Vì sao văn học Việt khó xuất ngoại?
VHO - Sự kiện gặp gỡ văn chương Việt - Hàn vừa diễn ra tại TP.HCM đã tạo cơ hội giao lưu giữa tác giả, dịch giả, nhà nghiên cứu… đến từ hai quốc gia. Đồng thời, chương trình còn là cơ hội để các diễn giả chia sẻ về văn học đương đại Việt - Hàn, đặc biệt về vấn đề nhận thức của tác giả, dịch giả trong việc giới thiệu văn học trong nước ra thế giới.
Muôn nẻo đường… ra biển lớn
Chủ đề chính của chương trình năm nay là Văn học trẻ đương đại Việt - Hàn và văn học hai nước trong bối cảnh toàn cầu với dàn khách mời gồm nhà văn Trần Văn Tuấn, nhà văn Huỳnh Trọng Khang và dịch giả Hiền Nguyễn. Về phía Hàn Quốc có nhà văn Choi Eun Yeong, GS Kim Jae Yong - Tổng Biên tập Tạp chí Văn học toàn cầu Hàn Quốc.
Tại buổi giao lưu, các diễn giả đã cùng nhau tập trung thảo luận, chia sẻ về hoạt động của các nhà văn trẻ và văn chương Việt Nam, Hàn Quốc hiện nay. Có thể thấy, văn chương Hàn Quốc có sức hút đặc biệt và sự sâu sắc trong tác phẩm, nhưng dường như không được quảng bá rộng rãi như âm nhạc và điện ảnh. Các tác phẩm văn học nổi bật ít được dịch ra nhiều ngôn ngữ để có thể dễ dàng tiếp cận độc giả quốc tế. Chia sẻ về đời sống văn học trẻ đương đại ở Hàn Quốc, nhà văn Choi Eun Yeong cho biết, mối quan tâm dành cho văn học nói chung ở Hàn Quốc đang có dấu hiệu suy giảm. Tuy nhiên, trên thực tế vẫn còn những cộng đồng yêu văn chương và mong muốn được quảng bá rộng rãi.
Đồng cảm với chia sẻ của nhà văn Choi Eun Yeong, nhà văn trẻ Huỳnh Trọng Khang cho rằng, có sự trùng hợp trong bức tranh văn chương đương đại giữa Việt Nam và Hàn Quốc. Cây bút trẻ cho biết, nếu như ở Hàn Quốc lượng phát hành giảm từ 300.000 bản xuống còn 100.000, thì ở Việt Nam, nhiều tựa sách văn học chỉ còn phát hành dưới 1.000 bản. Song song với sáng tác, Huỳnh Trọng Khang hiện đang công tác trong lĩnh vực xuất bản, vì thế anh cho biết mỗi ngày nơi anh làm việc vẫn nhận được những bản thảo của tác giả trẻ. Điều này cho thấy tình yêu văn học vẫn còn rất nồng cháy trong lòng nhiều thế hệ.
Nói về sự kết nối hai chiều văn chương Việt - Hàn hiện nay, tất cả các diễn giả đều cho rằng chỉ đang nằm ở mức khiêm tốn. GS Kim Jae Yong cho biết, thuở ông còn cắp sách tới trường, văn học thế giới ở Hàn Quốc được gọi là “văn học nước ngoài”, nhưng dường như chỉ tập trung vào văn học các nước Anh, Mỹ, châu Âu và rất ít đề cập đến văn học các nước khác. Mãi đến khi trở thành người trực tiếp giảng dạy, nghiên cứu, ông mới được tiếp xúc nhiều hơn với văn học đến từ đa dạng các nền văn hóa. Theo đó, Tạp chí Văn học toàn cầu Hàn Quốc mà ông làm Tổng Biên tập vào số 22 (năm 2023) đã đặc biệt giới thiệu tên tuổi bốn nữ nhà văn Việt Nam, đó là: Nguyễn Ngọc Tư, Trịnh Bích Ngân, Lê Minh Khuê và Võ Thị Xuân Hà. Ông đánh giá cao sáng tác của bốn nữ nhà văn này và kỳ vọng việc nỗ lực giới thiệu tác phẩm của họ sẽ góp phần đưa văn học đương đại Việt Nam đến gần hơn với độc giả Hàn Quốc.
