Những tên trộm kỳ lạ nhất lịch sử
VHO - Khi bị bắt, những tên trộm này tuyên bố chúng không đánh cắp mà là giải cứu những tác phẩm nghệ thuật khỏi không gian chật hẹp của bảo tàng, hoặc “trả lại cho nước Italia”. Sự thật thì những tên đạo chích này không bán các tuyệt tác đó để lấy tiền.

Stéphane Breitwieser (sinh năm 1971) là một trong những siêu trộm tác phẩm nghệ thuật khét tiếng nhất mọi thời đại. Theo tạp chí Time, Breitwieser tiết lộ rằng không cần đột nhập qua cửa sổ trần, sử dụng bom khói hay đấu súng như trong phim, vì hành động bạo lực sẽ chỉ làm giảm cơ hội thành công.
Breitwieser luôn mặc áo khoác lịch sự, mua vé đàng hoàng và trà trộn vào dòng khách tham quan. Công cụ duy nhất hắn cần là một con dao đa năng Thụy Sỹ giấu trong túi áo khoác.
Hắn chọn đến vào giờ ăn trưa, khi dòng khách tham quan thưa hơn và nhân viên an ninh thay ca để ăn trưa. Khi vào bên trong, Breitwieser chọn phòng trưng bày vắng khách và không có camera an ninh hay nhân viên bảo vệ thường trực, nhắm đến tác phẩm có kích thước nhỏ - tượng điêu khắc kích thước bằng viên gạch hoặc tranh không lớn hơn hộp bánh pizza.
Hắn không ở lại một phòng quá lâu, chỉ tối đa khoảng 15 phút, để tránh gây nghi ngờ. Nếu có quá nhiều người qua lại, hắn từ bỏ ý định hoặc thử phòng khác, hoặc đến vào ngày khác hay thậm chí bảo tàng khác.
Đối với tủ trưng bày bị khóa, Breitwieser không cố mở khóa vì điều đó khó khăn và tốn thời gian. Thay vào đó, hắn cứ để khóa nguyên vẹn và dùng lưỡi dao sắc nhất của Thụy Sỹ để cắt vào mép nối giữa các tấm kính, sau đó luồn tay qua khe hở và lấy ra tác phẩm nghệ thuật.
Kleinklaus là người đứng canh ở lối vào phòng trưng bày và thống nhất tín hiệu là tiếng ho nhẹ nếu có ai đang đến. Sự phối hợp nhịp nhàng giữa hai đồng phạm là yếu tố quan trọng trong thành công của Breitwieser.
Khi có được tác phẩm, Breitwieser vén áo khoác lên và đặt vào sau lưng quần, đảm bảo nó nằm gọn gàng. Với những bức tranh có kích thước lớn, Breitwieser dùng dao để tách tranh ra khỏi khung, giấu khung đi và mang tranh ra ngoài.
Sau khi lấy được đồ, Breitwieser và Kleinklaus bình tĩnh rời bảo tàng qua cửa chính, không chạy hay tỏ vẻ gấp gáp. Về đến nhà, họ giấu chiến lợi phẩm trong phòng ngủ chung vốn luôn được khóa kín.
“Sự nghiệp đạo chích” của Breitwieser kết thúc vào tháng 11.2001, sau khi đánh cắp một chiếc kèn 400 năm tuổi từ Bảo tàng Richard Wagner ở Lucerne (Thụy Sỹ).
Một nhà báo tình cờ dắt chó đi dạo qua bảo tàng thấy Breitwieser khả nghi nên kịp thời báo bảo vệ bắt hắn. Breitwieser đã bị các tòa án ở Thụy Sỹ và Pháp tuyên án tổng cộng 6 năm tù.
Từ năm 1995 đến khi bị bắt, Breitwieser và Kleinklaus đã thực hiện trung bình hai tuần một vụ trộm trong suốt 7 năm, với số lượng tác phẩm đánh cắp lên tới hơn 300.
Breitwieser xem mình là “người giải phóng nghệ thuật” chứ không phải một tên trộm nghệ thuật, với mong muốn “giải cứu” các kiệt tác khỏi những không gian chật chội và không thoải mái của bảo tàng. Hắn chỉ muốn chiêm ngưỡng tác phẩm nghệ thuật chứ không đem bán.
Ngày 21.8.1911, Vincenzo Perugia, một công nhân người Italia từng làm việc tại bảo tàng Louvre, đã thực hiện kế hoạch đánh cắp bức tranh một cách bất ngờ. Hắn mặc bộ đồng phục của nhân viên bảo tàng, trốn lại bên trong sau giờ làm việc và chờ đợi thời cơ thích hợp.
Khi Louvre vắng người, Perugia tháo bức tranh khỏi tường, cẩn thận gỡ nó khỏi khung kính bảo vệ và nhét vào trong áo khoác trắng của mình. Hắn rời bảo tàng mà không ai hay biết.
Vụ mất cắp không bị phát hiện ngay lập tức, bởi vào thời điểm đó, Louvre thường xuyên di dời tác phẩm nghệ thuật để bảo trì, vì vậy không ai tỏ ra nghi ngờ khi bức tranh Mona Lisa không có trên tường.
Chỉ đến sáng hôm sau, khi một họa sĩ đến Louvre để vẽ tranh từ bản gốc, sự biến mất của bức họa mới bị phát hiện. Ban đầu, các nhân viên bảo tàng vẫn cho rằng bức tranh được đưa đi bảo dưỡng, nhưng sau nhiều giờ không tìm thấy dấu vết, họ buộc phải báo cảnh sát.
Cảnh sát nhanh chóng mở cuộc điều tra lớn, thẩm vấn hàng loạt nhân viên bảo tàng và những người liên quan và bức tranh Mona Lisa biến mất không dấu vết trong suốt hai năm. Mãi đến tháng 12.1913, Perugia mới bị bắt khi cố bán bức tranh cho một nhà sưu tập nghệ thuật người Italia có tên Alfredo Geri ở Florence.
Khi Perugia tuyên bố rằng hắn muốn “trả lại bức tranh Mona Lisa cho nước Italia”, Geri nghi ngờ và âm thầm báo cảnh sát. Perugia nhanh chóng bị bắt giữ và bức tranh Mona Lisa được thu hồi trong tình trạng nguyên vẹn.
Perugia bị xét xử và nhận án một năm tù, nhưng được giảm nhẹ vì động cơ “lòng yêu nước”. Sau khi được trưng bày một thời gian tại Italia, bức họa được đưa về Louvre vào năm 1914, nơi nó tiếp tục trở thành một trong những tác phẩm nghệ thuật được bảo vệ nghiêm ngặt nhất thế giới.