Cuộc giải cứu những tác phẩm nghệ thuật của Ukraine

NGUYỄN DƯƠNG

VHO - Xung đột giữa Nga và Ukraine không chỉ diễn ra trên chiến trường, mà còn diễn ra trong các bảo tàng và di sản văn hóa của quốc gia này. Các trung tâm lịch sử nghệ thuật của Ukraine, nơi có thể coi là linh hồn văn hóa của Ukraine, đang phải vật lộn để tồn tại.

Cuộc giải cứu những tác phẩm nghệ thuật của Ukraine - ảnh 1
Nhà sử học Ukraine Leonid Marushchak đã cứu khoảng 2 triệu hiện vật. Ảnh: OLEKSANDR KUZMIN

 Nhiều di sản tại Ukraine bị hư hại, bảo tàng bị cướp phá, hiện vật bị đánh cắp. Tính đến tháng 1.2025, UNESCO đã xác nhận 476 địa điểm văn hóa bị hư hại, từ nhà thờ, bảo tàng, tượng đài cho đến thư viện.

Phòng thí nghiệm Giám sát Di sản Ukraine cho biết con số thực tế còn cao hơn nhiều, khi họ đã “đáng tin cậy ghi nhận hơn 1.200 địa điểm di sản văn hóa và cơ sở hạ tầng văn hóa bị hư hại” trên khắp đất nước trong 128 cuộc khảo sát thực địa.

“Nếu mất những di sản văn hóa này, những bảo tàng bị phá hủy, sách bị đốt, liệu chúng ta có thể tiếp tục là người Ukraine không? Chúng ta sẽ còn lại gì?”, Halyna Chyzhyk, một chuyên gia pháp lý đang nỗ lực bảo vệ các di sản văn hóa còn lại của Ukraine, đặt câu hỏi.

Hiện tại, các nhà sử học nghệ thuật và giám đốc bảo tàng Ukraine vẫn đang làm mọi cách để thu hồi các tác phẩm bị đánh cắp và bảo vệ những gì còn lại. Các nhà sử học và nhân viên bảo tàng đã chủ động tự tổ chức các cuộc sơ tán hiện vật.

Nhà sử học Leonid Marushchak, đồng sáng lập tổ chức phi chính phủ “Bảo tàng Mở cửa để Trùng tu”, đã sơ tán gần 2 triệu hiện vật (từ tranh vẽ, tượng điêu khắc đến các cổ vật khác) trong bối cảnh quân đội Nga tiếp tục tấn công và phá hủy các bảo tàng trên khắp Ukraine.

Một trong những hiện vật được sơ tán là bức tượng sư tử bằng đá, có thể có niên đại lên tới 1.000 năm. Bức tượng này từng được trưng bày tại một bảo tàng ở Bakhmut, thị trấn đã bị Nga chiếm giữ sau hơn 6 tháng giao tranh ác liệt.

“Tôi đã không thể ngủ được vì bức tượng sư tử này. Khi thành phố gần như bị phá hủy hoàn toàn và thậm chí những bức tường bảo tàng cũng đang sụp đổ, chúng tôi đã đến đó để mang nó ra ngoài”, Marushchak chia sẻ.

Đối với nhiều nhà sử học và bảo tàng, việc ghi nhận thiệt hại là một phần quan trọng trong quá trình phục hồi. Ông Vasyl Rozhko, người sáng lập Phòng thí nghiệm Giám sát Di sản Ukraine lấy ví dụ về một nhà thờ được xây dựng vào những năm 1860 tại làng Vyazivka ở phía Bắc Ukraine.

Nhà thờ này bị hư hại giữa chiến dịch quân sự năm 2022 và sụp đổ hoàn toàn chưa đầy một năm sau đó. Đội của Rozhko đã tạo một mô hình 3D và sau đó là bản quét bằng laser. Nhưng trong khi họ còn đang cân nhắc phương án khôi phục, nhà thờ đã sụp đổ. Thứ duy nhất còn lại chính là mô hình 3D đó.

Ukraine có khoảng 3.500 bảo tàng, nhiều trong số đó thiếu bản kiểm kê trực tuyến, khiến việc bảo vệ tác phẩm nghệ thuật càng khó khăn hơn. Khi chính phủ phải tập trung vào giải quyết xung đột, các chuyên gia nghệ thuật đã tự hành động để cứu lấy di sản văn hóa quốc gia.

Việc sơ tán gặp nhiều thách thức, từ thiếu vật liệu đóng gói đến nguy hiểm trong quá trình vận chuyển. Nhà sử học nghệ thuật Maryna Konieva ở Kharkov cho biết, không đủ băng dính để đóng gói tranh vì chúng được ưu tiên cho việc che cửa sổ bị vỡ.

Trong khi đó, một số tác phẩm phải được gói bằng thảm cũ do không có đủ vật liệu bảo vệ. Những nỗ lực bảo tồn này không chỉ nhằm bảo vệ tác phẩm nghệ thuật mà còn để khẳng định giá trị văn hóa Ukraine.

Để đưa những tác phẩm này ra thế giới, các nhà bảo tồn nghệ thuật Ukraine đã phải sơ tán chúng một cách “điên cuồng” khi xung đột quân sự giữa Nga và Ukraine xảy ra từ tháng 2.2022.

Năm 2023, triển lãm nghệ thuật với chủ đề “Các khía cạnh của tự do” được tổ chức tại Trung tâm Văn hóa Ukraine ở Paris (Pháp). Không chỉ dừng lại ở Paris, nhiều tác phẩm nghệ thuật Ukraine cũng đang được trưng bày tại Madrid (Tây Ban Nha) trong triển lãm “Trong mắt bão: Chủ nghĩa hiện đại ở Ukraine 1900-1930”.

Đây là một trong những triển lãm toàn diện nhất về nghệ thuật hiện đại Ukraine trước khi chuyển sang Cologne (Đức). Các tác phẩm tại triển lãm này đã được sơ tán khỏi Kiev vào giữa tháng 11.2022. Trong hành trình đến Tây Ban Nha, đoàn xe chở tranh phải tránh các khu vực nguy hiểm và suýt mắc kẹt tại biên giới Ba Lan do một vụ tấn công tên lửa.

Theo UNESCO, hơn 200 địa điểm văn hóa ở Ukraine đã bị hư hại kể từ khi Nga phát động chiến dịch quân sự vào ngày 24.2.2022. Dù đối mặt với nhiều khó khăn, Ukraine vẫn đang nỗ lực bảo vệ và quảng bá nghệ thuật, khẳng định bản sắc văn hóa bất chấp chiến tranh.