Triển lãm “Khép hờ đôi mắt”: Cuộc đối thoại âm thầm của người nghệ sĩ

THÙY TRANG

VHO - Tối 6.11, tại Hội Mỹ thuật TP.HCM đã khai mạc triển lãm tranh chủ đề “Khép hờ đôi mắt” của họa sĩ Trần Văn Nam.

Triển lãm “Khép hờ đôi mắt”: Cuộc đối thoại âm thầm của người nghệ sĩ - ảnh 1
Các tác phẩm tại triển lãm

“Khép hờ đôi mắt” là thông điệp ẩn chứa nhiều suy tưởng và biểu thị của tâm hồn sâu lắng, từ sự mơ màng, trầm tư đến niềm e ấp, quyến rũ.

Trong văn học, nghệ thuật, hay đời thường, đôi mắt ấy mở ra thế giới nội tâm phong phú, nơi mà những điều không thể diễn đạt bằng lời lại được gợi lên thoáng trong một ánh nhìn.

Họa sĩ Trần Văn Nam, người con của vùng đất Gia Lai, vùng đất đại ngàn đã dệt nên trong anh một khí chất phong trần và mộc mạc. Tốt nghiệp Trường ĐH Mỹ thuật TP.HCM năm 2016, Nam bước vào hành trình nghệ thuật như tìm đến con đường khám phá nội tâm, với một tâm hồn luôn dạt dào xúc cảm.

Nam sống động như chính những tác phẩm của mình. Ít nói và trầm tư, nhưng khi cầm cọ, dường như mỗi nét vẽ, mỗi sắc màu đều bùng lên sức sống mãnh liệt, phản chiếu một sự hiện hữu không thể chối từ.

Với anh, nghệ thuật không chỉ là phương tiện biểu đạt, mà còn là cuộc gặp gỡ thiêng liêng giữa vinh quang nội tâm và thế giới ngoại cảnh luôn khơi gợi những rung cảm mới.

Trong từng bức tranh, anh không chỉ kể câu chuyện riêng mà còn mở ra cánh cửa để người xem chạm vào những gì anh đã thấy, đã cảm nhận, như thể họ được dẫn dắt vào một cuộc hành trình qua ánh mắt và trái tim của anh.

Qua nghệ thuật, Nam chia sẻ một cái nhìn từ sâu thẳm tâm hồn, nơi mà anh đã dày công nghiên cứu cũng như không ngừng khám phá và tái hiện thiên nhiên, con người, sự vật sự việc đang ngày càng đổi thay.

Triển lãm “Khép hờ đôi mắt”: Cuộc đối thoại âm thầm của người nghệ sĩ - ảnh 2
Không gian triển lãm tại Hội Mỹ thuật TP.HCM

Những mảng màu trượt dài, kết cấu nhiều lớp, mỗi chi tiết đều là sự sắp đặt tinh tế, đưa người xem vào một cuộc khám phá trừu tượng về môi trường quanh ta. Anh vẽ nên những cảnh quan không chỉ để nhìn mà còn để cảm, khiến chúng ta ý thức hơn về vẻ đẹp mong manh, phức tạp và không ngừng biến đổi của thế giới xung quanh.

Trong những ngày dài của đại dịch Covid-19, khi thế giới ngoài kia lặng yên và ngưng đọng, Nam tìm thấy mình trong một sự cô đơn trọn vẹn, đối diện với chính bản thân và những mảnh ghép còn bỏ ngỏ của tâm hồn.

Anh chia sẻ: “Khoảng thời gian ấy mang đến cho tôi những trải nghiệm rất đặc biệt. Một nỗi cô đơn sâu thẳm nhưng cũng đầy khát khao kết nối tâm linh”. Không có tiếng nói, không có sự chia sẻ, chỉ còn lại anh với đứa con trai nhỏ và những bức tranh lặng lẽ nhưng mang trong mình sức nặng của cả tâm hồn người họa sĩ.

Những ngày ấy, Nam tìm đến hội họa và thiền định như một chốn trú ẩn, nơi anh có thể lặng lẽ thì thầm với chính mình, để từng nét cọ trở thành tiếng nói cho nỗi cô đơn, lạc lõng ấy.

Triển lãm “Khép hờ đôi mắt”: Cuộc đối thoại âm thầm của người nghệ sĩ - ảnh 3

Triển lãm “Khép hờ đôi mắt” là kết quả của quá trình tự vấn và chiêm nghiệm ấy, một dấu mốc quan trọng, như bước chuyển mình của anh trên hành trình tìm lại bản ngã.

Có lẽ, sau thời gian dài sống khép mình, ký ức của Nam về cuộc đời dần trở nên mờ nhạt, méo mó, như một giấc mơ lẩn khuất.

Anh chọn sơn dầu, nhưng với lối vẽ mờ nhòa, bỏ đi những đường nét cụ thể, tạo nên không gian huyền ảo để kể câu chuyện của mình.

Mỗi lớp sơn, mỗi kết cấu, từ những mảng màu đậm nhạt đến những lớp sơn dày gồ ghề, như muốn khắc họa lại nhịp sống của mình đã từng có.

Đó có thể là những hạt mưa rơi nhẹ nhàng hay từng giọt nước lấp ló trên nền cây cỏ xanh tươi, tạo thành một bức tranh mà khi nhìn kỹ, ta thấy mờ nhòe nhưng ẩn chứa ánh sáng trong trẻo.

Triển lãm “Khép hờ đôi mắt”: Cuộc đối thoại âm thầm của người nghệ sĩ - ảnh 4

Hoặc là bức chân dung dày đặc xúc cảm, khó có thể rời mắt trước sự “trơn trượt” và “dịch chuyển” trong từng nét vẽ… Những bức tranh ấy không chỉ là cảnh sắc, mà còn là cuộc đối thoại âm thầm của người nghệ sĩ.

Triển lãm diễn ra từ ngày 6-11.11.2024, tại Hội Mỹ thuật TP.HCM.