Bế mạc Liên hoan Cải lương toàn quốc năm 2024:
Tôn vinh nghệ thuật, tiếp lửa đam mê
VHO - Liên hoan Cải lương toàn quốc năm 2024 đã chính thức khép lại với Lễ bế mạc, trao giải thưởng vào cuối tuần qua. Khán phòng Nhà hát Trung tâm Văn hóa TP Cần Thơ chật kín khán giả và nghệ sĩ cả nước, qua đó cho thấy, sân khấu Cải lương vẫn là loại hình nghệ thuật được đông đảo công chúng yêu mến và kỳ vọng tiếp tục phát triển, đồng hành cùng đời sống xã hội.
Sự kiện do Cục Nghệ thuật biểu diễn (Bộ VHTTDL), phối hợp với Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam, Sở VHTTDL TP Cần Thơ và các đơn vị liên quan tổ chức, quy tụ hơn 1.000 nghệ sĩ, diễn viên, nhạc công từ 29 đoàn nghệ thuật và 33 vở diễn đặc sắc.
Phong phú đề tài, đa dạng phong cách thể hiện
Đánh giá về chất lượng các chương trình, tiết mục, Chủ tịch Hội đồng nghệ thuật Nguyễn Sĩ Chức cho biết: Trong 33 vở thì có 2 vở đề tài danh nhân văn hóa nghệ thuật dân tộc; 11 vở đề tài lịch sử; 7 vở đề tài chiến tranh Cách mạng và 13 vở đương đại, tạo nên bức tranh phong phú về đề tài và phong cách thể hiện.
“Mỗi vở diễn như một đóa hoa với những sắc màu tươi thắm, độc lạ, khó trộn lẫn, tạo nên dáng vẻ hấp dẫn riêng biệt của sân khấu kịch hát Cải lương. Tại đây cũng xuất hiện nhiều vở diễn đạt chất lượng nghệ thuật cao; chủ đề, tư tưởng rõ ràng, sâu sắc; được chuyển tải qua nội dung đậm chất nhân văn”, ông Nguyễn Sĩ Chức bày tỏ.
Cùng với sự hiện diện của những tác giả có uy tín trong các loại hình kịch hát dân tộc, sự kiện cũng thu hút được các gương mặt trẻ là tác giả biên kịch hoặc chuyển thể Cải lương. Nhiều vở diễn được chuyển thể từ Kịch nói, Tuồng, Chèo, Bài Chòi đã xuất hiện trong Liên hoan và đạt được sự thăng hoa về cảm xúc bởi nội dung hấp dẫn, chất lượng nghệ thuật cao, có giá trị về tư tưởng. Việc áp dụng “thủ pháp gián cách” trong biểu diễn và “ước lệ” của sân khấu truyền thống qua trang trí, với sự chỉn chu trong từng cảnh diễn đã tạo nên một kết cấu tổng hòa chặt chẽ, tạo nhiều đất cho các diễn viên thỏa sức thi tài.
Điểm đáng ghi nhận tại Liên hoan lần này là cách các nhân vật lịch sử được thể hiện rất dung dị và tràn đầy cảm xúc, và vì vậy, vở diễn trở nên gần gũi, chân thực hơn, khán giả tiếp cận cũng dễ dàng hơn... Sự tiếp nối giữa các thế hệ cũng là một trong những điểm sáng, khi những nghệ sĩ lão làng dìu dắt lớp trẻ, tạo bệ phóng vững chắc cho lớp diễn viên trẻ đủ tự tin và bản lĩnh bước ra sàn diễn.
Điều dễ nhận diện nhất ở tất cả các nghệ sĩ, diễn viên đến với mảnh đất Tây Đô năm nay là tình yêu cháy bỏng dành cho Cải lương và khát khao được phô diễn tài năng trước khán giả. Liên hoan không chỉ là ngày hội lớn của những người làm nghề, mà còn là nơi tích lũy, trao truyền và tiếp thu hiệu quả nhất kỹ năng sáng tạo đặc biệt của nghệ thuật biểu diễn. Những tràng pháo tay cổ vũ của khán giả qua những lớp kịch hấp dẫn, những câu ca, tiếng đàn mùi mẫn đã tạo nên sự rung động, cộng hưởng cảm xúc để các nghệ sĩ thăng hoa với nhân vật mà họ đang diễn thi...
