Người nghệ nhân “độc cô” với vai diễn Lão Tạ trong Hát bội
VHO - Lão Tạ trong nghệ thuật sân khấu Hát bội thường vào vai cho cánh nam giới để diễn, thế nhưng vì sự đam mê NNƯT Kim Chung đã thành công với vai diễn này và được mệnh danh là nữ diễn viên Hát bội không chuyên “độc cô” đóng kép vai Lão Tạ trong vở Ngọn lửa Hồng Sơn.

Với tài năng thiên bẩm vốn có, năm 1980, lúc ấy NNƯT Kim Chung (tên thật Huỳnh Thị Kim Chung) mới vừa tròn 13 tuổi đã tham gia Đoàn nghệ thuật Đồng Ấu, xã Phước An, huyện Tuy Phước, do thầy Võ Ngọc Cẩm sáng lập (nay đã mất).
Sau đó, bà theo học nhiều thầy dạy Hát bội nổi tiếng của tỉnh Nghĩa Bình (nay tỉnh Bình Định), với nhiều vai diễn khác nhau.
Đến năm 1999, NNƯT Kim Chung chính thức tham gia Câu lạc bộ nghệ thuật Hát bội cổ truyền của huyện Tuy Phước, đồng thời cũng là thành viên Đoàn nghệ thuật Hát bội không chuyên Trần Quang Diệu của TP Quy Nhơn.
“Lúc 20 tuổi và những năm sau đó, tôi được NSND Hoàng Ngọc Đình chỉ dạy vai Tiết Cương trong vở Hộ sanh đàn, vai Trinh Ân trong vở Đào Tam Xuân, Lão Tạ trong vở Ngọn lửa Hồng Sơn, Lưu Khánh trong vở Ngũ Hổ bình Tây. Đấy cũng là thời gian tôi bắt đầu phù hợp với vai diễn Lão Tạ”, NNƯT Kim Chung nhớ lại.
Một trong những kỷ niệm ấn tượng để lại trong quá trình theo đuổi nghiệp Hát bội, đó là năm 1994, khi nghệ nhân Kim Chung đang mang thai đứa con thứ hai tròn 7 tháng nhưng Nhà hát Tuồng Đào Tấn thiếu diễn viên trong vai Tiết Cương trong vở Hộ sanh đàn, vì thế đã nhờ bà đóng thế.
Đắng đo vì sức khỏe, song với ngọn lửa đam mê Hát bội, bà quyết tâm vào vai và thành công diễn xuất trên sân khấu.

“Trước khi lên diễn, bản thân hứa nếu hai mẹ con bình yên và sau khi sinh, sẽ đặt tên con là Tiết Cương. Ơn trời, đêm ấy tiết mục hoàn thành. Đầy một tháng sau khi con trai chào đời, gia đình đã đặt tên cho cháu là Tiết Cương để nhớ đến hành trình kỷ niệm trong cái nghiệp gắn với nghệ thuật truyền thống Hát bội”, NNƯT Kim Chung vui chia sẻ.
Trả lời câu hỏi "Bí quyết nào để làm nên một nghệ nhân Hát bội không chuyên, nhưng rất thành công trong các vai diễn?", NNƯT Kim Chung cởi mở: "Trong nghệ thuật Hát bội, có hai yếu tố cơ bản là hát và múa võ, cùng nghệ thuật trang điểm, trang trí cho các vai diễn mang yếu tố đặc sắc, tạo nên nét riêng cho từng nhân vật, mỗi khuôn mặt thể hiện một tính cách hết sức đặc trưng.
Hơn hết, trên sân khấu người nghệ nhân phải có khả năng diễn xuất vào vai một cách tự nhiên và thể hiện rõ diện mạo, tính cách các nhân vật trong Hát bội qua vai diễn đã đảm nhận. Để có thành công như ngày hôm nay, tôi hát và vào vai một cách bản năng, tự nhiên nhiều hơn là bằng kinh nghiệm của quá trình khổ luyện”.
Trong những lần đi diễn xa, người nghệ nhân này cảm nhận, ở những lễ hội cầu ngư, cư dân vùng biển như các tỉnh: Đà Nẵng, Phú Yên, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bà Rịa – Vũng Tàu… còn rất đam mê và thích nghe Hát bội.
Và điều đó, thôi thúc cho NNƯT Kim Chung phải cố gắng hơn nữa để dấu thân với Hát bội, cống hiến nhiều cho nghệ thuật truyền thống nước nhà.
Với tố chất và tính cách mạnh mẽ, mộc mạc, khẳng khái, người NNƯT này đang nắm giữ và hợp với những vai đào võ như: Ngọc Hân trong Mặt trời đêm thế kỷ, Kiều Quang trong Diễn Võ Đình, Bùi Thị Xuân trong Tây Sơn tụ nghĩa, Chung Vô Diệm trong vở Chung Vô Diệm. Đặc biệt, rất thành công trong đóng kép tướng, lão, như Lão Tạ trong Ngọn lửa Hồng Sơn, Tiết Cương trong Hộ sanh đàn, Trịnh Ân trong Đào Tam Xuân loạn trào…
Chưa kể, nhờ vóc dáng chắc khỏe, khuôn mặt dễ giả trai nên nghệ nhân Kim Chung đã thực hành thành công trong một số vai kép…

Cùng với sự cộng hưởng diễn xuất được khổ luyện và với chất giọng mùi mẫn, trong sáng, bay bổng với nhiều tông giọng (hò 7, hò 6, hò 5, hò 4), cho nên vị nghệ nhân này cũng hội đủ các chất (Thanh-Sắc-Thục-Tinh-Khí-Thần) của một nghệ nhân trong nghệ thuật Hát bội cổ truyền.
Với những cống hiến không mệt mỏi cho nghệ thuật hát bội sau nhiều năm hành nghề, NNƯT Kim Chung gặt hái nhiều thành công qua những giải thưởng cao quý như: Huy chương Bạc tại cuộc thi Liên hoan toàn quốc nghệ thuật truyền thống năm 1994; giải Bạc, Liên hoan tác phẩm sân khấu của tác giả Tống Phước Phổ, do Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam tổ chức tại thành phố Đà Nẵng năm 2015…
Bên cạnh biểu diễn, nghệ nhân Kim Chung còn tập trung vào công tác truyền dạy nhiều thế hệ nghệ nhân Hát bội kế cận cho Đoàn nghệ thuật Hát bội Trần Quang Diệu, Đoàn nghệ thuật Hát bội Phước An và ở một số làng hát bội cổ truyền tại tỉnh. Năm 2015, NNƯT Kim Chung được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu “Nghệ nhân Ưu tú”.