50 năm VHNT Việt Nam:
Khơi dậy mạnh mẽ tinh thần tự chủ, tự hào dân tộc, đưa đất nước vững bước vào kỷ nguyên mới
VHO - Từ kết quả đạt được 50 năm qua, VHNT nước nhà đã và đang góp phần khơi dậy mạnh mẽ tinh thần tự chủ, tự tin, tự lực, tự cường, tự hào dân tộc, đưa đất nước ta vững bước vào kỷ nguyên mới.
Đó là tinh thần chỉ đạo của Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo và Dân vận Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa tại Hội thảo khoa học quốc gia: 50 năm nền văn học, nghệ thuật (VHNT) Việt Nam sau ngày thống nhất đất nước (30.4.1975- 30.4.2025) - những vấn đề đặt ra và định hướng phát triển, diễn ra chiều ngày 18.4, tại Hà Nội.

Hội thảo do Viện Hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Ban Tuyên giáo và Dân vận Trung ương, Bộ VHTTDL, Liên hiệp các Hội VHNT Việt Nam phối hợp tổ chức.
Dự và chủ trì Hội thảo có: Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo và Dân vận Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa; PGS.TS. Nguyễn Duy Bắc, Phó Giám đốc thường trực Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh; TS. Phan Chí Hiếu, Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam; TS Đinh Thị Mai, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo và Dân vận Trung ương; PGS.TS Tạ Quang Đông, Thứ trưởng Bộ VHTTDL; PGS.TS. Vũ Trọng Lâm, Tổng Biên tập Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật; PGS.TS, nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân, Chủ tịch Liên hiệp các Hội VHNT Việt Nam.
Tham dự Hội thảo còn có các đồng chí Ủy viên Trung ương Đảng, lãnh đạo các Ban, Bộ, ngành Trung ương và địa phương, các nhà khoa học, các văn nghệ sĩ.
Hiện thực hóa khát vọng phát triển đất nước
Phát biểu đề dẫn Hội thảo, PGS.TS Nguyễn Duy Bắc, Phó Giám đốc thường trực Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh cho biết: VHNT luôn giữ một vai trò đặc biệt trong suốt chiều dài lịch sử dân tộc. Sau ngày đất nước thống nhất, nền VHNT Việt Nam bước sang một giai đoạn mới - giai đoạn sáng tạo trong hòa bình, xây dựng và phát triển đất nước. VHNT tiếp tục là cầu nối thiêng liêng gắn kết hàng triệu con người Việt Nam, dù đang sống trên quê hương hay ở khắp năm châu, thành một khối đại đoàn kết vững chắc.

Nhìn lại chặng đường 50 năm qua, PGS.TS Nguyễn Duy Bắc cho rằng, VHNT nước nhà đã kế thừa xứng đáng truyền thống của một nền VHNT “yêu nước và nhân văn, gắn bó máu thịt với nhân dân và dân tộc”; đồng thời, cùng sự tiếp sức mạnh mẽ từ tư tưởng đổi mới, VHNT đã nỗ lực vươn lên, phát triển toàn diện, phản ánh và góp phần hiện thực hóa khát vọng phát triển đất nước.
PGS.TS Nguyễn Duy Bắc chia VHNT Việt Nam 50 năm qua thành các giai đoạn gồm: Giai đoạn 1975–1986, VHNT đã góp phần hàn gắn vết thương chiến tranh, hun đúc niềm tin và khơi dậy khát vọng kiến thiết cuộc sống mới; tập trung phản ánh hiện thực sau chiến tranh, ngợi ca chiến thắng vĩ đại của dân tộc, tri ân sâu sắc những người con đã hy sinh cho độc lập, tự do của Tổ quốc.
Giai đoạn 1986–2000, diện mạo VHNT trở nên phong phú về đề tài, chủ đề, về nội dung tư tưởng và hình thức thể hiện. Đây là giai đoạn đánh dấu sự hình thành của một nền VHNT đổi mới, đa dạng về khuynh hướng, bút pháp, phong cách và giọng điệu, phản ánh cuộc sống nhiều màu sắc, thanh âm, dân chủ, giàu tính nhân văn.
Từ năm 2000 đến nay, VHNT không chỉ mở rộng không gian sáng tạo mà còn thay đổi về bản chất phương thức thể hiện, xuất hiện nhiều hình thức nghệ thuật mới: Văn học mạng, phim ảnh trực tuyến, nghệ thuật đa phương tiện...
Tuy nhiên, PGS.TS Nguyễn Duy Bắc thẳng thắn chỉ ra một số hạn chế: VHNT đương đại vẫn thiếu vắng những tác phẩm có giá trị tư tưởng và nghệ thuật cao, tương xứng với tầm vóc công cuộc Đổi mới do Đảng ta khởi xướng, lãnh đạo và chiều sâu văn hóa - lịch sử của dân tộc. Một bộ phận sáng tác còn xa rời hiện thực, chạy theo thị hiếu dễ dãi, thiên về thương mại, giải trí, thiếu bản lĩnh chính trị - tư tưởng.

