việc gây tranh cãi nhất là vụ việc liên quan đến bức tranh “Rue Saint Honore, apres midi, effet de pluie” của Camille Pissarro. Năm 1939, một thành viên của một gia đình Do Thái nổi tiếng đã buộc phải bán bức tranh để xin thị thực và chạy trốn khỏi Đức, và nhiều thập kỷ sau, hiện giờ bức tranh đã nằm trong bảo tàng Thyssen-Bornemisza ở Madrid,Tây Ban Nha. Một thẩm phán tòa phúc thẩm cho biết mặc dù Tây Ban Nha nên tự nguyện từ bỏ bức tranh để trả về cho gia đình, nhưng họ không có nghĩa vụ pháp lý phải làm như vậy.

Tin liên quan

Ý kiến bạn đọc