Triển lãm “Gặp gỡ mùa Thu” sẽ trích một phần ủng hộ đồng bào phía Bắc

THÙY TRANG

VHO - Cuộc triển lãm mang tên “Gặp gỡ mùa Thu” của các họa sĩ Ngô Đăng Hiệp, Nguyễn Thị Ngọc Ánh, Hà Văn Chúc, Đoàn Tuyên, Trần Trọng Đạt diễn ra tại Bảo tàng Mỹ thuật TP.HCM vào ngày 20.9 tới đây sẽ trích một phần doanh thu chia sẻ với đồng bào phía Bắc bị bão lụt.

Triển lãm “Gặp gỡ mùa Thu” sẽ trích một phần ủng hộ đồng bào phía Bắc - ảnh 1
Các họa sĩ (từ trái qua): Đoàn Tuyên, Hà Văn Chúc, Ngô Đăng Hiệp, Trần Trọng Đạt, Nguyễn Thị Ngọc Ánh

PGS.TS Phan Thanh Bình (Trường ĐH Nghệ thuật Huế) nhận định: “Là triển lãm của nhóm 5 họa sĩ thuộc hai thế hệ, nhưng họ không làm cho công chúng quá chú ý về khoảng cách tuổi nghề, bởi họ gắn kết từ những điểm chung của sự say nghề với những cảm xúc dạt dào không dấu kín.

Tranh của họ rất khác nhau ở sắc màu với những nét mỹ cảm riêng lắng đọng và không khó để nhận diện mỗi người trong đó.

Hơn nữa, mỗi người là một hướng đi, mỗi âm sắc, bút pháp và sự khác biệt, điều đó cho thấy những tìm kiếm sáng tạo là trăn trở, khắc khoải của cả cuộc đời để không dẫm theo lối mòn sẵn có nào đó.

Triển lãm “Gặp gỡ mùa Thu” sẽ trích một phần ủng hộ đồng bào phía Bắc - ảnh 2
Tác phẩm "Festival Hạ Long" của họa sĩ Trần Trọng Đạt

Tranh của Ngô Đăng Hiệp sau bao năm tháng đã định hình theo phong cách của anh, với sự trong trẻo, nền nã, tận tâm trong sáng tạo. Tranh của Đoàn Tuyên, Trọng Đạt, Hà Văn Chúc, Nguyễn Thị Ngọc Ánh vừa có những sự gần nhau ở tư duy khám phá, sự mạnh bạo có phần quyết liệt, vừa có cả sự rụt rè, ẩn mình trong mỗi nét mảng hình sắc đang trên đường tìm kiếm và khẳng định.

Chính điều đó làm cho phòng tranh trở nên rất gần gũi, chân tình và có cả sự khiêm nhường của những người luôn tự tin vươn về phía trước”.

Giám tuyển Ngô Kim Khôi nhận định: “Ngôn ngữ hội họa của Ngô Đăng Hiệp là sự rực rỡ của sắc màu. Ngắm tranh của Hiệp, điều đầu tiên đập vào mắt người xem là ngàn tia lóng lánh mà nơi đó màu nóng lên ngôi.

Triển lãm “Gặp gỡ mùa Thu” sẽ trích một phần ủng hộ đồng bào phía Bắc - ảnh 3
"Lên nương" của Ngô Đăng Hiệp

Chúng ta cảm thấy con tim rạo rực hòa bản đồng ca hạnh phúc trước Bến Xuân tràn ngập cỏ hoa, đưa chúng ta về nơi chốn có những giấc mơ tươi đẹp bình yên của mùa Thu mơ màng trong ánh vàng óng ả, Chiều trung du với màu đất ửng đỏ vào buổi hoàng hôn, hay Ngô đồng trổ hoa vươn mình trong sắc vàng bảng lảng…

Nếu có những tác phẩm mà Hiệp dùng chủ đạo là màu lạnh, xanh dương, lá cây, hay tím hoa cà ửng hồng…, thì ta vẫn thấy bàng bạc niềm vui nhuốm chút bâng khuâng như trong Suối mai, lãng đãng lắng xuống lòng cái yên bình của Đêm Xuân… Mỗi tác phẩm của Ngô Đăng Hiệp là sự độc thoại với chính mình, khám phá những sâu kín trong tâm tưởng…”.

Triển lãm “Gặp gỡ mùa Thu” sẽ trích một phần ủng hộ đồng bào phía Bắc - ảnh 4
"Nguyện cầu" của Trần Trọng Đạt

“Trong khi đó, bầu trời của Trần Trọng Đạt là những kỷ niệm chập chùng trong tâm tưởng, ùa về đan xen nhau bằng ngôn ngữ của màu sắc. Những bóng dáng tưởng chừng xa lắm nay bỗng qua nét cọ trở về trên tranh, và hiện rõ cùng một lúc câu cười tiếng nói của quá khứ.

Như trong tác phẩm Gặp gỡ mùa Thu, diễn tả cảm xúc của những gương mặt thầy trò ngày xưa thân ái, là cả một khung trời kỷ niệm và tình cảm thắm thiết học đường. Đây cũng chính là tiêu đề của buổi triển lãm”, giám tuyển cho biết.

Phong cảnh trong tranh của Đạt là những nơi chốn đi qua, vô tình để lại dấu ấn trong tâm tưởng, rồi trong một khoảnh khắc nào đó lại trở về trên tranh.

