Đẩy mạnh chuyển đổi số các thủ tục hành chính ngành BHXH

HOÀNG VÂN

VHO - Bên cạnh việc giải quyết, chi trả chế độ, chính sách BHXH, BHYT đầy đủ, kịp thời, đúng quy định, BHXH Việt Nam còn tập trung triển khai đồng bộ các giải pháp, đẩy mạnh chuyển đổi số để tạo ra nhiều tiện ích, lợi ích cho người tham gia, thụ hưởng và cơ quan quản lý Nhà nước trong việc phát hiện, phòng chống lạm dụng, trục lợi quỹ BHYT.

 BHXH Việt Nam cho biết, toàn Ngành đã đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính (TTHC) cắt giảm từ 115 thủ tục (năm 2015) xuống còn 25 thủ tục; ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong công tác nghiệp vụ, như tin học hóa hầu hết các thủ tục tham gia BHYT và cấp thẻ BHYT.

Đẩy mạnh chuyển đổi số các thủ tục hành chính ngành BHXH - ảnh 1
Ngành BHXH đẩy mạnh chuyển đổi số để phục vụ người dân

Cụ thể, triển khai giao dịch điện tử đối với các tổ chức và cá nhân; triển khai 100% dịch vụ công (DVC) mức độ 4 cho các TTHC của ngành BHXH Việt Nam; tích hợp, cung cấp trên cổng DVC BHXH Việt Nam, Cổng DVC Quốc gia và ứng dụng VssID-BHXH số trên nền tảng thiết bị di động...

Kết quả, các năm qua, hệ thống của BHXH Việt Nam đã tiếp nhận và xử lý gần 300 triệu lượt hồ sơ giao dịch trực tuyến, trong đó mỗi năm có hơn 170 triệu lượt đề nghị thanh toán chi phí KCB BHYT trên hệ thống thông tin giám định BHYT.

Hệ thống thông tin giám định BHYT được BHXH Việt Nam xây dựng và vận hành chính thức từ năm 2016, đã kết nối liên thông dữ liệu giữa cơ quan BHXH với gần 13 nghìn cơ sở KCB BHYT trên toàn quốc. Hệ thống thông tin giám định BHYT liên thông với các phần mềm nghiệp vụ để cập nhật, theo dõi người tham gia đăng ký KCB ban đầu tại các tuyến, liên thông dữ liệu với phần mềm kế toán tập trung để quản lý tạm ứng, thanh toán chi KCB BHYT tại từng cơ sở KCB, để chống trục lợi giải quyết hưởng chế độ ốm đau, thai sản.

Đặc biệt, BHXH Việt Nam là một trong những đơn vị đi đầu trong triển khai các nhiệm vụ được giao tại Đề án 06 và Quyết định số 422/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Trong đó nổi bật là công tác phối hợp với Bộ Công an chia sẻ thử nghiệm thông tin sổ BHXH, thông tin KCB BHYT để đưa lên ứng dụng VNeID. Chia sẻ thông tin thẻ BHYT để phục vụ KCB BHYT bằng căn cước công dân (CCCD) gắn chíp hoặc bằng ứng dụng VneID.       

Triển khai sử dụng đa nền tảng khi đi KCB bằng CCCD, VssID - BHXH số, ứng dụng định danh điện tử VNeID. Đến nay, 100% cơ sở KCB BHYT đã triển khai KCB BHYT bằng CCCD gắn chip (đáp ứng yêu cầu tra cứu thông tin thẻ BHYT bằng số định danh cá nhân/CCCD), với hơn 55,7 triệu lượt tra cứu thông tin thẻ BHYT bằng số định danh cá nhân/CCCD thành công phục vụ làm thủ tục KCB BHYT…

Đồng thời, ứng dụng thí điểm xác thực thông tin sinh trắc học trên CCCD gắn chip trong KCB BHYT. Qua đó giúp thuận lợi cho người bệnh, thủ tục KCB nhanh chóng, nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về công tác KCB BHYT.

Ngành BHXH Việt Nam cũng phối hợp, hỗ trợ Bộ Y tế liên thông dữ liệu khám sức khỏe lái xe, giấy chúng sinh, giấy báo tử. Tính đến nay, trên toàn quốc có 1.216 cơ sở KCB đã gửi dữ liệu giấy khám sức khỏe lái xe, với 2.058.654 dữ liệu được gửi; có 1.582 cơ sở KCB gửi dữ liệu giấy chứng sinh, với 852.542 dữ liệu được gửi; 596 cơ sở KCB gửi dữ liệu giấy báo tử, với 8.575 dữ liệu được gửi.

Ông Lê Nguyên Bồng, Giám đốc Trung tâm Công nghệ thông tin (BHXH Việt Nam) cho biết, với quan điểm luôn lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm phục vụ, toàn ngành BHXH Việt Nam luôn nỗ lực, cố gắng giải quyết nhanh gọn, đảm bảo quyền lợi đúng quy định cho người tham gia, thụ hưởng chính sách BHXH, BHYT, BHTN dù trong bất cứ trường hợp nào.

"Hiện nay, tất cả các TTHC đều có thể thực hiện trên cổng DVC ở tất cả các nền tảng. Ngoài ra, BHXH Việt Nam đã nỗ lực thực hiện các giải pháp để đẩy mạnh chi trả các chế độ bảo hiểm không dùng tiền mặt. Đến nay, có khoảng trên 64% số người hưởng nhận các chế độ BHXH,trợ cấp thất nghiệp qua tài khoản cá nhân tại khu vực đô thị. 

Đặc biệt, ngày 22.3 vừa qua, Bộ Công an và BHXH Việt Nam đã thống nhất ban hành  quy trình phối hợp triển khai thực hiện phát triển thanh toán không dùng tiền mặt trong công tác chi trả lương hưu, trợ cấp BHXH trên nền tảng CSDL quốc gia về dân cư nhằm vận động, tuyên truyền người dân nhận lương hưu, trợ cấp BHXH qua phương thức thanh toán không dùng tiền mặt, kết hợp xác minh, làm sạch dữ liệu người hưởng. Nhiều địa phương đã triển khai mạnh việc thực hiện như Hà Tĩnh đạt 94%, Hà Nội đạt 92% người đăng ký nhận lương hưu, trợ cấp BHXH không dùng tiền mặt", Giám đốc Trung tâm Công nghệ thông tin chia sẻ.

Với việc triển khai Đề án số 06 của Chính phủ vào quy trình, nghiệp vụ với tinh thần, thái độ phục vụ ngày càng nâng cao, nhờ đó đã rút ngắn thời gian, thủ tục, tiết kiệm tối đa thời gian, công sức, chi phí đi lại cho người dân, doanh nghiệp khi giao dịch với cơ quan BHXH.