Triển lãm tranh sơn dầu “Vùng lụa”

VHO - Tối 21.3, tại TP.HCM đã khai mạc triển lãm mang tên “Vùng lụa” của họa sĩ Bùi Chát. Triển lãm giới thiệu 19 tác phẩm sơn dầu, được sáng tác trong gần 2 năm từ 2021 đến 2022, khoảng thời gian dịch Covid-19 kéo dài.

Triển lãm tranh sơn dầu “Vùng lụa” - Anh 1

Mỗi tác phẩm như một bảng màu mỏng mảnh, mờ ảo kiểu tranh lụa nhưng lại được sáng tác với chất liệu sơn dầu. Khách tham quan triển lãm tối 21.3

Nhìn lại vài năm qua ở Việt Nam, Bùi Chát là một trong số ít nghệ sĩ có tốc độ phát triển nghề nghiệp mạnh mẽ và vững chắc, với 6 triển lãm cá nhân trong gần 2 năm. 6 triển lãm này không phải là lấy tác phẩm chia cho số lượng triển lãm, mà mỗi lần xuất hiện đều có ý niệm và kỹ thuật riêng.

Nhận định về các tác phẩm, nhà phê bình mỹ thuật Nguyên Hưng chia sẻ: “Thoạt trông, các tác phẩm như những bức tranh lụa. Tuy nhiên, đây không chỉ là trò chơi “giả chất liệu” thuần túy, mang tính hình thức. Mà mỗi bức tranh ở đây đều gợi mở những xúc cảm những suy tưởng vừa sâu lắng, vừa mênh mang, miên man như trước những “lung linh đáy nước in trời” - vừa thật gần gũi, vừa bất định, mơ hồ”.

Xem “Vùng lụa”, chúng ta có thể liên tưởng đến tinh thần của chủ nghĩa thoát ly, muốn chạy trốn khỏi thực tại để sống trong cảm giác an toàn, thoải mái của thế giới tưởng tượng, hư vô. Cũng có thể liên tưởng đến các tác phẩm văn học thoát ly hiện thực thời 1930-1945 của Việt Nam. Hiện thực lúc Covid-19 cần phải thoát ly. Có lẽ vì vậy mà Bùi Chát chọn một bảng màu mỏng mảnh, mờ ảo kiểu tranh lụa để bày tỏ cõi lòng.

Triển lãm tranh sơn dầu “Vùng lụa” - Anh 2

Họa sĩ Bùi Chát và tiến sĩ Nguyễn Thị Hậu chia sẻ về các tác phẩm 

Họa sĩ Ngô Lực chia sẻ: “Xem Bùi Chát thì hãy tưởng tượng đến quá trình của những bức tranh, sự chuyển biến về nội tâm, cũng như sự chuyển biến về cách nhìn, chuyển biến về những khoảnh khắc làm cho người xem thấy một người lao vào hội họa như là một cuộc trình diễn (perfomance) biến những tác phẩm thành dấu vết của những cuộc trình diễn ấy, trong đó để lại tất cả những cảm xúc xáo trộn, một không gian mang tính cá nhân rất riêng.

Nếu nhìn góc độ đó sẽ thấy mọi khoảnh khắc hình ảnh của anh đều rất giá trị, như là một cuốn phim tự sự không lời, điều đó là một bước ngoặt trong cách tiếp cận về nghệ thuật đối với tác giả, cũng như đối với những người quan tâm đến Bùi Chát và quá trình làm việc của anh ta từ trước kia đến giờ".

Theo họa sĩ Ngô Lực, hơn 5 cuộc triển lãm diễn ra trong một thời gian ngắn (“Vùng lụa” là triển lãm cá nhân thứ 6 của Bùi Chát), và được coi như những tình huống khác nhau, nó thể hiện sự chuyển biến một cách không lường trước của cả khán giả lẫn tác giả, mỗi một tình huống sẽ có những khoảnh khắc tiếp cận với nghệ thuật khác nhau, có đôi khi nghiêm nghị, bí hiểm, lúc chỉ là một khoảnh khắc thoáng qua, và có lúc thì như một sự vui vẻ được lấy cảm hứng từ những câu nói bông đùa. Tất cả được diễn ra một cách chân thật nhất, thực tại nhất, trong sự nhìn nhận của tác giả về tác phẩm, cũng như thái độ đối với nghệ thuật, và điều ấy là điều khác biệt của tác phẩm Bùi Chát với đa số các triển lãm hội họa khác. 

Triển lãm tranh sơn dầu “Vùng lụa” - Anh 3

Bùi Chát theo học và tốt nghiệp cử nhân văn chương, rồi cử nhân luật, anh chưa từng học bất cứ một trường hoặc khóa học nghệ thuật nào. Trước khi trở thành một họa sĩ chuyên nghiệp, Bùi Chát là một thi sĩ, là thành viên chủ chốt của Mở Miệng – nhóm nghệ sĩ nổi bật nhất của thơ Việt Nam đương đại. Bùi Chát đã từng xuất bản 7 tập thơ, thơ anh được dịch và giới thiệu qua một vài ngôn ngữ khác. Bùi Chát cũng được xem là một người hoạt động xuất bản đáng nể.

Sau nhiều lần phải bỏ dở con đường hội họa, Bùi Chát cầm cọ lại một cách chuyên tâm vào năm 2019, hiện anh đang chủ trương một lối hội họa riêng có tên gọi là Hội họa Tình huống (Solverism). Bùi Chát thực hiện liên tiếp 5 triển lãm cá nhân trong vòng chưa tới một năm rưỡi, “Vùng lụa” là triển lãm thứ 6 của anh. 

Bộ sưu tập này được anh sáng tác trong gần 2 năm từ 2021 đến 2022, trong khoảng thời gian dịch covid kéo dài. Bộ tranh như là một liệu pháp tâm lý tác giả sử dụng nhằm chống chọi với thực tại, và để sống sót qua giai đoạn đầy khủng hoảng của mình.

“Vùng lụa” mở cửa phục vụ công chúng tại J Art Space (30 Đường số 10, phường Thảo Điền, TP Thủ Đức) đến ngày 17.4.2024.

THÙY TRANG

Ý kiến bạn đọc