Xưởng Phim Giải Phóng, 60 năm nhìn lại

VHO- Ngày 19.12 tại Phim trường Công ty CP Phim Giải phóng (TP. Hồ Chí Minh) sẽ diễn ra lễ kỷ niệm 60 năm thành lập Công ty CP Phim Giải phóng (1962-2022).

Xưởng Phim Giải Phóng, 60 năm nhìn lại - Anh 1

Phim Mùa gió chướng, đạo diễn Nguyễn Hồng Sến- một trong những bộ phim của Phim Giải Phóng đã tạo nên dấu ấn đậm nét của điện ảnh Việt Nam và in đậm trong tâm trí, tình cảm của khán giả

Xưởng phim Giải Phóng, nay là Công ty cổ phần Phim Giải Phóng được thành lập năm 1962, tại chiến khu Tây Ninh (căn cứ của cơ quan Trung ương Cục Miền Nam). Là đơn vị được thành lập trong giai đoạn chiến tranh ác liệt diễn ra tại chiến trường miền Nam, nhiệm vụ chính trị được Đảng và Nhà nước giao phó cho Xưởng Phim Giải Phóng là sản xuất phim thời sự tài liệu, chụp ảnh tuyên truyền cuộc kháng chiến chống Mỹ; ghi nhận kịp thời những hình ảnh chiến đấu, những thời khắc quan trọng thể hiện những chiến công anh dũng của quân dân ta tại miền Nam. Xưởng phim cũng có nhiệm vụ chiếu phim phục vụ các cơ quan bộ đội và đồng bào ở các vùng ven, vùng giải phóng đô thị miền Nam, chiến khu Đ và mở rộng từ khu vực Miền Đông đến khu vực Miền Tây Nam bộ.

Những năm tháng đó, cán bộ- chiến sĩ của Xưởng Phim Giải Phóng không quản ngại khó khăn gian khổ, các phóng viên quay phim của Xưởng vừa tham gia các trận đánh chống lại những trận càn quét của địch, vừa phải hoàn thành trách nhiệm mà Đảng và Nhà nước đã giao. Những bộ phim tài liệu mang giá trị lịch sử đã lần lượt ra đời. Nhưng đồng thời cũng có những chiến sĩ hy sinh, bị thương trong lúc quay phim, bảo vệ tài liệu phim ảnh, chống địch càn... Tất cả để lại cho thế hệ tiếp nối những tấm gương sáng về lòng yêu nước và bảo vệ nền điện ảnh dân tộc. Những thành tích và sự hy sinh đó lớn lao không gì so sánh được.

Xưởng Phim Giải Phóng, 60 năm nhìn lại - Anh 2

Mê thảo thời vang bóng, đạo diễn Việt Linh

Cục trưởng Cục Điện ảnh Vi Kiến Thành điểm lại những dấu mốc chính: Xưởng phim Giải Phóng được thành lập năm 1962, vào giai đoạn chiến tranh ác liệt diễn ra tại chiến trường miền Nam. Sau ngày thống nhất đất nước, Xưởng phim Giải Phóng trở thành Xưởng phim Tổng hợp, Xí nghiệp Phim tổng hợp và tiếp theo đó là Hãng phim Giải Phóng. Ngày 30.6.2010 đổi thành Công ty TNHH MTV Phim Giải Phóng

Theo Cục trưởng Vi Kiến Thành, 60 năm qua, nhiều thế hệ lãnh đạo, nghệ sĩ điện ảnh và cán bộ, viên chức của Phim Giải Phóng đã tiếp nối nhau liên tục nỗ lực, sáng tạo nghệ thuật bằng trí tuệ, mồ hôi và nước mắt, kể cả máu trong giai đoạn chiến tranh để gây dựng nên tên tuổi, thương hiệu của Phim Giải Phóng hôm nay. Các bộ phim truyện, phim tài liệu, phim khoa học, phim hoạt hình đã được các nghệ sĩ của Phim Giải Phóng thực hiện đã đạt được nhiều giải thưởng cao ở trong nước và quốc tế, góp phần quan trọng vào sự phát triển của điện ảnh Việt Nam.

Nhiều bộ phim của Phim Giải Phóng đã tạo nên dấu ấn đậm nét của điện ảnh Việt Nam và in đậm trong tâm trí, tình cảm của khán giả trong nước và quốc tế, như: Mùa gió chướng, Cánh đồng hoang (đạo diễn Nguyễn Hồng Sến);  Ván bài Lật ngửa, Vĩnh biệt mùa hè (đạo diễn Lê Hoàng Hoa); Về nơi gió cát, Xa và gần (đạo diễn Huy Thành); Chung cư, Gánh xiếc rong, Mê thảo thời vang bóng (đạo diễn Việt Linh); Tuổi thơ dữ dội, Trăng nơi đáy giếng (đạo diễn Nguyễn Vinh Sơn); Vị đắng tình yêu (đạo diễn Lê Xuân Hoàng); Xương rồng đen (đạo diễn Lê Dân); Lưỡi dao, Ai xuôi vạn lý (đạo diễn Lê Hoàng); Bụi hồng, Thời xa vắng (đạo diễn Hồ Quang Minh); Ba mùa (đạo diễn Tony Bùi)…

Xưởng Phim Giải Phóng, 60 năm nhìn lại - Anh 3

Bộ phim Cơn giông, đạo diễn Trần Ngọc Phong, Công ty CP phim Giải Phóng ra mắt cuối năm 2021. Đây là tác phẩm điện ảnh được thực hiện trong bối cảnh vô cùng khó khăn do đại dịch Covid-19

Nhiều bộ phim khác ở các thể loại phim tài liệu, phim khoa học, phim hoạt hình đã tạo nên uy tín và thương hiệu của Phim Giải Phóng rất đáng tự hào. “Chặng đường 60 năm qua với những thăng trầm và khó khăn khi chuyển đổi cơ chế, nhưng Phim Giải Phóng luôn hoàn thành trách nhiệm của một đơn vị điện ảnh của Bộ VHTTDL ở phía Nam vượt qua nhiều khó khăn để làm tốt nhiệm vụ chính trị được Nhà nước, Bộ VHTTDL giao”, Cục trưởng Vi Kiến Thành khẳng định.

Cũng theo Cục trưởng Vi Kiến Thành: “Văn học nghệ thuật nói chung và điện ảnh nói riêng ở TP. Hồ Chí Minh trong nhiều năm qua luôn là nơi tiên phong, tạo ra những đột phá về tư duy sáng tạo và nghệ thuật thể hiện. Cục Điện ảnh hi vọng  Điện ảnh phía Nam, trong đó có Phim Giải Phóng tiếp tục có nhiều đổi mới, tiếp cận nhanh hơn nữa  với xu thế hiện nay để có nhiều tác phẩm điện ảnh hấp dẫn khán giả, có nội dung nhân văn và doanh thu tốt để phát triển công nghiệp điện ảnh”.

VY AN

Ý kiến bạn đọc