"Đèn âm hồn":

Phim điện ảnh Việt Nam chú trọng truyền tải giá trị văn hóa dân tộc

HƯƠNG GIANG

VHO - Trong dòng chảy của điện ảnh Việt Nam, các bộ phim mới ra rạp thời gian gần đây không chỉ là phương tiện giải trí mà còn là công cụ truyền tải những giá trị văn hóa sâu sắc của dân tộc. Đèn âm hồn là một ví dụ điển hình khi khéo léo đưa những yếu tố văn hóa truyền thống Bắc bộ vào trong câu chuyện (như phong tục thờ cúng tổ tiên, tục gọi hồn, văn hóa làng xã, quan niệm xem thường thân phận nhỏ bé của người phụ nữ Việt Nam thời kỳ phong kiến...).

 Bộ phim không chỉ phác họa thế giới tâm linh kỳ bí mà còn mang đến thông điệp ý nghĩa về niềm tin, sụ hy sinh và tình yêu trong gia đình Việt.

Phim điện ảnh Việt Nam chú trọng truyền tải giá trị văn hóa dân tộc - ảnh 1
Poster phim Đèn âm hồn

Phong tục thờ cúng Tổ tiên khắc họa một phần hồn của người Việt

Trong văn hóa truyền thống của người Việt, thờ cúng Tổ tiên là một tập tục thiêng liêng, không chỉ mang ý nghĩa tưởng nhớ mà còn là phương thức kết nối với những thế hệ đã qua. 

Trong Đèn âm hồn, bộ phim đã nhấn mạnh rõ nét sự quan trọng của việc thờ cúng, cầu nguyện cho người đã khuất. Các nghi lễ thờ cúng cổ xưa không chỉ đơn thuần là hành động tôn kính mà còn là cách thức để con cháu tiếp nhận sự bảo vệ, che chở từ thế giới vô hình.

Những cảnh quay trong phim mang đậm màu sắc tâm linh, thể hiện sự tôn trọng, gắn kết giữa những con người còn sống và người đã khuất, qua đó giúp người xem hiểu rõ hơn về sự thiêng liêng trong tín ngưỡng người Việt.

Tuy nhiên, dòng phim tâm linh cũng vướng phải nhiều ý kiến trái chiều, ranh giới giữa phim kinh dị và phim liêu trai, kỳ bí rất mong manh khiến phần lớn khán giả trẻ vốn đã quen với phong cách phim kinh dị “nặng đô” khó lòng tiếp nhận.

Bên cạnh đó, tư tưởng coi trọng giá trị truyền thống, kiêng dè trước thế lực tâm linh thổi bùng sự phẫn nộ, gây nên tâm lý mất bình tĩnh do mạch phim khá chậm, khó hiểu với các bạn trẻ sống trong xã hội hiện đại.

Tục gọi hồn, cầu hồn: niềm tin vào thế giới tâm linh vô hình

Một yếu tố đặc biệt khác trong Đèn âm hồn là sự xuất hiện của nghi lễ gọi hồn. Đây là tín ngưỡng đặc trưng của người Việt Nam, phản ánh sự tin tưởng vào thế giới vô hình và khả năng giao tiếp giữa cõi sống và cõi chết.

Phim không chỉ dừng lại ở yếu tố tâm linh mà còn khắc họa cuộc đấu tranh nội tâm của các nhân vật khi họ phải đối mặt với những vong hồn, với những điều chưa rõ ràng và những giá trị họ cần bảo vệ.

Phân cảnh gọi hồn trong phim được chuẩn bị khá kỹ lưỡng từ đạo cụ, phục trang đến tâm lý nhân vật, kỹ năng của diễn viên, giúp mang đến ấn tượng cho người xem nhưng cũng là lời nhắc nhở về việc bảo tồn những tín ngưỡng truyền thống của dân tộc.

Một cành dâu tằm giúp xua đuổi tà ma, những tấm vải đỏ che mặt cô đồng, bàn cầu cơ trong truyền thuyết... đều là những vật phẩm tâm linh kỳ bí khiến nhiều người xem vừa tò mò, vừa cảm thấy thú vị.