Để đi được đường dài
Thời gian gần đây, nhiều cơ hội “xuất khẩu” dành cho văn chương Việt Nam cũng như các quốc gia khác tại Hàn Quốc đã dần được mở ra. Tại buổi giao lưu, GS Kim Jae Yong cho biết, Hàn Quốc không chỉ chú trọng vào thị trường tiếng Anh mà còn quan tâm đến những thị trường khác trên thế giới, thông qua việc dịch các tác phẩm tiếng Hàn ra nhiều ngôn ngữ, trong đó có tiếng Việt. Đặc biệt, một điều mà Hàn Quốc kỳ vọng làm tốt hơn nữa là hỗ trợ cho các dịch giả, nhằm dịch thuật chuẩn xác nhất ngôn ngữ gốc lẫn ngôn ngữ đích. Song song với đó, các nhà văn xứ sở Kim chi đã chủ động giới thiệu tác phẩm của mình mà không còn quá phụ thuộc vào chính phủ. Đây cũng là hướng khác của Hàn Quốc so với nhiều nước trong khu vực, khi đa số chỉ tập trung vào giải Nobel Văn học.
Nhằm kết nối cũng như xây dựng mối quan hệ giữa văn hóa văn chương của Việt Nam và Hàn Quốc, các diễn giả Việt Nam đã chỉ ra những điểm tương đồng để giúp văn chương hai quốc gia có tiếng nói chung. Theo dịch giả Nguyễn Thị Hiền, nhìn vào những tác phẩm nổi bật của hai nước, ta thấy con người hiện lên trong cái bình đẳng chung, song cũng đậm tính cá nhân, vừa phổ quát cũng lại vừa rất bản sắc. Còn nhà văn trẻ Huỳnh Trọng Khang nhận định, có thể tìm thấy điểm chung trong sáng tác của nhà văn Hàn Quốc với tác giả từ nhiều quốc gia khác, đó là các chủ đề tình yêu, nhập cư, sự giao thoa của các nền văn hóa, quốc gia, dân tộc và “sau cùng thì văn học vẫn là nói về con người”.
Dịch giả Lê Đăng Hoan, người có nhiều năm chuyển ngữ tác phẩm văn học Hàn sang tiếng Việt và văn học Việt sang tiếng Hàn cho rằng, để hỗ trợ phát triển văn học và xa hơn nữa là đưa tác phẩm của tác giả Việt ra thế giới, không thể chỉ có những nỗ lực nhỏ lẻ, mà cần đến sự hậu thuẫn, giúp đỡ từ nhà nước. Điều này cần được làm một cách bài bản trong tất cả các khâu, từ tuyển chọn tác phẩm, dịch thuật, xuất bản cho đến phát hành. Theo ông, không thể chỉ có những tác phẩm in ra chỉ để dành tặng, giao lưu nội bộ, mà cần phải có sự giao lưu văn học hai chiều thì tác phẩm mới được phổ biến rộng rãi.
Kết thúc buổi giao lưu, Chủ tịch Hội Nhà văn TP.HCM Trịnh Bích Ngân nhận định, trong thời đại nối kết toàn cầu, không gian sáng tạo mở, việc tổ chức gặp gỡ, giao lưu giữa người sáng tác văn chương, nhà phê bình văn học, dịch giả của TP nói riêng và của cả nước nói chung với các đồng nghiệp quốc tế là hoạt động cần thiết, nhằm góp phần quảng bá văn học Việt Nam ra thế giới và ngược lại. Đây còn là một nhu cầu cấp thiết, bởi sứ mệnh văn chương là khám phá và nuôi dưỡng vẻ đẹp tâm hồn. Quảng bá văn chương chính là quảng bá cái đẹp cốt lõi của con người, của dân tộc và quốc gia!