Chuyến công du châu Á của Ngoại trưởng Mỹ có giúp xoa dịu lo ngại về thuế quan?

VHO - Ngoại trưởng Mỹ Marco Rubio dự kiến thăm châu Á vào tuần tới, trong bối cảnh nhiều quốc gia Đông Nam Á đang theo dõi sát các diễn biến liên quan đến chính sách thuế quan mới của Washington.

Ông Marco Rubio phát biểu trong phiên điều trần tại Thượng viện Mỹ ở Washington ngày 15.1.2025. Ảnh: Getty Images/TTXVN
Ông Marco Rubio phát biểu trong phiên điều trần tại Thượng viện Mỹ ở Washington ngày 15.1.2025. Ảnh: Getty Images/TTXVN

Báo Bưu điện Hoa Nam buổi sáng dẫn nguồn từ nhiều hãng truyền thông Mỹ cho hay ông Rubio sẽ có mặt tại Kuala Lumpur trong hai ngày 10-11.7 để tham dự các cuộc họp với ngoại trưởng các nước thuộc Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) và một số quốc gia châu Á - Thái Bình Dương khác.

Trước đó, ông Rubio dự kiến công du Nhật Bản và Hàn Quốc, nhưng kế hoạch được điều chỉnh để ông trở về Washington tiếp đón Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu vào ngày 8.7, trong khuôn khổ cuộc trao đổi về tình hình tại Gaza.

Đây sẽ là chuyến thăm cấp cao nhất của một quan chức Mỹ tới Đông Nam Á kể từ khi Tổng thống Donald Trump tái đắc cử hồi tháng 1. Tuy nhiên, theo giới phân tích, chuyến thăm được cho là khó tạo ra thay đổi đáng kể về chính sách thương mại trong ngắn hạn.

Ngày 2.4, Tổng thống Trump đã công bố chính sách thuế quan mới mang tên “Ngày Giải phóng thương mại”, áp mức thuế lên tới 50% đối với hàng nhập khẩu từ một số quốc gia. Mỹ đồng thời đưa ra giai đoạn hoãn kéo dài 90 ngày để các bên đàm phán, nhưng thời hạn này sẽ kết thúc vào ngày 9.7.

Trong phát biểu ngày 2.7, ông Trump cho biết ông không có kế hoạch gia hạn thời gian hoãn, khiến nhiều quốc gia trong khu vực lo ngại về khả năng phải đối mặt với mức thuế cao trong thời gian tới.

Một số chuyên gia đánh giá chuyến thăm của ông Rubio mang tính biểu tượng, thể hiện sự quan tâm của Mỹ với khu vực, nhưng khả năng tạo chuyển biến thực chất trong các vấn đề thương mại là hạn chế.

Ông Damien Duhamel, đối tác điều hành tại công ty tư vấn chiến lược Eurogroup Consulting, nhận định: “Chuyến công du của ông Rubio có thể là tín hiệu cho thấy cam kết từ phía Mỹ, nhưng điều quan trọng là liệu những cam kết đó có được cụ thể hóa bằng hành động hay không. Chính phủ các nước Đông Nam Á sẽ xem xét chuyến thăm này trong bối cảnh dài hạn và đặt câu hỏi liệu có nguồn lực, cơ chế hay miễn trừ nào đi kèm với các tuyên bố hay không.”

Trong vai trò Ngoại trưởng, ông Rubio được kỳ vọng sẽ tái khẳng định cam kết của Mỹ trong việc duy trì mối quan hệ bền vững với ASEAN tại Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao Mỹ - ASEAN ngày 10.7, và tại Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao Cấp cao Đông Á tổ chức vào ngày hôm sau.

Chuyến công du diễn ra sau khi Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Pete Hegseth đến Singapore hồi tháng 5, khẳng định với các lãnh đạo khu vực rằng khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tiếp tục là ưu tiên của chính quyền Tổng thống Trump.

Tổng thống Mỹ Donald Trump phát biểu tại Nhà Trắng, Washington, D.C. Ảnh: THX/TTXVN
Tổng thống Mỹ Donald Trump phát biểu tại Nhà Trắng, Washington, D.C. Ảnh: THX/TTXVN

Tuy vậy, lo ngại về thuế quan vẫn là vấn đề được quan tâm hàng đầu, đặc biệt khi một số quốc gia có nền kinh tế đang phát triển trong ASEAN như Campuchia và Lào đối mặt với mức thuế lần lượt là 49% và 48%.

Đến nay, chưa có dấu hiệu cho thấy các quốc gia khác trong khu vực đạt được thỏa thuận, dù Indonesia, Malaysia và Thái Lan đang tích cực thúc đẩy đàm phán thương mại song phương với Mỹ.

Tổng thống Trump trước đó từng tuyên bố ông muốn rút ngắn quá trình đàm phán và sẽ gửi thư thông báo tới các quốc gia rằng họ sẽ phải chịu mức thuế 25%.

Ông Adib Zalkapli, Giám đốc điều hành công ty phân tích địa chính trị Viewfinder Global Affairs, nhận xét rằng những cam kết từ ông Hegseth hay ông Rubio gần như không có nhiều ý nghĩa, khi các chính sách thuế quan của Mỹ vẫn chưa được làm rõ.

“Thuế quan là yếu tố khiến các cuộc đối thoại khác giữa Mỹ và khu vực trở nên khó khăn hơn”, ông nói thêm.

Cảng hàng hóa Busan, Hàn Quốc. Ảnh minh hoạ: Yonhap/TTXVN
Cảng hàng hóa Busan, Hàn Quốc. Ảnh minh hoạ: Yonhap/TTXVN

Ông Shazwan Mustafa Kamal, Giám đốc công ty tư vấn Vriens & Partners, cho rằng chuyến thăm của ông Rubio khó có tác động lớn đến tiến trình đàm phán thuế quan, bởi quyết định cuối cùng vẫn phụ thuộc vào Tổng thống Mỹ.

Theo ông, một số nền kinh tế lớn trong ASEAN như Malaysia có thể kỳ vọng đạt được một “thỏa thuận khung”, trong đó đặt ra giới hạn chung về thương mại và kéo dài thời gian đàm phán các điều khoản khác như hàng rào phi thuế quan.

“Những quốc gia chưa bắt đầu đàm phán thương mại với Mỹ có thể sẽ nhận được thông báo về mức thuế thông qua thư chính thức”, ông cho biết.

Theo HẢI VÂN/Báo Tin tức và Dân tộc

Link bài viết gốc

Tin liên quan

Ý kiến bạn đọc