Tác động của Trí tuệ nhân tạo đối với báo chí:

Thách thức hay cơ hội?

NGUYỄN QUÂN

VHO - Sáng nay 21.8, tại TP Hạ Long, Trung tâm Bồi dưỡng nghiệp vụ báo chí, Hội Nhà báo Việt Nam đã tổ chức Hội thảo “Tác động của Trí tuệ nhân tạo đối với báo chí: Thách thức và cơ hội”. Nhà báo Lê Quốc Minh, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương, Tổng Biên tập Báo Nhân dân, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam dự và trình bày tham luận.

Thách thức hay cơ hội? - ảnh 1
Nhà báo Lê Quốc Minh, Tổng Biên tập Báo Nhân Dân và nhà báo Nguyễn Thị Hải Vân, Giám đốc Trung tâm Bồi dưỡng nghiệp vụ báo chí, Hội Nhà báo Việt Nam đồng chủ trì Hội thảo

Phát biểu đề dẫn Hội thảo, nhà báo Nguyễn Thị Hải Vân, Giám đốc Trung tâm Bồi dưỡng nghiệp vụ báo chí Hội Nhà báo Việt Nam cho biết: Chúng ta đang sống trong thời kỳ cách mạng công nghệ 4.0, nơi mà trí tuệ nhân tạo (AI) đang dần trở thành một phần không thể thiếu trong nhiều lĩnh vực của đời sống xã hội. Báo chí, với vai trò là cầu nối thông tin giữa công chúng, sự kiện, không thể nằm ngoài xu thế đó. AI không chỉ thay đổi cách thức làm báo mà còn mang lại cơ hội và thách thức chưa từng có.

Về mặt cơ hội, AI có thể giúp tổng hợp và phân tích dữ liệu nhanh chóng hơn, giúp các nhà báo tiết kiệm thời gian và nỗ lực trong quá trình nghiên cứu và sản xuất tin, bài.

Thêm vào đó, việc triển khai thành công AI trong tòa soạn sẽ giúp cá nhân hóa nội dung để phù hợp với sở thích và nhu cầu của từng đối tượng độc giả, từ đó tăng khả năng tương tác và độ hấp dẫn của các sản phẩm báo chí. Nhờ vậy, các nhà báo sẽ mang đến cho độc giả những tin tức mà họ muốn, theo cách thức cá nhân hơn và bao phủ được nhiều chủ đề hơn.

Nhà báo Nguyễn Thị Hải Vân nhận định: Thách thức mà AI mang lại cũng không hề nhỏ. Một trong những thách thức lớn nhất mà AI mang đến là việc tạo ra và lan truyền tin giả (fake news).

Ngoài ra, công nghệ deep-fake sử dụng AI để tạo ra video và hình ảnh giả mạo, trong đó người xem có thể thấy những hình ảnh hoặc video của các sự kiện hoặc nhân vật hoàn toàn không có thật. Điều này làm tăng khả năng lan truyền thông tin sai lệch thông qua các phương tiện truyền thông trực quan.

Những cơ hội và thách thức này đòi hỏi các cơ quan báo chí, các nhà báo và người làm báo cần có sự đào tạo và chuẩn bị kỹ lưỡng để có thể sử dụng AI một cách hiệu quả, đồng thời đảm bảo tính tin cậy và đạo đức trong việc truyền tải thông tin. Việc sử dụng AI cũng có thể dẫn đến sự phụ thuộc quá mức vào công nghệ, giảm đi vai trò của con người trong việc kiểm tra và xác minh thông tin.

Phát biểu khai mạc Hội thảo, nhà báo Lê Quốc Minh, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương, Tổng Biên tập Báo Nhân dân, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam nhấn mạnh: AI và báo chí hiện là một chủ đề mang tính thời sự và nhận được sự quan tâm rất lớn từ các cơ quan báo chí, truyền thông, cũng như những người làm báo trên cả nước thời gian qua.

Về mặt cơ hội, AI có thể giúp tổng hợp và phân tích dữ liệu nhanh chóng hơn, giúp các nhà báo tiết kiệm thời gian và nỗ lực trong quá trình nghiên cứu và sản xuất tin, bài. Thêm vào đó, việc triển khai thành công AI trong các đơn vị báo chí sẽ giúp cá nhân hóa nội dung để phù hợp với sở thích và nhu cầu của từng đối tượng độc giả, từ đó tăng khả năng tương tác và độ hấp dẫn của các sản phẩm báo chí. Thực tế thời gian qua, nhiều cơ quan báo chí lớn của cả nước đều đã có những tìm tòi, thử nghiệm áp dụng AI vào quá trình sản xuất các sản phẩm báo chí đa nền tảng, tiếp cận độc giả và mang lại những hiệu quả tích cực.

Thách thức hay cơ hội? - ảnh 2
Nhà báo Lê Quốc Minh, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương, Tổng Biên tập Báo Nhân dân, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam trình bày tham luận tại Hội thảo

Tuy nhiên, thách thức mà AI mang lại cũng không hề nhỏ. Tiêu biểu là việc tạo ra và lan truyền tin giả (fake news) với nội dung chi tiết và trôi chảy, khiến người đọc khó có thể nhận ra đó là tin giả. Ngoài ra, công nghệ deep-fake sử dụng AI để tạo ra video và hình ảnh giả mạo, trong đó người xem có thể thấy những hình ảnh hoặc video của các sự kiện hoặc nhân vật hoàn toàn không có thật. Điều này làm tăng khả năng lan truyền thông tin sai lệch thông qua các phương tiện truyền thông trực quan.

