EU điều tra Facebook và Instagram do nghi ngờ “gây nghiện” ở trẻ em

NGHIÊM THANH

VHO - Các nhà chức trách EU nghi ngờ Facebook và Instagram có thể kích thích hành vi gây nghiện ở trẻ em, đồng thời đã tiến hành một cuộc điều tra chính thức có thể dẫn đến một khoản phạt nặng nhằm vào gã khổng lồ về truyền thông xã hội này.

EU điều tra Facebook và Instagram do nghi ngờ “gây nghiện” ở trẻ em - ảnh 1
Ảnh: Internet

Cuộc điều tra nói trên là bằng chứng mới nhất cho thấy các cơ quan quản lý đang ngày càng tập trung vào những tác động có hại của nền tảng Meta và các phương tiện truyền thông xã hội khác  đối với người dùng trẻ tuổi.

Ủy ban châu Âu (cơ quan điều hành của EU) sẽ tiến hành điều tra xem liệu Meta có tuân thủ các nghĩa vụ của mình theo Đạo luật Dịch vụ Kỹ thuật số (DSA) hay không. Đạo luật này là một luật mới nhằm quản lý, kiểm soát các nền tảng trực tuyến.  

DSA yêu cầu các nền tảng trực tuyến đưa ra các biện pháp để bảo vệ trẻ em, bao gồm cả việc ngăn chúng truy cập nội dung không phù hợp và đảm bảo mức độ riêng tư và an toàn cao. Nếu vi phạm, các công ty có thể đối mặt với mức phạt lên tới 6% doanh thu toàn cầu hoặc thậm chí bị cấm hoạt động.

Trong một tuyên bố hôm qua 16.5, Ủy ban Châu Âu lo ngại rằng giao diện trực tuyến của Facebook và Instagram “có thể khai thác những điểm yếu và sự thiếu kinh nghiệm của trẻ vị thành niên và gây ra hành vi gây nghiện”. Ủy ban cũng bày tỏ lo ngại về hiệu quả của các công cụ xác minh độ tuổi của Meta.

Ủy viên Thị trường Nội bộ châu Âu Thierry Breton cho biết : “Chúng tôi không tin rằng Meta đã làm đủ để tuân thủ các nghĩa vụ của DSA nhằm giảm thiểu rủi ro tác động tiêu cực đến sức khỏe thể chất và tinh thần của giới trẻ châu Âu”.

Trong một tuyên bố được chia sẻ với CNN, người phát ngôn của Meta đã trả lời: “Chúng tôi muốn những người trẻ tuổi có trải nghiệm trực tuyến an toàn, phù hợp với lứa tuổi và đã dành một thập kỷ để phát triển hơn 50 công cụ và chính sách được thiết kế để bảo vệ họ. Đây là một thách thức mà toàn ngành đang phải đối mặt và chúng tôi mong muốn được chia sẻ thông tin chi tiết về công việc của mình với Ủy ban Châu Âu.”

Meta  thường xuyên lọt vào tầm ngắm của các cơ quan quản lý EU, bao gồm việc xử lý quảng cáo lừa đảo và thông tin sai lệch trước cuộc bầu cử EU sắp tới cũng như nội dung bất hợp pháp và thông tin sai liên quan đến cuộc chiến ở Gaza .