Đội ngũ văn nghệ sĩ có vốn sống phong phú và chiều sâu tư tưởng đang dần lui vào hậu trường do tuổi tác, sức khỏe; trong khi đó, lực lượng trẻ tuy năng động, sáng tạo, tiếp cận nhanh với cái mới nhưng lại thiếu chiều sâu trải nghiệm và định hướng giá trị vững chắc.
Các quy định, mô hình quản lý truyền thống chưa bắt nhịp được với đặc thù sáng tạo mới, khiến không gian phát triển của VHNT vẫn còn không ít ràng buộc và bị động.
Theo PGS.TS Nguyễn Duy Bắc, BTC Hội thảo đề nghị các nhà khoa học, các văn nghệ sĩ và các đại biểu tập trung thảo luận một số vấn đề: Phân tích bối cảnh lịch sử, xã hội tác động đến sự phát triển của nền VHNT Việt Nam trong 50 năm qua; Đánh giá khách quan, toàn diện thực trạng của VHNT 50 năm qua.
Đề xuất các giải pháp cụ thể, thiết thực để phát triển nền VHNT Việt Nam trong bối cảnh mới; Góp ý cho việc hoàn thiện chủ trương, chính sách phát triển VHNT phù hợp với đặc thù sáng tạo và yêu cầu của thời đại.
Các tham luận tại Hội thảo tập trung theo 4 phần gồm: Bối cảnh lịch sử tác động đến nền VHNT Việt Nam 50 năm qua; Thực trạng nền VHNT Việt Nam 50 năm sau ngày thống nhất đất nước; Những vấn đề đặt ra đối với nền VHNT Việt Nam trong giai đoạn hiện nay; Nhiệm vụ, giải pháp phát triển VHNT Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
138 tham luận đến từ nhà khoa học, chuyên gia, nhà nghiên cứu, các đồng chí lãnh đạo, quản lý trên lĩnh vực văn hóa, VHNT ở các cơ quan Trung ương và địa phương đã đề cập, phản ánh nhiều vấn đề, từ bối cảnh lịch sử, văn hóa, đến sự phát triển, kết quả và những đóng góp của nền văn học, nghệ thuật Việt Nam 50 năm từ sau ngày thống nhất đất nước; đồng thời nêu những khuyến nghị, giải pháp nhằm tiếp tục xây dựng nền VHNT Việt Nam ngày càng phát triển, góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu trong kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam.
Tại Hội thảo, PGS. TS. Bùi Hoài Sơn, Ủy viên chuyên trách, Ủy ban Văn hóa và Xã hội cho rằng, mặc dù hệ thống thể chế, chính sách phát triển VHNT ở Việt Nam đã có nhiều bước tiến quan trọng, nhưng vẫn còn tồn tại những hạn chế và thách thức đáng kể như: Nguồn lực đầu tư cho VHNT còn hạn chế; Chính sách bảo vệ quyền tác giả chưa thực sự hiệu quả; Cơ chế quản lý VHNT còn thiếu linh hoạt.

Những bất cập này không chỉ ảnh hưởng đến sự phát triển của ngành VHNT mà còn làm giảm sức lan tỏa của các giá trị văn hóa Việt Nam trong nước và quốc tế.
Theo ông Bùi Hoài Sơn, cần tăng cường đầu tư và đổi mới cơ chế tài trợ cho VHNT; Hoàn thiện hệ thống pháp luật về quyền tác giả và bảo vệ bản quyền; Đổi mới cơ chế quản lý theo hướng linh hoạt, cởi mở hơn với sáng tạo; Thúc đẩy công nghiệp văn hóa và ứng dụng công nghệ số trong VHNT.
Hoạch định cơ chế, chính sách phù hợp, hiệu quả cho sáng tạo VHNT
Phát biểu kết luận Hội thảo, Trưởng Ban Tuyên giáo và Dân vận Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa nhận định: Hội thảo đã tập trung làm rõ tác động của bối cảnh lịch sử, văn hóa mới đối với sự vận động, phát triển của nền VHNT Việt Nam 50 năm từ sau ngày thống nhất đất nước.
Các tham luận đã phân tích, đánh giá thực trạng, khẳng định những kết quả quan trọng đạt được; đồng thời chỉ ra hạn chế, bất cập và những vấn đề đặt ra đối với nền văn học, nghệ thuật Việt Nam 50 năm qua.
Trên cơ sở đánh giá thực trạng, dự báo xu hướng phát triển, Hội thảo đã đề xuất nhiệm vụ, giải pháp phát triển văn học, nghệ thuật Việt Nam trong kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.