Tình cảm gia đình tạo nên sự gắn kết mạnh mẽ

Không thể thiếu trong những bộ phim mang đậm tính nhân văn như Đèn âm hồn là việc đề cao tình cảm gia đình.

Khoảnh khắc các nhân vật đoàn tụ với người thân sau nhiều năm xa cách luôn mang đến cho người xem cảm xúc bồi hồi khó tả. Con nhớ cha, vợ nhớ chồng, họ đều khát vọng một mái ấm gia đình có đầy đủ các thành viên.

Mặc dù những yếu tố tâm linh chiếm phần lớn trong câu chuyện, nhưng phim cũng khắc họa rõ nét một gia đình đầy tình yêu thương và hy sinh vượt qua những tình huống thử thách, những tình tiết gây hiểu nhầm và cảm xúc căm phẫn được đẩy lên cao trào đến ngộp thở khi con không chịu nhận cha, người chồng hờn giận, người vợ phẫn uất dẫn đến cảnh li tán của gia đình.

Bộ phim nhấn mạnh, dù có gặp phải bất cứ khó khăn nào, gia đình vẫn là nơi mỗi người tìm thấy sự vỗ về, động lực để đối mặt với những thử thách trong cuộc sống.

Thân phận người phụ nữ Việt Nam qua những nỗi đau âm thầm

Một yếu tố không thể không nhắc đến trong Đèn âm hồn là cách đạo diễn khắc họa thân phận người phụ nữ trong xã hội Việt Nam phong kiến. Người phụ nữ trong phim phải đối mặt với nhiều thử thách, từ việc chăm lo gia đình cho đến hy sinh vì lý tưởng lớn lao của toàn dân tộc.

Những nỗi đau âm thầm khi mất đi người thân yêu, bị hiểu nhầm, bị bôi nhọ, sự chịu đựng trong thầm lặng của họ là những điều bộ phim truyền tải đến người xem.

Tình yêu và lòng hy sinh của người vợ, người mẹ trong gia đình không chỉ nằm ở những gì họ thể hiện ra ngoài mà còn ở những cảm xúc giấu kín, là những giọt nước mắt nuốt ngược vào trong, là nỗi cô đơn, là những hy vọng, là nỗi sợ hãi mà họ không thể chia sẻ cùng ai.

Nhiều năm nay, khán giả đến rạp chiếu phim phần lớn ở độ tuổi trẻ, việc lựa chọn một bộ phim Việt cổ trang chắc hẳn khiến nhiều người đắn đo không chỉ bởi sức hút của những bộ phim nước ngoài có kỹ xảo xuất sắc mà còn nằm ở yếu tố giải trí, sợ việc đặt nặng văn hóa truyền thống dẫn đến sự nhàm chán.

Để khắc phục điều này, phụ thuộc vào sự tài tình của đạo diễn từ việc lựa chọn diễn viên có ngoại hình sáng màn ảnh, cốt truyện mạch lạc, kỹ xảo chân thật, đến việc vừa làm nổi bật các giá trị văn hóa truyền thống vừa lồng ghép khéo léo các “trend” đang thịnh hành vào kịch bản...

Đạo diễn Đèn âm hồn xuất phát là một nhà sản xuất nội dung về các hành trình khám phá tâm linh nhưng đã làm rất tốt vai trò đạo diễn phim điện ảnh thời đại mới với mong muốn truyền tải giá trị nhân văn sâu sắc tới lớp trẻ nói riêng và đông đảo khán giả phim chiếu rạp nói chung.

Phải chăng, xuất thân của anh chính là điểm đặc biệt thu hút khán giả đến rạp lựa chọn khám phá Đèn âm hồn.

Mong rằng thời gian tới đây, sẽ có nhiều tác giả, tác phẩm đậm tính dân tộc nhằm quảng bá nét đẹp văn hóa Việt Nam tới mọi tầng lớp khán giả Việt nói riêng và bạn bè năm châu nói chung.