Triển lãm “Gặp gỡ mùa Thu” sẽ trích một phần ủng hộ đồng bào phía Bắc - ảnh 5
Tranh "Dã quỳ" của Hà Văn Chúc

Theo giám tuyển Ngô Kim Khôi, trong sự êm đềm tĩnh lặng, tranh của Hà Văn Chúc lưu luyến trải dài miền đất đi qua, tràn đầy tính giản dị mà thấm thía, diễn tả bằng màu sắc nhẹ nhàng. Những miền đất ấy có thể là vùng đất lạ nhưng từ nơi đó đã gieo duyên gặp gỡ.

“Thế giới hội họa của Đoàn Tuyên là những khung trời muôn ngàn màu sắc. Bảng màu của Tuyên rực rỡ nói lên cõi lòng tươi sáng, trong veo như bầu trời xanh Dưới chân núi, những tường nhà hắt lên ánh nắng vàng rộn rã.

Triển lãm “Gặp gỡ mùa Thu” sẽ trích một phần ủng hộ đồng bào phía Bắc - ảnh 6
"Huyền tích sông xưa" của Đoàn Tuyên

Trong tranh của Tuyên chúng ta không tìm thấy nỗi buồn, tuy nhiên thỉnh thoảng cũng thoáng chốc man mác trong cái tĩnh lặng thân thương ẩn chứa đằng sau những màu sắc rạng ngời tươi sáng…”, Ngô Kim Khôi nhận định.

Nguyễn Thị Ngọc Ánh là nữ họa sĩ duy nhất trong nhóm. Đứng trước tác phẩm của Ngọc Ánh, người xem nhận ra ngay nữ tính tràn ngập trong tranh, từ nét vẽ, màu sắc cũng như bố cục.

Triển lãm “Gặp gỡ mùa Thu” sẽ trích một phần ủng hộ đồng bào phía Bắc - ảnh 7
Tranh của Ngọc Ánh phản phất sự nhẹ nhàng. Tác phẩm "Giấc ngủ trưa"

Phảng phất đâu đây là sự nhẹ nhàng, thoáng chút yểu điệu, ngay cả những điểm nhấn cũng vương vấn nét đài trang.

Như trong Giấc ngủ trưa có màu xanh ngọc kia, lưng chừng giữa lam và lục, mang đến hiệu ứng êm đềm của một khung trời bình yên mà ngay cả đóa hoa chợt rực đỏ cũng chỉ duyên dáng nép mình điểm xuyết cho không gian của giấc mơ dịu ngọt.

“Đức tính làm mẹ và thiên chức gia đình cũng thể hiện rõ ràng trong tác phẩm Gia đình tôi mà sắc tím nồng nàn tỏa ra hương vị ngọt ngào, chất chứa lòng khao khát hạnh phúc cho con, cũng như cho tất cả những người con trong thế giới này.

Triển lãm “Gặp gỡ mùa Thu” sẽ trích một phần ủng hộ đồng bào phía Bắc - ảnh 8
"Những đứa con của mẹ" của nữ họa sĩ

Đâu đây ta còn thấy ẩn dụ trong Mẹ ơi con đói, hoặc Những đứa con của mẹ, rằng trong bất cứ thế giới nào, trong hoàn cảnh nào, tình mẹ cũng tự nhiên bát ngát tràn đầy tính hy sinh, sự yêu thương và lòng bao dung muôn thuở…”, nhà giám Tuyển nói về Ánh.

Theo họa sĩ Đoàn Tuyên, mỗi bức tranh là sự trải nghiệm suy tư trăn trở, khát khao hay cảm nhận, rung động của người họa sĩ.

Vì thế đứng trước một tác phẩm hội họa, ta cảm nhận được những điều họa sĩ muốn gửi gắm, cảm nhận được tình cảm, sự rung động trong tâm hồn và cả trình độ, sự sáng tạo, tìm tòi của người hoạ sĩ qua cách thể hiện.

Triển lãm “Gặp gỡ mùa Thu” sẽ trích một phần ủng hộ đồng bào phía Bắc - ảnh 9
"Phố tam bạc" của Đoàn Tuyên

Hà Văn Chúc nói: “Theo tôi, khi xem tranh có nhiều cách tiếp cận, vì có nhiều khuynh hướng khác nhau, cổ điển, hiện thực, lãng mạn, ấn tượng, vị lai, trừu tượng, siêu thưc… 

Có tranh nhìn là hiểu, có tranh xem lâu mới hiểu, có tranh có nhiều chiều kích, mỗi người cảm nhận khác nhau... Hội họa muôn màu muôn vẻ, thú vị vô cùng”.

Họa sĩ Ngô Đăng Hiệp bày tỏ: “Tranh chính là người. Khi xem tranh cần chú ý đến tinh thần của tác phẩm. Đó là tâm hồn của tác giả bàng bạc trong từng nét bút, chấm màu.

Triển lãm “Gặp gỡ mùa Thu” sẽ trích một phần ủng hộ đồng bào phía Bắc - ảnh 10
"Xa rồi tuổi thơ" của họa sĩ Ngô Đăng Hiệp

Tôi vẽ tranh rất chậm, từ một đến vài tháng mới xong một bức. Nhưng cũng có khi vài năm sau, tôi vẫn tiếp tục sửa nếu phát hiện ra yếu tố nào đó chưa vừa lòng.  Với tôi, con đường của hoạ sĩ là con đường hạnh phúc”.

Triển lãm khai mạc lúc 9h ngày 20.9, kéo dài đến hết 26.9.2024, tại Bảo tàng Mỹ thuật TP.HCM (97A Phó Đức Chính, Quận 1).