Vẫn còn những điều chưa trọn vẹn…
Theo Hội đồng nghệ thuật, cùng với những vở diễn được dàn dựng công phu, diễn thi nghiêm túc, thì cũng còn một vài chương trình bị “phô” trong xác định vấn đề, kết cấu kịch bản hay dàn dựng bất hợp lý… Một vài tác giả không có sự chắt lọc về ngôn ngữ, vì thế bài ca, lớp diễn chưa làm cho người thưởng thức “đã tai” và diễn viên cũng khó thể hiện được hết tài năng.
Cùng với đó, nhiều đơn vị nghệ thuật còn thiếu chất thanh xuân, tỷ lệ giữa diễn viên trẻ và nghệ sĩ lão làng có sự chênh lệch lớn, nhất là ở tuyến nhân vật chính. Không ít giọng ca non nớt, “chưa chín” về nghề khi thể hiện chiều sâu tâm lý, tính cách nhân vật, diễn ca không có điểm nhấn, phô, chênh, rớt nhịp; còn tình trạng diễn viên đeo tai nghe để được nhắc thoại từ phía trong cánh gà.
Tại Liên hoan, khâu thiết kế mỹ thuật thực sự hỗ trợ đắc lực cho công tác đạo diễn, tạo nên những lớp kịch hấp dẫn. Tuy nhiên, việc cùng lúc xuất hiện quá nhiều những cảnh trí vừa ước lệ, vừa tả thực rồi phía sau là màn hình led đã tạo nên sự thiếu nhất quán trong phong cách thể hiện. Rồi việc sử dụng các pa nô di động bằng bánh xe cũng bị lạm dụng khiến sàn diễn bị rối và diễn viên thi diễn khó khăn bởi không gian đã bị thu hẹp…
Một câu chuyện cần phải nhắc lại, là từ ngày 1.7.2014, diễn viên không được hút thuốc thật trên sân khấu trong tác phẩm có sử dụng thuốc lá theo Thông tư 02/2014/TT của Bộ VHTTDL. Vậy mà vẫn có nữ diễn viên ra giữa sân khấu châm lửa đốt điếu xì gà rồi thản nhiên thả khói mù mịt trong gần chục phút đồng hồ! Điều này đã tác động đến kết quả diễn thi của cá nhân nghệ sĩ và thành quả của tác phẩm sân khấu cũng thiếu đi tính toàn vẹn.
Phát biểu bế mạc, Thứ trưởng Bộ VHTTDL Tạ Quang Đông, Trưởng Ban chỉ đạo Liên hoan nhận định: “Liên hoan Cải lương toàn quốc 2024 là hoạt động nghề nghiệp chuyên nghiệp nhằm phát hiện, tôn vinh những tác phẩm, vở diễn và những cá nhân có thành tích xuất sắc trong lao động, sáng tạo nghệ thuật. Đồng thời là cơ hội để nghệ sĩ, diễn viên giao lưu, học hỏi kinh nghiệm, trau dồi kiến thức, nâng cao trình độ chuyên môn, chất lượng biểu diễn nghệ thuật Cải lương phục vụ công chúng. Qua đây, thay mặt Bộ VHTTDL, tôi đề nghị Cục Nghệ thuật biểu diễn và Sở VHTTDL, Sở VHTT các tỉnh, thành phố, các đơn vị nghệ thuật, thời gian tới cần tiếp tục nghiên cứu, tham mưu cơ chế, chính sách cải thiện chế độ đãi ngộ đặc thù đối với nghệ sĩ, diễn viên để thu hút, bồi dưỡng, đào tạo lớp trẻ làm lực lượng nòng cốt kế thừa và phát triển sân khấu Cải lương sau này…”.
Kết quả chung cuộc, BTC Liên hoan đã trao 4 HCV cho các vở: Chất ngọc - Cầm thi giang (Nhà hát Tây Đô, Cần Thơ); Người con của rừng tràm (Đoàn Nghệ thuật Cải lương Long An); San hô đỏ (Nhà hát Cải lương Trần Hữu Trang) và Xuân Hương nữ sĩ (Nhà hát Cải lương Hà Nội). Cùng với đó là 8 HCB cho vở diễn; 41 HCV và 63 HCB cho diễn viên. Giải thưởng dành cho thành phần sáng tạo gồm: Tác giả xuất sắc, Tác giả chuyển thể xuất sắc, Đạo diễn xuất sắc, Họa sĩ xuất sắc, Nhạc sĩ xuất sắc, Nhạc công xuất sắc (2 giải), Dàn nhạc xuất sắc, Biên đạo múa xuất sắc. Hội nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam cũng khen thưởng riêng một số nghệ sĩ.