Theo ông Nguyễn Trọng Nghĩa, để phát huy vai trò, đóng góp của VHNT và đội ngũ văn nghệ sĩ, phấn đấu sáng tạo nhiều tác phẩm có giá trị cao về tư tưởng và nghệ thuật, Hội thảo thống nhất những nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm:
Nâng cao nhận thức của các cấp ủy, tổ chức đảng, cán bộ, đảng viên, đội ngũ văn nghệ sĩ và nhân dân về vị trí, vai trò, sứ mệnh của VHNT trong kỷ nguyên mới.
Xác định rõ VHNT là lĩnh vực rất quan trọng, đặc biệt tinh tế của văn hóa; là nhu cầu thiết yếu, thể hiện khát vọng chân, thiện, mỹ của con người; là một trong những động lực to lớn trực tiếp góp phần xây dựng nền tảng tinh thần của xã hội, sự phát triển toàn diện của con người Việt Nam; là nguồn lực quan trọng, trực tiếp thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.
Thể chế hóa quan điểm, đường lối, định hướng của Đảng; nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước; tiếp tục điều chỉnh, bổ sung chính sách xây dựng và phát triển VHNT bảo đảm đồng bộ, hiệu quả.
Thực hiện tốt công tác quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, bố trí đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý, tham mưu trong lĩnh vực VHNT. Đổi mới căn bản, toàn diện chính sách phát hiện, đào tạo, bồi dưỡng, sử dụng, đãi ngộ và tôn vinh tài năng VHNT, tạo bước đột phá về phát triển đội ngũ văn nghệ sĩ.
Tạo mọi điều kiện thuận lợi để văn nghệ sĩ thâm nhập, bám sát thực tiễn sôi động của đất nước, đồng hành, gắn bó máu thịt với công cuộc lao động, sáng tạo của nhân dân.

