Văn học đề tài chiến tranh và lực lượng vũ trang:

Từ ký ức hào hùng đến khát vọng nhân văn

HÀ AN

VHO - Viết về chiến tranh cách mạng và lực lượng vũ trang không đơn thuần là việc “trả nợ ký ức” hay phản ánh trải nghiệm thực tế của những người đã trực tiếp tham gia, mà đã trở thành một đề tài sâu sắc, tựa như những chiêm nghiệm về nhân sinh, luôn thu hút sự quan tâm của các thế hệ nhà văn.

 Đây không chỉ là việc ghi lại quá khứ mà còn là cách để soi rọi vào hiện tại, khám phá những giá trị tinh thần, lý tưởng và sức mạnh đoàn kết trong thời khắc cam go nhất của dân tộc…

Từ ký ức hào hùng đến khát vọng nhân văn - ảnh 1
Đề tài chiến tranh cách mạng và lực lượng vũ trang vẫn tiếp tục mạch chảy xuyên suốt với vai trò là một trong những mạch chủ lưu

 “Giải thiêng” hình tượng người lính

Có thể khẳng định, từ nửa cuối thế kỷ XX đến nửa đầu thế kỷ XXI, hình ảnh anh “Bộ đội Cụ Hồ” đã trở thành nhân vật trung tâm thành công nhất của văn học Việt Nam.

Đây là nhân vật hàm chứa khí phách, số phận của một giai đoạn, một thời đại và cả truyền thống cốt lõi người Việt với các đặc điểm căn bản như trí tuệ, lòng quả cảm, sự trung tín và lối ứng xử nghĩa tình...

Anh “Bộ đội Cụ Hồ” đã trở thành nhân vật tiêu biểu và đứng vào hệ thống các mẫu hình nhân vật tiêu biểu nhất của lịch sử xã hội Việt Nam từ trước tới nay.

Trong giai đoạn gần đây, các trào lưu, xu hướng giải trí đa dạng, phong phú phát triển ồ ạt, song văn học viết về đề tài chiến tranh cách mạng và lực lượng vũ trang vẫn tiếp tục là mạch chảy xuyên suốt với vai trò là một trong những mạch văn học chủ lưu, và trên thực tế, đó là mạch văn học có nhiều thành tựu nổi trội nhất.

Theo Đại tá, nhà văn Nguyễn Bình Phương, Tổng biên tập Tạp chí Văn nghệ Quân đội, điều đáng mừng là văn học viết về chiến tranh cách mạng và lực lượng vũ trang không chỉ dừng lại ở thế hệ các nhà văn trực tiếp tham gia, trực tiếp trải qua, mà có cả lớp nhà văn không qua chiến tranh cũng đam mê viết về đề tài này.

Như thế, đồng nghĩa với việc viết về chiến tranh cách mạng và lực lượng vũ trang không đơn thuần là “trả nợ ký ức” hay phản ánh, trình bày những trải nghiệm thực tế của người trong cuộc, mà đã tiến xa hơn, trở thành một đề tài hiển nhiên như mọi đề tài chiêm nghiệm nhân sinh khác mà mọi thế hệ nhà văn quan tâm.

Nhà văn Nguyễn Bình Phương cho rằng, chiến tranh đã được nhìn nhận bình tĩnh hơn, đa chiều hơn, tính chất của mổ xẻ, nghiền ngẫm, phân tích gia tăng, vì thế tạo ra giá trị riêng, nằm trên nền tảng của sự khách quan, tỉnh táo mà người viết cần phải có.

“Vì thế, ta sẽ thấy văn học về chiến tranh cách mạng không chỉ tụng ca người chiến thắng mà còn nói tới những hy sinh, tổn thất của họ. Ta sẽ thấy kẻ thù không phải những kẻ hèn nhát, xuẩn ngốc… mà cũng hết sức mưu lược, phức tạp, có trí tuệ và mang lý tưởng riêng”, Tổng biên tập Tạp chí Văn nghệ Quân đội nhận xét.

Hiện nay, với các yêu cầu nhiệm vụ mới, vai trò, vị trí của lực lượng vũ trang cũng như hình ảnh và phẩm chất của anh “Bộ đội Cụ Hồ” đã có những biến chuyển, vì thế đòi hỏi một cảm quan nghệ thuật mới phù hợp hơn để khắc họa cho chính xác; và trên thực tế, đang hình thành một diện mạo văn học mới viết về đề tài chiến tranh cách mạng từ các nhà văn trẻ trong quân đội và cả ngoài quân đội.

Chỉ riêng ở mảng trường ca và thể loại ký văn học, đã có hàng loạt tác phẩm chất lượng từ các cây bút trẻ trưởng thành trong thời bình: Tâm tình lính biển nhắn với chim hải âu (ký văn học của Nguyễn Mạnh Thường); Biên khu Việt Quế (tiểu thuyết của Phạm Vân Anh); Tôi đi Trường Sa (ký văn học của Đinh Phương); Sóng trầm biển dựng (trường ca của Đoàn Văn Mật); Nước non mặt biển (trường ca của Nguyễn Quang Hưng); Trường Sa trong mắt trong (ký văn học của Nguyễn Mạnh Hùng)...

