Đánh thức thần đồng thơ ca
VHO - Bên cạnh những tác phẩm kinh điển, nổi tiếng, các tác giả và giới làm sách luôn dành sự quan tâm cho mảng thơ thiếu nhi, liên tục cho ra mắt ấn phẩm mới với chất lượng ngày càng cao. Điều này góp phần mang thơ ca đến với lớp trẻ nhiều hơn. Tuy nhiên trên thực tế, số người chuyên viết cho thiếu nhi còn hạn chế, và đặc biệt thiếu vắng hẳn những “thần đồng thơ”…
Thơ thiếu nhi trong bức tranh văn học Việt
Với giai điệu nhẹ nhàng, vần điệu vui tai, dung lượng ngắn gọn, thơ ca luôn có sức hút đặc biệt đối với trẻ nhỏ. Nhiều năm qua, những tác phẩm như Ai dậy sớm (Võ Quảng), Những bài thơ nho nhỏ (Phạm Hổ), Bầu trời trong quả trứng (Xuân Quỳnh), Góc sân và khoảng trời (Trần Đăng Khoa), Bài ca trái đất (Định Hải)... đã trở nên quen thuộc và được tái bản nhiều lần, là minh chứng cho sự yêu thích của độc giả dành cho mảng thơ ca thiếu nhi.
Có một thời gian, số lượng tác phẩm thơ thiếu nhi được xuất bản và đón nhận khá hạn chế, “lép vế” hẳn so với các dòng sách, đề tài khác. Trong bối cảnh ấy, vẫn xuất hiện những mảng sáng đầy ấn tượng như: Biển là trẻ con và Ngày xưa của con (Huỳnh Mai Liên), Phù thủy sợ ma (Thụy Anh), Ra vườn nhặt nắng (Nguyễn Thế Hoàng Linh), Xin chào những buổi sáng và Những chiếc ghế trong căn bếp nhỏ (Nguyễn Phong Việt), Gõ cửa nhà trời (Bảo Ngọc), Giấc mơ buổi sáng (Nguyễn Lãm Thắng), Chào thế giới, bây giờ con đã đến (Lê Minh Quốc)... Mỗi tác phẩm mang một phong cách riêng, khơi gợi trí tưởng tượng phong phú và gieo mầm những giá trị tốt đẹp trong tâm hồn trẻ thơ.
Sự xuất hiện của những tác phẩm thơ thiếu nhi chất lượng cũng khẳng định sức sống mãnh liệt của thể loại này trong bức tranh văn học Việt Nam. Qua đó cho thấy, giữa dòng chảy hiện đại, thơ ca thiếu nhi vẫn giữ vai trò quan trọng, góp phần nuôi dưỡng, bồi đắp đời sống tinh thần cho trẻ.
Theo các nhà nghiên cứu, điểm đặc biệt của văn học thiếu nhi, trong đó có thơ ca, là sự kết hợp hài hòa giữa tính nghệ thuật và tính giáo dục. Những bài thơ mang tính hướng thiện cao, ngôn ngữ giản dị, gần gũi với đời sống thường ngày, giúp các em dễ dàng tiếp nhận và thấu hiểu. Qua những vần thơ nhẹ nhàng, các em được khám phá thế giới thiên nhiên tươi đẹp, được tiếp thu những bài học đạo đức về tình yêu thương, sự sẻ chia, lòng dũng cảm... Thơ còn là cầu nối gắn kết thế hệ trẻ với truyền thống văn hóa dân tộc. Nhờ những bài ca dao, đồng dao, hò vè, các em được tìm hiểu về phong tục tập quán, lịch sử và vẻ đẹp quê hương, đất nước.
Bên cạnh những thành tựu đáng khích lệ, thơ thiếu nhi Việt Nam cũng đối mặt với không ít thách thức cần được giải quyết. Trong đó, đáng quan tâm là số tác giả chuyên viết cho các em còn khá ít. Bởi vậy, sau một thời gian trầm lắng, vừa qua, Hội Nhà văn Việt Nam đã có sáng kiến tổ chức Cuộc vận động sáng tác cho thiếu nhi, nâng cấp Ban Văn học thiếu nhi thành Hội đồng Văn học thiếu nhi. Các giải thưởng, sân chơi văn học thiếu nhi cũng giúp mảng đề tài này được duy trì, phát triển. Nhờ đó, lực lượng sáng tác cho các em nhỏ, đặc biệt là thơ ca cũng đông đảo, hùng hậu hơn.
Tạo điều kiện để tác giả nhỏ tuổi phát huy tài năng
Dù đã được quan tâm, nhưng trong một sự kiện trao Giải thưởng văn học nghệ thuật cho thiếu nhi mới đây, nhà thơ Trần Đăng Khoa bày tỏ trăn trở về tình trạng ngày càng hiếm hoi các tác phẩm thơ do chính trẻ em sáng tác: “Rất lâu rồi, không còn thấy những em nhỏ làm thơ nữa!”.
Lý giải cho những thiếu vắng, nhà thơ bày tỏ: “Chẳng có ai ăn thịt thần đồng cả, chỉ là các thần đồng chưa được đánh thức”. Để minh chứng cho điều này, nhà thơ Trần Đăng Khoa kể lại rằng, trong một chuyến đi đến các trường học để làm từ thiện, ông đã hướng dẫn học sinh cách gieo vần, làm thơ. Sau 15 phút, ông ra đề bài về biến đổi khí hậu cho các em học sinh tiểu học làm thơ ngay tại sân trường. Mặc dù đề bài là khá khó, nhưng nhà thơ Trần Đăng Khoa đã rất ấn tượng trước những câu thơ do các em nối ý, nối vần. Bởi thế, câu chuyện đã trôi qua nhiều năm nhưng vẫn thôi thúc ông tìm kiếm những hồn thơ trẻ.
“Bài thơ của học sinh ở Đắk Nông cho thấy trẻ em yêu thơ vẫn rất nhiều, nhưng làm sao đánh thức được các em, đấy mới là điều quan trọng. Tôi mong sao các nhà thơ nhí đoạt giải để tôi được bày tỏ lòng yêu mến của mình”, nhà thơ Trần Đăng Khoa nói.
Ông cũng bày tỏ mong muốn sẽ có nhiều hơn các tác giả thơ thiếu nhi giành giải thưởng. Tuy vậy, không phải các cuộc thi chỉ để phát hiện tài năng mà còn phải giữ gìn và phát huy được tài năng, tạo điều kiện để tài năng đó phát triển. Từ đó, các em có năng khiếu được bồi dưỡng, để sau này có thể trở thành cây bút viết về thiếu nhi, viết cho thiếu nhi đặc sắc. Và người nâng bước, truyền động lực cho các em là nhà trường, cha mẹ, các cấp quản lý, góp phần tạo điều kiện để tài năng nghệ thuật hoàn thiện, tỏa sáng.