Đẩy mạnh ứng dụng khoa học, công nghệ, chuyển đổi số trong lĩnh vực VHNT. Sử dụng tổng hợp chính sách pháp lý và chính sách kinh tế, thúc đẩy thị trường VHNT phát triển đồng bộ, bền vững và lành mạnh. Tăng cường nguồn lực Nhà nước đầu tư cho phát triển VHNT; đồng thời đẩy mạnh xã hội hóa, thu hút hiệu quả các nguồn lực cho phát triển VHNT.
Thúc đẩy sự phát triển của lĩnh vực nghiên cứu, lý luận, phê bình VHNT. Tiếp tục nghiên cứu, xây dựng và hoàn thiện hệ thống lý luận văn nghệ và hệ giá trị VHNT Việt Nam.
Đẩy mạnh giao lưu, hợp tác quốc tế trong lĩnh vực VHNT. Phát huy nội lực nền VHNT dân tộc làm căn bản; tăng cường tính chủ động, phối hợp đồng bộ giữa các cơ quan trong hệ thống chính trị; tổ chức lựa chọn và thẩm định chặt chẽ các tác phẩm đưa vào Việt Nam và các tác phẩm quảng bá ra nước ngoài. Xây dựng quy hoạch, kế hoạch tổng thể về giao lưu, hợp tác quốc tế về VHNT...
Thực hiện chủ trương sắp xếp tổ chức, đổi mới phương thức, nâng cao chất lượng hoạt động của các tổ chức hội VHNT, đảm bảo tinh gọn, chuyên nghiệp, hoạt động hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả.
Phát huy vai trò tập hợp, đoàn kết, phát hiện, bồi dưỡng tài năng, nhất là tài năng trẻ; định hướng tư tưởng và bồi dưỡng phẩm chất chính trị, chuyên môn, nghiệp vụ cho văn nghệ sĩ, phấn đấu có nhiều tác phẩm thật sự xuất sắc, có giá trị cao, ngang tầm với sự nghiệp cách mạng của Đảng, với sự tin tưởng của Đảng, Nhà nước, sự kỳ vọng của nhân dân.
Trưởng Ban Tuyên giáo và Dân vận Trung ương đề nghị, từ kết quả của Hội thảo, các cấp, các ngành, địa phương, cơ quan, đơn vị, đội ngũ các nhà nghiên cứu, lý luận, phê bình và văn nghệ sĩ cả nước tiếp tục quan tâm, triển khai đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp đề ra; thực hiện có hiệu quả các nghị quyết, chỉ thị của Đảng, nhất là các nội dung Nghị quyết Đại hội XIV tới đây về văn hóa, VHNT.
Các nhà khoa học, chuyên gia, nhà lý luận, phê bình tiếp tục nghiên cứu, nhận diện đầy đủ hơn nữa quy luật và các xu hướng vận động; đặc biệt đi sâu phân tích những khó khăn, vướng mắc và đề xuất giải pháp phát huy những kết quả đã đạt được, tiếp tục xây dựng và phát triển nền VHNT Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, thấm nhuần tinh thần dân tộc, dân chủ, nhân văn và khoa học.
Đội ngũ văn nghệ sĩ và các nhà hoạt động VHNT bám sát hơn nữa, đắm mình vào thực tiễn sinh động của đất nước, phát huy trách nhiệm xã hội, nghĩa vụ công dân, khám phá và sáng tạo, không ngừng mở rộng phạm vi, chiều sâu chiếm lĩnh hiện thực; phấn đấu sáng tạo nhiều hơn nữa những tác phẩm hấp dẫn, sâu sắc về nội dung tư tưởng, mới mẻ về hình thức.
Các ban, bộ, ngành Trung ương và các địa phương tiếp tục quán triệt đầy đủ, sâu sắc và thực hiện hiệu quả các nghị quyết của Đảng về văn hóa, VHNT và những ý kiến chỉ đạo quan trọng của đồng chí Tổng Bí thư Tô Lâm tại Hội nghị gặp mặt đại biểu văn nghệ sĩ toàn quốc, ngày 30/12/2024.

Đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao hơn nữa nhận thức về vị trí, vai trò rất quan trọng của VHNT, nêu cao tinh thần trách nhiệm, có những quyết sách phù hợp, tạo động lực cho đội ngũ văn nghệ sĩ sáng tạo và cống hiến.
Trong quá trình thể chế hóa các quan điểm, chủ trương của Đảng thành luật, hệ thống cơ chế, chính sách cần bảo đảm tính đồng bộ, khoa học, sát thực tế; đảm bảo tự do sáng tạo, cải thiện điều kiện làm nghề, thúc đẩy tiềm năng sáng tạo của đội ngũ văn nghệ sĩ.
Tiếp tục xây dựng các cơ chế cung cấp thông tin, lắng nghe ý kiến phản biện; đảm bảo cho văn nghệ sĩ nắm vững, thấm nhuần quan điểm, đường lối, định hướng của Đảng, chính sách của Nhà nước, từ đó củng cố niềm tin, thống nhất nhận thức và chung sức, đồng lòng triển khai thực hiện; đồng thời kịp thời hoạch định cơ chế, chính sách phù hợp, hiệu quả cho hoạt động sáng tạo và quảng bá các tác phẩm văn học, nghệ thuật có giá trị đến với công chúng trong nước và bạn bè quốc tế.
Trưởng Ban Tuyên giáo và Dân vận Trung ương cũng đề nghị, ngay sau Hội thảo, BTC và các cơ quan báo chí, truyền thông tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, lan tỏa sâu rộng kết quả Hội thảo, gắn với tuyên truyền đồng bộ về các hoạt động tổng kết 50 năm nền VHNT Việt Nam sau ngày thống nhất đất nước bằng nhiều hình thức phong phú, sinh động, hiện đại.
“Tập trung phản ánh đậm nét nội dung, ý nghĩa, thành tựu của VHNT và vai trò, đóng góp của đội ngũ văn nghệ sĩ nước nhà; giới thiệu đến công chúng những tác phẩm VHNT tiêu biểu, xuất sắc 50 năm qua, góp phần khơi dậy mạnh mẽ tinh thần tự chủ, tự tin, tự lực, tự cường, tự hào dân tộc, đưa đất nước ta vững bước vào kỷ nguyên mới”, ông Nguyễn Trọng Nghĩa nhấn mạnh.