Thuế quan của Mỹ: Gánh nặng chi phí đối với doanh nghiệp Mỹ
VHO - Một phân tích mới đây của Viện JPMorganChase cho thấy các kế hoạch áp thuế quan hiện tại của Tổng thống Donald Trump có thể gây ra chi phí trực tiếp lên tới 82.3 tỷ USD đối với nhóm doanh nghiệp quan trọng của nước này và con số khổng lồ này có thể được bù đắp thông qua việc tăng giá sản phẩm, cắt giảm việc làm, đóng băng tuyển dụng hoặc giảm biên lợi nhuận.

Đây là một trong những nghiên cứu đầu tiên định lượng trực tiếp chi phí mà thuế nhập khẩu tạo ra đối với các doanh nghiệp có doanh thu từ 10 triệu USD đến 1 tỷ USD. Tại Mỹ, nhóm doanh nghiệp này chiếm khoảng 1/3 lực lượng lao động khu vực tư nhân. So với các doanh nghiệp khác, nhóm công ty này phụ thuộc nhiều hơn vào hàng nhập khẩu từ Trung Quốc, Ấn Độ và Thái Lan, với các lĩnh vực bán lẻ và bán buôn đặc biệt dễ bị tổn thương trước các loại thuế do Tổng thống Trump áp đặt.
Phân tích này cho thấy rõ ràng những đánh đổi từ thuế nhập khẩu của Trump mâu thuẫn với tuyên bố của ông rằng các nhà sản xuất nước ngoài sẽ hấp thụ chi phí thuế quan thay vì các công ty Mỹ phụ thuộc vào hàng nhập khẩu. Mặc dù các loại thuế được áp dụng dưới thời Tổng thống Trump vẫn chưa thúc đẩy lạm phát tổng thể, nhưng các công ty lớn như Amazon, Costco, Walmart và Williams-Sonoma đã giảm “sốc” chi phí bằng cách tăng cường hàng tồn kho trước khi thuế được áp dụng.
Bản phân tích được công bố ngay trước thời hạn ngày 9.7 mà ông Trump đặt ra để chính thức ấn định mức thuế đối với hàng hóa từ hàng chục quốc gia. Hiện Mỹ cùng nhiều quốc gia, trong đó có Việt Nam đang trong quá trình đàm phán về thỏa thuận thương mại.
Nếu mức thuế ban đầu được công bố vào ngày 2.4 vẫn được giữ nguyên, các công ty trong phân tích của Viện JPMorganChase sẽ phải đối mặt với chi phí trực tiếp bổ sung là 187,6 tỷ USD. Với mức thuế hiện tại, 82,3 tỷ USD sẽ tương đương trung bình 2.080 USD cho mỗi người lao động, hoặc 3,1% mức lương trung bình hàng năm. Những con số trung bình này bao gồm cả các công ty không nhập khẩu hàng hóa và các công ty có nhập khẩu.
Trong khi đó, ngày càng có nhiều bằng chứng cho thấy lạm phát có thể gia tăng. Ngân hàng đầu tư Goldman Sachs trong một báo cáo bày tỏ kỳ vọng các công ty sẽ chuyển 60% chi phí thuế quan cho người tiêu dùng. Cục Dự trữ Liên bang Atlanta đã sử dụng khảo sát về kỳ vọng lạm phát của các doanh nghiệp để nói rằng trung bình khoảng 50% chi phí của các công ty liên quan đến thuế quan có thể chuyển cho khách hàng mà không làm giảm nhu cầu tiêu dùng.
Thông tin báo cáo của Viện JPMorganChase cho thấy thuế quan có thể khiến một số nhà sản xuất trong nước tăng cường vai trò là nhà cung cấp hàng hóa. Nhưng nghiên cứu cũng lưu ý rằng các công ty cần lập kế hoạch ứng phó với tác động sau đó. Ngoài ra, các nhà bán buôn và bán lẻ đã hoạt động với biên lợi nhuận thấp đến mức họ có thể cần phải chuyển chi phí thuế quan cho khách hàng của mình.
Theo thông báo mới nhất của Bộ trưởng Tài chính Mỹ, chính quyền Tổng thống Trump có kế hoạch thảo luận về các thỏa thuận thương mại vào tuần tới, ưu tiên gói cắt giảm thuế đã được đa số nghị sĩ Cộng hòa tại Thượng viện thông qua vào ngày 1.7. Ông Trump đã đặt ra thời hạn vào ngày 4.7 để thông qua gói chi tiêu hàng nghìn tỷ USD mà ông hi vọng doanh thu từ thuế quan sẽ giúp bù đắp khoản chi ngân sách này.
Theo LAN PHƯƠNG (TTXVN)/Báo Tin tức và Dân tộc
Link bài viết gốc