Nhà hát Kịch Idecaf đưa “Truyện Kiều” của đại thi hào Nguyễn Du lên sân khấu chính kịch
VHO - Chiều 31.10, Nhà hát Kịch Idecaf ra mắt vở chính kịch “Dưới bóng giai nhân”, cảm tác từ tác phẩm “Truyện Kiều” của đại thi hào Nguyễn Du. Dự án được đầu tư quy mô, hứa hẹn nhiều bất ngờ với dàn diễn viên có nghề.
Tiếp tục củng cố lại mảng chính kịch của nhà hát
Chia sẻ về việc dựng thêm vở diễn đề tài chính kịch, lấy chất liệu từ văn học, thay vì “đóng khung” trong các vở kịch thiếu nhi “Ngày xửa ngày xưa” đã trở thành thương hiệu thời gian qua, ông Huỳnh Anh Tuấn – Giám đốc Công ty TNHH Sân khấu - Nghệ thuật Thái Dương, đơn vị chủ quản của Nhà hát Kịch Idecaf, chia sẻ rằng từ rất lâu Idecaf mong muốn phải có thêm nhiều những tác phẩm chính kịch đáng giá để dành tặng khán giả.
“Vở kịch sử Đức Thượng công Tả quân Lê Văn Duyệt - Người mang 9 án tử (công diễn từ thàng 4.2024) được coi là viên gạch đầu tiên đặt nền móng củng cố lại mảng chính kịch của nhà hát. Còn với Dưới bóng giai nhân, chúng tôi tin rằng đây sẽ là vở diễn tạo thêm một bộ khung vững chắc cho ngôi nhà nghệ thuật Idecaf thêm đa dạng sắc màu", ông Tuấn nói.
Cũng theo Giám đốc sản xuất Huỳnh Anh Tuấn, Dưới bóng giai nhân là một trong những dự án được Idecaf đầu tư quy mô. Hiện đơn vị chưa tiết lộ về tổng mức đầu tư, nhưng con số công bố ban đầu là sự tham gia của hơn 50 diễn viên.
Ngoài những gương mặt nghệ sĩ quen thuộc của Idecaf như đã nói trên, vở diễn còn quy tụ nhiều tên tuổi gạo cội khác và dàn diễn viên trẻ triển vọng, cùng sự phụ diễn của tập thể diễn viên Nhà hát thiếu nhi Nụ Cười.
Ngoài ra, một chi tiết cũng gây sự tò mò, thú vị cho khán giả là vở được đầu tư hơn 200 bộ trang phục cổ trang được thiết kế và sản xuất dành riêng cho tác phẩm.
“Cũng đã khá lâu rồi, kể từ sau vở Tiên Nga, Idecaf mới "chơi lớn”, đầu tư quy mô về mọi mặt. Tất cả với mong muốn sau tạo nên một tác phẩm chính kịch tầm vóc", ông Tuấn nói thêm.
Một cách kể khác về Kiều
Trong dự án Dưới bóng giai nhân lần này, Quang Thảo đảm nhận cả hai vai trò quan trọng, tác giả kịch bản và đạo diễn. Chia sẻ về lý do cảm tác kịch bản này, Quang Thảo bày tỏ: “Truyện Kiều là một tác phẩm tuyệt vời, có quá nhiều chất liệu để khai thác, về văn học cũng như về cuộc sống và con người.
Cái khó ở đây là Truyện Kiều đã quá quen thuộc với người Việt, ngay từ khi còn trên ghế nhà trường và cũng không xa lạ gì với những vị trưởng bối trong các ngành học thuật.
Vì thế, tôi đã chọn con đường riêng cho kịch bản của mình, đó là cảm tác từ chính Truyện Kiều để có những sáng tạo mới. Bản thân tôi cũng đã phải mất nhiều công sức và thời gian để thuyết phục ban lãnh đạo Idecaf cho thực thì dự án nghệ thuật tầm vóc này”.
Theo anh, kịch bản Dưới bóng giai nhân được phổ thêm những diễn biến mới mẻ, lồng ghép vào đó những yếu tố nhân văn thời đại.
Bằng phong cách dàn dựng hiện đại, Dưới bóng giai nhân sẽ là một cách kể khác về Kiều và những cái tên tưởng chừng như đã rất quen thuộc. Thêm vào đó một số nhân vật và sự kiện hư cấu không có trong nguyên tác.
Ngoài ngôn ngữ kịch và âm nhạc, các chất liệu nghệ thuật đậm chất Việt được sử dụng như chầu văn và ngâm Kiều, làm đầy thêm hồn dân tộc cho vở diễn. Nhạc sĩ Văn Tứ Quý đảm nhận vai trò giám đốc âm nhạc cho dự án.
Trong Dưới bóng giai nhân, NS Hồng Ánh sẽ thủ vai Thúy Kiều, Mỹ Duyên hóa thân thành Đạm Tiên - nhân vật được coi là bóng ma tiền kiếp, gương soi số phận của Kiều trong nguyên tác.
Nhân vật “nặng ký” với nhiều tầng lớp cảm xúc Hoạn Thư do NS Thanh Thủy; Công Danh vào nhân vật Thúc Sinh; Hoàng Trinh vai Tú Bà; NS Đại Nghĩa vào vai Từ Hải; Đình Toàn vai Hồ Tôn Hiến…
Ngoài ra còn các nghệ sĩ, diễn viên: NS.NGƯT Diệu Đức, NSƯT Bạch Long, Tuyền Mập, Công Danh, Trịnh Minh Dũng, Phạm Hùng, Kan Lê, Hữu Đạt, Minh Sang, Bảo Cường, Ngọc Nguyên,...
Dự kiến, vở diễn sẽ được phúc khảo trong tháng 11 và công diễn phục vụ công chúng bắt đầu từ tháng 12.2024 tại Nhà hát Bến Thành, với các suất đầu tiên vào ngày 1, 7, 8, 14 và 15.12.