Qua sáng tác của các nhà văn trẻ tài năng, có thể thấy hình ảnh anh “Bộ đội Cụ Hồ” vẫn đang giữ vị trí là một trong những nhân vật trung tâm, nhưng ở ý thức nghệ thuật khác: Hình ảnh người lính đã được nhìn nhận cởi mở hơn, đa chiều, phù hợp hơn với tinh thần thời đại.

Đồng quan điểm, Thiếu tướng, nhạc sĩ Đức Trịnh, Chủ tịch Hội Nhạc sĩ Việt Nam cho rằng: “Hình tượng anh Bộ đội Cụ Hồ đến bây giờ vẫn đang được khắc họa một cách rất đậm nét và là đề tài luôn luôn được sáng tạo. Tuy chiến tranh đã lùi xa nhưng những người lính không chỉ là lực lượng sẵn sàng bảo vệ Tổ quốc, sẵn sàng chiến đấu, mà còn sẵn sàng hy sinh, giúp dân khắc phục thiên tai, bão lũ và là một đội quân xây dựng, tiên phong trong đổi mới sáng tạo. Đây là hình tượng cần được tôn vinh, để mọi người noi theo và trân trọng những giá trị tốt đẹp”...

Từ ký ức hào hùng đến khát vọng nhân văn - ảnh 2
Xuất hiện nhiều tác phẩm có chất lượng của các cây bút trẻ trưởng thành trong thời bình

Khích lệ đội ngũ người viết trẻ

Tuy nhiên, càng ngày mạch văn học chiến tranh cách mạng và lực lượng vũ trang càng phải đối diện với những thách thức của thời cuộc, như sự phân tán của các vấn đề trung tâm trong xu thế vận động phát triển xã hội toàn diện, dẫn tới sự phân tán về mẫu nhân vật.

Mặt khác, thế hệ nhà văn qua chiến tranh đã có tuổi, sức sáng tạo giảm sút, còn nhà văn trẻ vốn đã khan hiếm, lại bị hạn chế vốn sống, vốn trải nghiệm thực tế nên dẫn đến sự giảm sút, hẫng hụt đội ngũ sáng tác văn học trong quân ngũ. Đây là những thách thức lớn, rất căn bản mà nhà văn Nguyễn Bình Phương chỉ ra.

Chia sẻ về thách thức này, Đại tá, NSƯT Lê Thị Mai Phương, Giám đốc Nhà hát Kịch nói Quân đội cho biết: Đề tài lực lượng vũ trang, chiến tranh cách mạng, hình tượng “Bộ đội Cụ Hồ” có sức hút rất lớn đối với các tác giả sân khấu và sự quan tâm của các lãnh đạo và một số đơn vị nghệ thuật cả hai miền Nam - Bắc.

Những nghệ sĩ sân khấu quân đội luôn trăn trở phải làm gì và làm như thế nào để có nhiều tác phẩm đặc sắc hơn nữa về đề tài lực lượng vũ trang, chiến tranh cách mạng, nhất là hình tượng người lính Cụ Hồ hôm nay để tri ân, ngợi ca, tôn vinh, lan tỏa những phẩm chất tốt đẹp của họ trong thời kỳ mới.

“Tuy nhiên, có bột mới gột nên hồ, có kịch bản tốt thì mới có vở diễn hay. Với sự miệt mài tìm tòi, trăn trở, tâm huyết sáng tạo, đi sâu tìm hiểu về người lính, các tác giả đều mong muốn đứa con tinh thần của mình được hiện diện trên sân khấu, được lan tỏa, được truyền tải đến công chúng. Nhưng chúng tôi nhận thấy, các tác phẩm về chủ đề hậu chiến, người lính ngày hôm nay chưa có nhiều, ít tác giả đi sâu, đặc biệt là người viết trẻ”, NSƯT Lê Thị Mai Phương bày tỏ.

Để mạch văn học về đề tài chiến tranh cách mạng và lực lượng vũ trang được duy trì và phát triển, đòi hỏi cần nhiều sự quan tâm, đầu tư thích đáng mang tính chiến lược.

Theo nhà văn Nguyễn Bình Phương, cần sự quy hoạch có chiều sâu và dài hạn trong việc chủ động đào tạo nguồn nhân lực sáng tác trong quân đội. Cần quan tâm tốt hơn nữa đến việc tạo điều kiện cho đội ngũ các nhà văn đang tại ngũ, đặc biệt cần có cơ chế, chính sách đặc thù để họ phát huy được tài năng một cách triệt để nhất, từ đó gắn bó lâu dài với quân đội.

Bên cạnh đó, cần sự đầu tư nhất định trong việc quảng bá, phát hành, lan tỏa tác phẩm văn học chiến tranh cách mạng và lực lượng vũ trang có giá trị tới công chúng, không chỉ trong quân đội mà với độc giả cả nước và người nước ngoài, thông qua việc giới thiệu dịch cũng như chủ động dịch.

“Khi giới thiệu một tác phẩm văn học có chất lượng về đề tài chiến tranh cách mạng và lực lượng vũ trang ra độc giả quốc tế, cũng đồng nghĩa với việc quảng bá về sức mạnh truyền thống của Quân đội Nhân dân Việt Nam”, nhà văn Nguyễn Bình Phương khẳng định.