K-pop sẽ trở lại thời hoàng kim?
VHO - Citi Research dự đoán doanh thu ngành công nghiệp giải trí K-pop sẽ tăng trưởng mạnh mẽ trong năm 2025 nhờ vào sự trở lại của nhiều idol của xứ sở Kim Chi.
Theo Citi Research, doanh thu tổng hợp của “Big 4” K-pop sẽ tăng hơn 21% trong năm 2025 và tăng gần 15% trong năm 2026. Sự trở lại của các nhóm nhạc hàng đầu không chỉ tăng doanh thu từ album và các buổi hòa nhạc mà còn cải thiện hiệu quả đầu tư trên nhiều lĩnh vực khác.
Ngành công nghiệp giải trí Hàn Quốc đang trải qua những ngày tháng sóng gió chưa từng thấy trong lịch sử với nhiều sự kiện liên tiếp xảy ra. Khi công chúng đang “đắm chìm” trong những cảm xúc tiêu cực do loạt bê bối của “ông lớn” HYBE, những tên tuổi hàng đầu K-pop bất ngờ trở lại khiến tình thế xoay chuyển. Đầu tiên phải kể đến sự trở lại của BTS và BlackPink, hai “gà đẻ trứng vàng” của K-pop.
Sau một thời gian tạm ngừng các hoạt động để các thành viên hoàn thành nghĩa vụ quân sự theo quy định của Hàn Quốc, BTS sẽ trở lại vào năm 2025. Album đầy đủ của nhóm BTS dự kiến phát hành vào cuối năm 2025. HYBE, công ty quản lý nhóm nhạc này đã sẵn sàng tăng trưởng ngay lập tức, với nguồn doanh thu từ album, phát trực tuyến, hòa nhạc, câu lạc bộ người hâm mộ và bán hàng hóa.
Trong năm 2024, dù không có hoạt động nhóm, nhưng theo dữ liệu từ Spotify, BTS vẫn là nghệ sĩ đứng đầu Kpop với hàng tỉ lượt phát trực tuyến. Các thành viên của nhóm là Jungkook và Jimin cũng lần lượt đứng hạng 2 và hạng 4 trong danh sách này, vượt qua những cái tên như NewJeans, BlackPink... Không những vậy, nhóm cũng lập nhiều thành tích trên nền tảng khác. BTS là nhóm nhạc đầu tiên có 7 MV đạt 1 tỉ lượt xem trên YouTube. Các MV gồm: Fake Love, DNA, Boy With Luv, Dynamite, MIC Drop (Steve Aoki Remix), IDOL và Butter.
Trong danh sách những bài hát Kpop đứng đầu theo công bố của Spotify, các thành viên của nhóm với những sản phẩm solo cũng chiếm ưu thế. Who của Jimin phát hành ngày 19.7 đứng đầu bảng xếp hạng này. Ngay từ khi ra mắt, bài hát đã chiếm nhiều vị trí cao trong các bảng xếp hạng âm nhạc trực tuyến. Trong tuần đầu phát hành, Who đã sở hữu 90,5 triệu lượt phát trực tuyến và 129.000 doanh số bán hàng toàn thế giới. Đứng hạng 2 và 3 là JungKook, một thành viên của BTS với Seven và Standing Next To You. Seven đứng đầu bảng xếp hạng Spotify top 50 toàn cầu với hơn 15 triệu lượt phát trực tuyến.
Bốn kiều nữ của BlackPink cũng sẽ chính thức tái hợp vào năm 2025 và sẽ thực hiện một loạt các hoạt động ấn tượng, trong đó có chuyến lưu diễn vòng quanh thế giới. Coachella cũng vừa chính thức công bố đội hình cho lễ hội năm 2025, Jennie và Lisa (BlackPink) cùng ENHYPEN sẽ đại diện K-pop thắp sáng lễ hội âm nhạc lớn nhất hành tinh.
Bên cạnh đó, các nền tảng giao lưu với người hâm mộ cũng sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc tăng doanh thu và sự ảnh hưởng của K-pop. DearU, một công ty con của SM Entertainment đã hợp tác với Tencent Music để đưa dịch vụ nhắn tin độc quyền lên nền tảng QQ Music tại Trung Quốc. DearU từng nổi tiếng với dịch vụ Bubble, nơi người hâm mộ trả phí hằng tháng để nhận tin nhắn độc quyền từ nghệ sĩ. Ngoài ra, HYBE vừa triển khai mô hình thành viên đăng ký mới trên Weverse từ tháng 12.2024. Điều này không chỉ mang lại nguồn thu mới mà còn tạo ra cơ hội kết nối mạnh mẽ hơn giữa nghệ sĩ và người hâm mộ.
Citi Research cho rằng nền tảng dành cho người hâm mộ sẽ thu hút thêm lượng truy cập và các nghệ sĩ trẻ có cơ hội trình diễn mở màn trong các show của nghệ sĩ lớn. Báo cáo của Citi Research ghi nhận triển vọng lạc quan nhất về HYBE và SM, nhưng ưu tiên HYBE nhờ danh mục tài sản trí tuệ (IP) cân bằng hơn, trong khi SM phụ thuộc nhiều vào tăng trưởng tại Trung Quốc do quốc tịch của các nghệ sĩ. Đối với YG, Citi Research coi đây là một cổ phiếu có biến động cao, với khả năng tăng mạnh nhờ sự trở lại của BlackPink.
Bên cạnh Citi Research, các tổ chức tài chính lớn như Goldman Sachs và Morgan Stanley cũng đưa ra những nhận định tích cực về ngành K-pop trong năm 2025 và những năm tiếp theo. Theo Goldman Sachs, ngành công nghiệp giải trí Hàn Quốc đang bị hiểu lầm, các công ty K-pop không nên được đánh giá chỉ qua doanh số album mà cần xem xét lượng khán giả tham dự các buổi biểu diễn trực tiếp. Ngân hàng đầu tư này nhận thấy K-pop đang có cơ hội lớn để mở rộng lượng người hâm mộ tại Nhật Bản và toàn cầu, đặc biệt ở Mỹ. Sự hiện diện của các nghệ sĩ K-pop tại những lễ hội âm nhạc lớn như Coachella và Lollapalooza cho thấy sự phát triển bền vững của ngành. Morgan Stanley cũng nhận định K-pop đang trên đà mở rộng fan quốc tế. Sau hơn 20 năm gây dựng lượng người hâm mộ trung thành tại châu Á, K-pop hiện đã bước vào dòng nhạc chính thống toàn cầu, mang lại nhiều tiềm năng đầu tư hấp dẫn.