Khẳng định vai trò của lạc đà trong văn hoá Ả-rập Xê-út

NAM ANH

VHO - Sáng 14.6 tại Hà Nội, Đại sứ quán Vương quốc Ả-rập Xê-út phối hợp với Bộ môn Ngôn ngữ & Văn hóa Ả Rập, Trường Đại học Ngoại ngữ (ĐHQGHN) tổ chức Lễ kỷ niệm Ngày Quốc tế lạc đà với chủ đề “Vai trò của lạc đà trong di sản văn hoá Ả-rập Xê-út”.

Phát biểu tại buổi lễ, Đại biện Đại sứ quán Vương quốc Ả-rập Xê-út tại Việt Nam Hamoud Almutairi cho biết, lạc đà được nhắc đến trong thiên kinh Qur’an và chiếm một vị trí quan trọng trong tâm trí người Ả Rập từ thuở ban sơ. Đây là minh chứng cho thấy lạc đà mang những giá trị quan trọng cần được nghiên cứu và quan tâm đặc biệt.

Khẳng định vai trò của lạc đà trong văn hoá Ả-rập Xê-út - ảnh 1

Ông Hamoud Almutairi phát biểu tại chương trình

Trong khuôn khổ những nỗ lực của Vương quốc Ả-rập Xê-út, nhằm bảo tồn và đề cao tầm quan trọng của lạc đà, Hội đồng Bộ trưởng Ả-rập Xê-út đã quyết định chọn năm 2024 là Năm lạc đà nhằm tôn vinh giá trị văn hoá độc đáo của lạc đà, nhất là trong đời sống của người dân bán đảo Ả Rập; cũng như củng cố vị thế vững chắc và tăng cường sự hiện diện của lạc đà trong khu vực và trên thế giới.

PGS.TS. Hà Lê Kim Anh, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Ngoại ngữ (ĐHQGHN) mong muốn sự kiện lần này, gồm nhiều hoạt động tham quan, trải nghiệm sẽ là cơ hội quý báu để bạn bè quốc tế, trong đó có Việt Nam hiểu hơn về vai trò của lạc đà trong đời sống của người dân Ả Rập.

Khẳng định vai trò của lạc đà trong văn hoá Ả-rập Xê-út - ảnh 2

Phó Hiệu trưởng Trường Đại học ngoại ngữ (ĐHQGHN) Hà Lê Kim Anh

Có thể nói, lạc đà có vai trò quan trọng trong di sản văn hoá của người dân Ả-rập Xê-út. Trong đó với hát Hajini, đây là loại hình hát xướng kết hợp giữa thơ, ca hát và nhịp điệu, thể hiện mối quan hệ khăng khít giữa con người và lạc đà cũng như giữa nghệ thuật và đời sống sinh hoạt hằng ngày trong văn hoá Ả-rập Xê-út.

Hajini được biểu diễn trên lưng lạc đà với nhịp điệu ca hát phù hợp với nhịp bước của chúng. Nhịp bước này được biết đến với những cái tên như “Al Dirhama” hay “Al Zerfal”, lần lượt đề cập đến bước chạy với tốc độ bình thường và tốc độ nhanh của lạc đà. Hát Hajini rất linh hoạt bởi nhịp điệu, lời ca thay đổi theo tốc độ di chuyển của lạc đà, nhanh hơn khi lạc đà tăng tốc độ phi và chậm hơn khi nó giảm tốc.

Khẳng định vai trò của lạc đà trong văn hoá Ả-rập Xê-út - ảnh 3
Sinh viên Bộ môn Ngôn ngữ & Văn hóa Ả Rập thuyết trình về vai trò của lạc đà trong di sản văn hoá Ả-rập Xê-út

Hay với Heda’a Al Ebel (Al Hubal – Hò gọi lạc đà), đây là cách hò gọi có nhịp điệu mà những người chăn lạc đà sử dụng để tập hợp đàn lạc đà đang phân tán, hoặc để chúng đi thành đoàn theo một hướng cụ thể.

Khẳng định vai trò của lạc đà trong văn hoá Ả-rập Xê-út - ảnh 4
Trải nghiệm tô tượng lạc đà

Hò gọi lạc đà là một trong những hình thức biểu đạt truyền thống qua nhiều thế hệ ở bán đảo Ả Rập. Ngày 30.11.2022, Heda’a Al Ebel đã được đưa vào Danh sách di sản văn hoá phi vật thể của UNESCO.

Tin liên quan

Ý kiến bạn đọc