Ly kỳ vụ trộm ở bảo tàng​​​​​​​ cổ nhất châu Âu

VHO- Không ai có thể ngờ rằng, hơn 100 món trang sức trị giá khoảng 1,1 tỉ Euro đã bị bọn trộm lấy đi ngay giữa thanh thiên bạch nhật tại Bảo tàng Green Vault thuộc cung điện hoàng gia của thành phố Dresden, Đức.

Ly kỳ vụ trộm ở bảo tàng​​​​​​​ cổ nhất châu Âu - Anh 1

Các cổ vật bị đánh cắp Ảnh: AFP

Chỉ trong khoảng vài phút, những cổ vật vô giá ở một trong những Bảo tàng cổ nhất châu Âu và được bảo vệ nghiêm ngặt nhất thế giới không kém gì kho lưu trữ vàng lớn và an toàn nhất thế giới ở Fort Knox, Mỹ đã… không cánh mà bay. Chuyện tưởng chỉ có trong phim Hollywood nhưng lại có thật xảy ra sáng sớm 25.11 vừa qua.

Vụ trộm kho báu nghệ thuật lớn nhất lịch sử

Đây được coi là vụ đánh cắp tác phẩm nghệ thuật có giá trị lớn nhất thế giới ở thời điểm hiện tại, khi số lượng tài sản bị mất ước tính trị giá 1,1 tỷ Euro, vượt qua những vụ trộm nổi tiếng khác như vụ trộm tranh nàng Mona Lisa ở Pháp năm 1911, vụ trộm bảo tàng Gardner ở Boston, Mỹ năm 1990. Nhà sử học kiêm tác giả viết sách đến từ London, ông Vivienne Becker khẳng định: “Không còn nghi ngờ gì nữa, đây chắc chắn là một trong những vụ trộm kho báu nghệ thuật lớn nhất lịch sử thế giới. Những cổ vật bị đánh cắp không tính được bằng tiền mà nó vô giá bởi giá trị lịch sử độc nhất của chúng đối với nghệ thuật kim hoàn. Nó chẳng khác nào bức tranh Mona Lisa ở Bảo tàng Louvre bị đánh cắp”. Một nhà sử học khác là Vivienne cho rằng: “Không có thứ gì trên thế giới giống như thế. Chúng là biểu tượng cho thành tựu cao nhất của con người tại thời kỳ đó. Chúng còn hơn cả trang sức”. Còn Giám đốc Bảo tàng Green Vault, ông Dirk Syndram cũng thừa nhận: “Đây là những cổ vật văn hóa vô giá, không thể tính được”.

Nó vô giá vì bộ sưu tập khổng lồ bắt nguồn từ câu chuyện ngoại giao của ngài August the Strong, tuyển Hầu tước của Saxony (Bang tự trị của Đức) và sau đó là Quốc vương Ba Lan ở thế kỷ XVII. Đây là một trong những kho báu nổi tiếng thế giới với viên “Kim cương xanh” tuyệt đẹp nặng 49 carat may mắn không bị trộm vì đã được Bảo tàng Nghệ thuật Metropolitan ở New York mượn vào thời điểm bị đột nhập. Thế nhưng những cổ vật vô giá khác đã bị trộm bao gồm một dây chuyền 63,8 cm được đính ngọc lục bảo và một viên sapphire nặng 547,71 carat. Viên sapphire được Sa hoàng Peter Đại đế của Nga tặng cho August the Strong tại một cuộc họp năm 1698, tại đó, nhà lãnh đạo Ba Lan cũng đã tặng lại cho Sa hoàng một viên kim cương khổng lồ khác. Một tác phẩm khác cũng bị đánh cắp là bộ cà phê bằng vàng từ năm 1701 của thợ kim hoàn Johann Melchior Dinglinger, được trang trí với tượng thiên thần.

Các quan chức bảo tàng nhận định, bọn trộm không thể bán các cổ vật độc đáo, dễ nhận dạng như các trang sức bị đánh cắp ra thị trường. Tuy nhiên, họ cảnh báo viễn cảnh tồi tệ khi những tên tội phạm “túng quá làm liều”, bóc tách các thành phần của món đồ để tẩu tán chúng cho dễ. Reuters cho biết, nhà chức trách Đức đang huy động lực lượng hùng hậu để truy bắt những kẻ đứng sau vụ trộm. Họ nghi ngờ, ngoài hai kẻ trực tiếp đột nhập còn có những tòng phạm khác giúp sức. Song, phát ngôn viên Sở Cảnh sát Dresden tiết lộ, cho tới thời điểm hiện tại họ vẫn chưa xác định được các nghi phạm và cũng chưa tiến hành bất kỳ vụ bắt giữ nào.

