ASEAN nỗ lực đấu tranh và xử lý thông tin sai sự thật trên không gian mạng
VHO - Ngày 19.9, trong khuôn khổ của Hội nghị Bộ trưởng Thông tin ASEAN lần thứ 16 (Hội nghị AMRI 16), Diễn đàn khu vực ASEAN về “Ứng phó và xử lý tin sai sự thật trên không gian mạng” đã được tổ chức tại TP. Đà Nẵng.
Diễn đàn ASEAN về “Xử lý thông tin sai lệch” đã tạo ra một nền tảng trao đổi mở, nhằm khẳng định sự quyết tâm của các nước ASEAN trong việc giảm thiểu các tác hại từ thông tin sai lệch và tin giả, đồng thời góp phần cho nỗ lực chung của ASEAN trong việc tạo ra một "không gian mạng đáng tin cậy và có trách nhiệm" cho người dân.
Nhận thức về tầm quan trọng của việc hành động đoàn kết trước tin giả, Hội nghị lần thứ 19 của các Quan chức Cao cấp ASEAN về Thông tin (SOMRI) vào năm 2022 đã phê duyệt đề xuất của Việt Nam về việc thành lập đội phản ứng của ASEAN về Tin Giả. Những khuôn khổ và cơ chế của ASEAN đã tạo nền tảng cho các nước thành viên ASEAN tăng cường hợp tác, chia sẻ thông tin và đề xuất các giải pháp khả thi để giải quyết vấn đề này trong khu vực.
Đại diện các quốc gia cam kết cùng chung tay xây dựng không gian mạng "an toàn, sạch sẽ"
Từ năm 2017 đến nay, ASEAN đã tiến hành nhiều hoạt động nhằm tăng cường nhận thức về việc đối phó với tác hại của tin giả, như các chương trình và hội thảo để chia sẻ các chính sách quản lý, tăng cường chiến dịch nhằm nâng cao sự hiểu biết về công nghệ số cho người dân cũng như thúc đẩy việc chia sẻ kinh nghiệm giữa các cơ quan quản lý thông tin điện tử. Bước tiến vượt bậc là khi Khuôn khổ và Tuyên bố chung về Giảm thiểu các tác hại của tin giả được thông qua vào năm 2018 tại Hội nghị Bộ Trưởng Thông tin ASEAN lần thứ 14 (AMRI 14).
Theo Thứ trưởng Bộ TT&TT Việt Nam Nguyễn Thanh Lâm, đây là lúc đẩy mạnh hơn sự hợp tác giữa các cơ quan quản lý truyền thông, những người đóng vai trò quan trọng trong việc tăng cường thông tin, giữa các cơ quan truyền thông tham gia truyền bá thông tin chính thống và chính xác. Tập trung vào các công tác phát hiện, công bố và sửa chữa tin giả, giữa các cơ quan nghiên cứu như các tổ chức nghiên cứu độc lập, tổ chức xác minh và nhà cung cấp mạng xã hội để đối phó với thông tin sai lệch trong khu vực.
“Tôi hy vọng các đại biểu tích cực trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm và thảo luận về chủ đề đầy thách thức này, để đưa ra những giải pháp thực tiễn đóng góp cho Hội nghị Bộ Trưởng Thông tin ASEAN lần thứ 16 (AMRI) trong những ngày tới” , Thứ trưởng Nguyễn Thanh Lâm nhấn mạnh.
Từ năm 2017 đến nay, ASEAN đã đưa ra nhiều tuyên bố và hoạt động nhằm tăng cường nhận thức về tác hại của việc lan truyền thông tin giả, nâng cao nhận thức của người dân về công nghệ số. Tuy nhiên, đến nay, tin giả vẫn là vấn đề lớn với các quốc gia và cần sự hợp tác nhiều hơn nữa, không chỉ là giữa các chính phủ với nhau mà còn cần mở rộng với sự tham gia của cả cộng đồng. Đại diện Ban Thư ký ASEAN thông tin tại diễn đàn: Có nhiều định nghĩa về thông tin giả khác nhau giữa các quốc gia nhưng có thể hiểu chung tin giả là những thông tin sai lệch được người dân dùng mạng xã hội để lan truyền. Không giống những thông tin chính thống, tin giả chỉ để thỏa mãn tính giải trí của đọc giả nhằm mục đích kinh tế, chính trị và làm ảnh hưởng đến nhiều vấn đề của các quốc gia.
Các đại biểu tham dự diễn đàn khu vực ASEAN tổ chức tại Đà Nẵng
“Vấn đề quan trọng là các thành viên ASEAN cần làm rõ khung hướng dẫn quản lý thông tin chính phủ, ứng phó xử lý thông tin sai, từ đó có những bước tiến, trao quyền cho những đối tác truyền thông liên quan để vừa đảm bảo quyền tự do ngôn luận nhưng cũng đảm bảo tính chính xác, minh bạch, chính thống”, đại diện thư ký ASEAN chia sẻ.
Phía Bộ TT&TT Malaysia cho biết, thông qua quan hệ đối tác, chính phủ đã làm việc với các doanh nghiệp cộng đồng để ngăn chặn tin giả càng sớm càng tốt. Bên cạnh đó, các sáng kiến về cổng thông tin điện tử như trung tâm một cửa toàn quốc để người dân kiểm tra thông tin với nhiều lĩnh vực khác nhau, nâng cao trách nhiệm chia sẻ thông tin, khuyến khích người dùng tự điều chỉnh hành vi.
Đại diện Indonesia cho rằng các chính phủ cần trao quyền cho người dân đánh giá nội dung thông tin trên mạng có đáng tin hay không và họ là nguồn để xác thực thông tin, từ đó có mạng lưới xác minh thông tin sẽ được mở rộng.
Diễn đàn đã khuyến nghị các biện pháp xử lý cho tương lai, chia sẻ kinh nghiệm xử lý tin sai lệch của các quốc gia trong khu vực và cơ quan báo chí truyền thông. Cùng với đó, các nước sẽ nỗ lực thúc đẩy các chính sách hiểu biết công nghệ số, chính sách truyền thông từ một số quốc gia ASEAN, chính sách của các nền tảng trong xử lý tin giả, tin sai và hướng dẫn an toàn khi tham gia trực tuyến, các nền tảng mạng xã hội.
Trên cơ sở đó, đại diện các cơ quan quản lý về thông tin điện tử của các nước ASEAN, cơ quan báo chí của các nước ASEAN, đại diện một số nền tảng xuyên biên giới (Google, Tiktok) và đại diện Ban thư ký ASEAN đã tập trung trao đổi, thảo luận nỗ lực của các nước ASEAN chung tay đấu tranh và xử lý tin giả, tin sai.
MINH CHÂU