Gạo Hàn Quốc trở thành món quà lưu niệm yêu thích với du khách Nhật Bản
VHO - Tình trạng thiếu gạo ở Nhật Bản đã khiến giá gạo tăng 92% trong năm qua. Du khách Nhật Bản đến Hàn Quốc thường có thói quen mua gạo mang về nước.

Theo trang SCMP, ngày càng có nhiều du khách Nhật Bản đến Hàn Quốc để mua gạo vì giá gạo ở Nhật Bản ngày càng tăng cao.Trong những tuần gần đây, hình ảnh du khách Nhật chất đầy gạo trong xe đẩy tại các siêu thị Seoul xuất hiện ngày càng phổ biến.
Xu hướng ngày càng tăng này đã được đăng tải lan truyền trên mạng xã hội X khi một du khách Nhật Bản chia sẻ kinh nghiệm mua gạo trong chuyến đi du lịch Hàn Quốc và mang về nhà.
Du khách Nhật Bản này đã chia sẻ cô đã mua 4 kg gạo trắng và 5 kg gạo lứt ở Hàn Quốc trong thời gian quá cảnh tại Seoul vào đầu tháng 4.
“Nhiệm vụ của tôi ở Seoul là mua gạo, vì giá gạo ở Nhật Bản quá cao. Tôi quyết định tận dụng cơ hội mua gạo khi đi du lịch ở Hàn Quốc”, bà nói.
Bà cho biết 10 kg gạo ở Nhật Bản hiện có giá khoảng 8.000 yên (57 đô la Mỹ), trong khi cùng một khối lượng gạo như vậy có thể tìm thấy ở Hàn Quốc với giá chỉ bằng 1/3 - tương đương khoảng 3.000 yên.
Vì gạo được phân loại là sản phẩm nông nghiệp phải được kiểm định nên quá trình kiểm định sẽ được thực hiện tại Sân bay quốc tế Incheon khi người dân mang gạo về Nhật Bản.
Toàn bộ thủ tục mất khoảng 30 phút. Mặc dù thủ tục giấy tờ tương đối đơn giản, nhưng bà nhận xét việc mang gạo về bằng tay là phần khó nhất vì nặng.
Bà cũng lưu ý rằng ngày càng có nhiều người tiêu dùng Nhật Bản lựa chọn mua gạo ở nước ngoài, vì giá trong nước vẫn tăng vọt.
Không riêng bà, ngày càng nhiều người tiêu dùng Nhật Bản đang tìm kiếm các kênh mua gạo ngoài nước như một giải pháp thiết thực giữa lúc giá nội địa tăng kỷ lục.
Thông tin từ các cơ quan kiểm dịch tại sân bay Incheon cho biết số lượng giấy chứng nhận kiểm dịch cho gạo xuất khẩu sang Nhật Bản đã tăng đột biến. Riêng trong tháng 3, có tới 119 giấy được cấp, cao gấp 20 lần so với cùng kỳ năm ngoái.
Giá gạo tăng đột biến đã dẫn đến tình trạng thiếu hụt thường xuyên, đặc biệt là ở các khu vực thành thị. Nguồn cung gạo từ vụ thu hoạch năm 2023 giảm mạnh do nắng nóng khắc nghiệt, cùng với nhu cầu tăng cao từ khách du lịch trong nước và tình trạng mua hàng hoảng loạn do động đất gần đây gây ra, đã làm tình trạng thiếu hụt tại Nhật Bản trở nên tồi tệ hơn.
Việc quá phụ thuộc vào lương thực chính khiến nền kinh tế lớn thứ tư thế giới dễ bị tổn thương trước bất kỳ trục trặc nhỏ nào về nguồn cung.
Khủng hoảng gạo tại Nhật Bản
Theo Kyodo News, giá gạo tại Nhật Bản đã tăng vọt 92,1% vào tháng 3, so với cùng kỳ năm ngoái, đánh dấu mức tăng lớn nhất kể từ năm 1971, khi số liệu thống kê so sánh lần đầu tiên có sẵn.
Trong nỗ lực kiềm chế sự gia tăng này, Chính phủ Nhật Bản đã giải phóng gạo từ kho dự trữ hai lần, nhưng đều không có tác dụng. Để ứng phó, Hàn Quốc đang thúc đẩy xuất khẩu 22 tấn gạo sang Nhật Bản, lô hàng lớn nhất kể từ năm 1990.
Trước đây, người tiêu dùng Nhật Bản ít mua gạo nước ngoài, nhưng cuộc khủng hoảng hiện tại đã buộc họ phải làm quen với hương vị mới. Nguồn dự trữ gạo tại Nhật Bản đã cạn kiệt do nắng nóng ảnh hưởng đến mùa vụ năm 2023 và một phần vì lượng tiêu thụ tăng do số khách du lịch kỷ lục. Nguồn cung cũng bị tác động bởi tâm lý hoảng loạn sau cảnh báo bão và động đất.
Tại Nhật Bản, gạo thường được dùng trong hầu hết mọi bữa ăn - dùng để làm sushi, làm đồ ngọt, lên men thành rượu và dâng cúng trong các nghi lễ tôn giáo.
Khủng hoảng giá gạo đang buộc Nhật Bản phải tung ra nhiều biện pháp mạnh tay như nhập khẩu gạo từ Hàn Quốc lần đầu tiên sau 25 năm hay xả hàng trong kho dự trữ quốc gia.
Theo Yonhap News, xuất khẩu gạo của Hàn Quốc sang Nhật Bản dự kiến đạt mức cao nhất kể từ năm 1990.
Trước đó, Chính phủ Nhật Bản đã xây dựng kho dự trữ gạo vào năm 1995, hai năm sau khi một mùa hè lạnh giá bất ngờ làm hỏng vụ thu hoạch lúa, buộc họ phải nhập khẩu ngũ cốc từ nước ngoài.
Tuy nhiên, kho dự trữ đã giảm xuống sau thảm họa động đất và sóng thần năm 2011 khiến 20.000 người chết hoặc mất tích.
Giá cả tăng cao đã làm tăng áp lực buộc chính quyền Thủ tướng Shigeru Ishiba phải hành động nhiều hơn để giúp đỡ người tiêu dùng.
Bên cạnh đó, Chính phủ Nhật Bản cũng cảnh báo về sự không chắc chắn về tác động của các chính sách thương mại của Mỹ vì thuế quan có thể gây tổn hại đến nền kinh tế toàn cầu, tuy vậy, nền kinh tế trong nước vẫn đang phục hồi vừa phải nhờ vào hoạt động kinh doanh vững chắc của các doanh nghiệp.