Ly kỳ vụ trộm ở bảo tàng​​​​​​​ cổ nhất châu Âu - Anh 2

Ly kỳ như phim Hollywood

Khoảng 5h sáng 25.11, theo camera an ninh ghi lại, những tên trộm nhỏ con mặc đồ đen, đội mũ trùm kín mặt, mang theo đèn pin đã phá một cửa sổ song sắt để đột nhập vào Bảo tàng Green Vault. Để phá vỡ ô cửa sổ, bọn trộm phải bẻ cả những thanh sắt bảo vệ và tháo rời một tấm lưới tản nhiệt được lắp đặt cho tòa nhà từ những năm 1890. Khi đã vào bên trong, chúng thay thế lưới tản nhiệt khác để không gây nghi ngờ. Sau đó chúng dùng rìu đập vỡ một hộp kính và trong chỉ vài phút lấy đi ít nhất ba bộ trang sức vô giá từ thời Baroque, rồi tẩu thoát trên một chiếc xe Audi A6. Nhà chức trách tin rằng nhóm trộm rời khỏi Bảo tàng vẫn bằng lối cửa sổ và họ đã tìm thấy chiếc Audi A6 bị thiêu rụi tại một bãi đậu xe ngầm ở thành phố. Các nhà điều tra nghi ngờ vụ trộm còn liên quan tới một vụ cháy hộp kỹ thuật xảy ra vào khoảng 4h sáng làm nguồn điện cung cấp cho khu vực bị cắt, khiến hệ thống báo động của Bảo tàng bị vô hiệu hóa.

Trên thực tế các nhân viên an ninh không vũ trang của Bảo tàng cũng đã báo cảnh sát khi phát hiện vụ việc, xe cảnh sát đầu tiên tới bảo tàng vào 5h5 phút nhưng những tên tội phạm đã kịp thời cao chạy xa bay. Cảnh sát đã thiết lập các rào chắn trên đường tiếp cận cao tốc quanh thành phố nhằm ngăn chặn các nghi phạm đào tẩu. Tuy nhiên, phòng trưng bày nằm gần xa lộ nên có khả năng bọn trộm trốn thoát thành công.

Được xây dựng từ năm 1723 bởi tuyển Hầu tước August the Strong, Green Vault là là một trong 12 bảo tàng chứa đựng các bộ sưu tập nghệ thuật nổi tiếng của thành phố Dresden. Cái tên Green Vault bắt nguồn từ một số phòng được trang trí bằng sơn màu xanh lá cây malachite. Là một trong những bảo tàng lâu đời nhất ở châu Âu, Green Vault lưu giữ những kho báu bao gồm một hình tượng con ngựa 63,8cm đính ngọc lục bảo và một viên sapphire 547,71 carat do Sa hoàng Peter Đại đề của Nga tặng. Kho báu của Green Vault tồn tại sau các cuộc ném bom của quân đồng minh trong Thế chiến II và từng được Liên Xô lấy làm chiến lợi phẩm. Chúng được trao trả cho Dresden, thủ phủ lịch sử của bang Saxony vào năm 1958.

Bảo tàng có đến hơn 10 phòng với khoảng 3.000 trang sức và các kiệt tác khác. Bảo tàng được chia làm hai phần, một phần cổ điển và một phần vừa mới xây. Vụ mất cắp diễn ra ở khu vực cổ điển. Tuy nhiên đây là nơi được bảo mật rất nghiêm ngặt, với lối vào phải được đặt trước và giới hạn số lượng khách hằng ngày. Thậm chí, năm 2010, Giám đốc Green Vault thời đó là Martin Roth từng tuyên bố Bảo tàng này “an toàn không kém gì Fort Knox”, tức là kho lưu trữ vàng lớn và an toàn nhất thế giới ở Mỹ, nằm bên cạnh căn cứ quân sự Fort Knox, bang Kentucky. Theo ông Eric Thorson, Tổng Thanh tra Bộ Tài chính Mỹ, an ninh ở Fort Knox còn chặt chẽ hơn tại kho vũ khí hạt nhân của không quân Mỹ. Thế mà…

Trong một tuyên bố, Bộ trưởng Văn hóa Đức, Monika Gruetters đã kêu gọi một hội nghị quốc gia về an ninh bảo tàng. “Chúng ta cần xem xét làm thế nào các bảo tàng có thể bảo vệ các đồ vật quý hiếm khỏi các vụ cướp táo bạo như vậy trong khi vẫn có thể cho người xem tham quan theo cách thông thường”, bà nói.

TÙNG QUANG

Ý kiến bạn đọc