"Công cụ AI do con người làm ra, vì thế việc sử dụng đầu tư cho AI làm sao cho phù hợp nhất. Điều quan trọng nhất là cơ quan báo chí đó tận dụng được và tạo ra hiệu quả trong quá trình hoạt động. Khi sử dụng nên có sự hiểu biết và dựa theo nhu cầu thực tế ở cơ quan đơn vị, địa phương mình. Chúng ta nên nhìn nhận AI ở góc độ là công cụ hỗ trợ nhà báo là điều tốt nhất. Mỗi cơ quan báo chí nên tranh thủ được công nghệ và làm chủ công nghệ", nhà báo Lê Quốc Minh nhấn mạnh.

Trình bày tham luận "Tác động của AI đối với báo chí - Đáng mừng hơn đáng lo”, nhà báo Lê Xuân Trung, Phó Tổng Biên tập báo Tuổi Trẻ cho biết: AI được xem như trợ lý ảo để hỗ trợ số liệu cho phóng viên, biên tập viên trong quá trình sản xuất tin bài trên tòa soạn điện tử. Trợ lý ảo chuyên thống kê về thời gian bạn đọc ở trên trang, từ khóa, gợi ý các tin bài liên quan và cảnh báo những đề tài cho đội ngũ phóng viên và thư ký tòa soạn.

"Báo Tuổi Trẻ đã giao AI làm nhiệm vụ tổng hợp toàn bộ đề xuất tin bài hàng ngày của các phóng viên và tổng hợp ý kiến phản hồi của bạn đọc để làm chất liệu cho cuộc họp giao ban tin buổi sáng. Trước đây, một cô thư ký hành chính phải làm nhiệm vụ này trong vòng 1-2 giờ khá vất vả và bị động. Hiện nay, AI làm rất nhanh, chỉ 5-1 phút là xong bản tổng hợp, không kèm theo bất kỳ lời than thở, phàn nàn nào cả", nhà báo Lê Xuân Trung chia sẻ.

Thách thức hay cơ hội? - ảnh 3
Toàn cảnh Hội thảo

Các tham luận và ý kiến đóng góp, thảo luận trong khuôn khổ Hội thảo đã tập trung gợi mở, làm rõ một số vấn đề: Cách trí tuệ nhân tạo AI đang làm thay đổi phương thức sản xuất tin tức và ảnh hưởng như thế nào đến sự sáng tạo, khách quan của báo chí trên thế giới cũng như Việt Nam;

Làm thế nào để báo chí tận dụng được lợi thế của AI mà vẫn giữ vững đạo đức nghề nghiệp và tính trung thực của thông tin; Hành lang pháp lý cho báo chí cần theo kịp để thay đổi, bổ sung như thế nào khi việc sử dụng các hệ thống phần mềm ứng dụng AI ngày càng phổ biến;

AI hay con người (phóng viên, cơ quan báo chí) phải chịu trách nhiệm nếu thông tin sai sự thật, gây ảnh hưởng đến lợi ích của các cá nhân, tổ chức và xã hội; Công tác đào tạo, bồi dưỡng sinh viên và các nhà báo Việt Nam trong thời đại số…

Hầu hết các ý kiến tại Hội thảo đều đồng tình cho rằng ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong báo chí là một xu hướng mang lại rất nhiều lợi ích.

Tuy nhiên, AI là do con người tạo ra và được dạy để tiếp thu, tổng hợp và phân tích từ thông tin dữ liệu do con người cung cấp. AI không có nhạy cảm chính trị, không có lý tưởng, không có tính nhân văn, không có trách nhiệm xã hội và đạo đức báo chí.

Do đó, để làm chủ và sử dụng được công cụ số nói chung và các phần mềm ứng dụng AI nói riêng, mỗi nhà báo Việt Nam phải trau dồi năng lực và phẩm chất của một nhà báo cách mạng.

Bên cạnh đó, các nhà báo cũng phải luôn học hỏi, thảo luận, thử nghiệm để có thể làm chủ công nghệ, chứ không để công nghệ dẫn dắt và làm chủ con người.

Các cơ quan báo chí chính thống phải nhanh chóng chủ động, có sự đầu tư phù hợp vào công nghệ, để không bị thụt lùi, góp phần vào sự hội nhập, phát triển bền vững của báo chí Việt Nam trong kỷ nguyên 4.0, song song với việc thực hiện trách nhiệm xã hội của mình.

Hội thảo là hoạt động có ý nghĩa thiết thực để nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ cho các hội viên - nhà báo, hướng tới làm chủ công nghệ AI và tạo ra sản phẩm báo chí theo nguyên tắc đạo đức chung của nghề nghiệp, cũng như bối cảnh báo chí Việt Nam.

Tin liên quan

Ý kiến bạn đọc