Áp lực trong việc nuôi con ở một số quốc gia châu Á

VHO - Chi phí nuôi con ở Hàn Quốc, Trung Quốc đang cao thứ nhất và thứ hai trên thế giới. Nguyên nhân dẫn đến tình trạng này mới là điều đáng suy ngẫm.

Áp lực trong việc nuôi con ở một số quốc gia châu Á - Anh 1

 Trung Quốc là một trong những quốc gia có áp lực chi phí nuôi con cao nhất thế giới Ảnh: BLOOMBERG

 Theo báo cáo mới đây của Viện Nghiên cứu dân số YuWa có trụ sở ở Bắc Kinh (Trung Quốc), Hàn Quốc là nơi có chi phí nuôi dạy con cái cao nhất thế giới so với GDP bình quân đầu người. Tiếp đó, quốc gia có chi phí nuôi con đắt đỏ là Trung Quốc. Theo báo cáo này, chi phí để nuôi dạy một đứa trẻ đến năm 18 tuổi ở Hàn Quốc cao gấp 7,79 lần GDP tính theo đầu người. Ở Trung Quốc, con số này là 6,3 lần, vượt xa mức 4,26 lần của Nhật Bản, 2,24 lần ở Pháp, 4,11 lần ở Mỹ và 2,08 lần ở Australia.

Báo cáo của Viện Nghiên cứu dân số YuWa cho biết, chi phí trung bình toàn quốc để nuôi một đứa trẻ ở Trung Quốc đến 18 tuổi là khoảng 538.000 nhân dân tệ (74.600 USD). Trong đó bao gồm phí bảo mẫu và chăm sóc trẻ em, tiền chi cho trường học và tài liệu giáo dục cũng như phí hoạt động ngoại khóa. Bắc Kinh và Thượng Hải vẫn là những nơi đắt đỏ nhất ở Trung Quốc về chi phí nuôi dạy một đứa trẻ - với con số trung bình lần lượt là khoảng 936.000 nhân dân tệ và 1,01 triệu nhân dân tệ. Nếu tính cả chi phí học đại học, mức trung bình toàn quốc sẽ tăng hơn 25%, chạm mốc hơn 680.000 nhân dân tệ. Báo cáo cho biết cần phải ước tính chi phí giáo dục đại học vì dù cha mẹ không có nghĩa vụ phải hỗ trợ tài chính khi con cái đã đủ 18 tuổi, thực tế hầu hết họ đều làm như vậy.

Kết quả của việc này là giới trẻ ở hai quốc gia này ngại kết hôn và sinh con. Các nghiên cứu tại Trung Quốc, Hàn Quốc cho rằng chi phí chăm sóc trẻ đắt đỏ là một trong những yếu tố quan trọng nhất ảnh hưởng đến ý muốn có con của giới trẻ. Năm ngoái, tổng tỷ suất sinh của Hàn Quốc (số con trung bình mà một phụ nữ dự kiến sẽ sinh trong đời) là 0,78, thấp nhất thế giới, trong khi con số này của Trung Quốc là 1,1.

Điều đáng nói là theo báo cáo trên, phần lớn số tiền dành để nuôi dạy trẻ ở các quốc gia này là dành cho giáo dục. Theo thống kê, các gia đình ở Hàn Quốc đã chi hơn 20 tỉ USD cho việc học thêm của con cái. Con số này đồng nghĩa với việc trung bình hằng tháng, phụ huynh sẽ chi 320 USD cho mỗi học sinh. Đáng chú ý, cứ 10 học sinh thì có 8 em học thêm ở các cơ sở giáo dục tư nhân, tham gia vào các trường luyện thi trên khắp đất nước. Còn ở Trung Quốc, người dân tin rằng học tại các trường danh tiếng là yếu tố quan trọng để thành công.

Giáo sư Stuart Gietel-Basten từ Đại học Khoa học và Công nghệ Hồng Kông (Trung Quốc) cho biết: “Ở châu Á, chúng ta có áp lực buộc con cái phải thành công, và con đường dẫn đến thành công khá hẹp. Mặc dù có nhiều trường đại học ở đại lục, các bậc cha mẹ mong muốn con cái thành công bằng cách vào được một trường đại học cụ thể”.

Bên cạnh đó, theo báo cáo của Viện YuWa cũng như các nhà phân tích, việc nuôi dạy một đứa trẻ không chỉ có áp lực tài chính mà còn có một cái giá đắt phải trả về thời gian và chi phí cơ hội cho các bậc cha mẹ, đặc biệt là các bà mẹ. Số giờ làm việc được trả lương của phụ nữ sau khi có con cũng giảm, chủ yếu là trước khi trẻ tròn 4 tuổi. Tuy nhiên, số giờ làm việc được trả lương của nam giới vẫn không thay đổi sau khi làm cha. Theo nghiên cứu được báo cáo trích dẫn, ở Trung Quốc, mỗi đứa trẻ được sinh ra đồng nghĩa với việc lương của phụ nữ sẽ giảm từ 12%- 17%. “Vì những lý do như chi phí sinh con cao và sự khó khăn của phụ nữ trong việc cân bằng giữa gia đình và công việc, mức sẵn lòng sinh con trung bình của người dân Trung Quốc gần như thấp nhất trên thế giới”, báo cáo viết.

Tỷ lệ sinh sụt giảm có thể ảnh hưởng mạnh mẽ đến tăng trưởng kinh tế, mức độ hạnh phúc của người dân và vị thế toàn cầu của những quốc gia này. Các chuyên gia kêu gọi Chính phủ có các chính sách để giảm bớt gánh nặng của việc sinh con và nuôi con một cách sớm nhất có thể, chẳng hạn trợ cấp tiền mặt, thuế và nhà ở, có chế độ nghỉ sinh cho cả nữ giới và nam giới, bảo vệ quyền sinh con của phụ nữ đơn thân, và cải cách giáo dục.

THÁI AN

Ý kiến bạn đọc