Ngành âm nhạc Việt Nam trong bối cảnh kinh tế văn hóa sáng tạo
VHO - Tuần lễ Âm nhạc Việt Nam 2024 (Vietnam Music Week - VMW 2024) chính thức khai mạc với tọa đàm “Phát triển ngành công nghiệp âm nhạc Việt Nam trong khuôn khổ định hướng phát triển công nghiệp văn hóa đến năm 2030” ngày 14.12, mở ra những cuộc thảo luận chuyên đề sôi nổi giữa các chuyên gia trong ngành công nghiệp âm nhạc tại Việt Nam.
Sự kiện đã thu hút đông đảo cá nhân đang hoạt động trong ngành, đặc biệt còn có sự góp mặt của các đại biểu quốc tế đến từ những đơn vị văn hoá nghệ thuật trên thế giới.
Âm nhạc là "chìa khóa" mở cửa thị trường du lịch quốc tế
Bà Nguyễn Trần Tâm Hà, Phó Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Du lịch TP.HCM, nhấn mạnh rằng các lễ hội âm nhạc hiện nay đóng vai trò quan trọng trong việc thu hút khách du lịch đến với các thành phố lớn.
Theo ghi nhận từ các doanh nghiệp lữ hành, doanh thu ngành du lịch tăng từ 30- 40% trong mùa lễ hội, chứng minh rằng âm nhạc không chỉ kết nối cộng đồng mà còn là "chìa khóa" mở cửa thị trường du lịch quốc tế.
TS Nguyễn Thị Thu Hà, Giám đốc Trung tâm Phát triển công nghiệp văn hóa và nghệ thuật đương đại, Viện Văn hóa nghệ thuật Quốc gia Việt Nam, nhấn mạnh vai trò quan trọng của ngành công nghiệp văn hóa và sáng tạo trong phát triển bền vững.
Bà cho biết, trong 7-10 năm qua, các ngành công nghiệp văn hóa đã đóng góp đáng kể vào GDP, tạo việc làm và tăng trưởng doanh thu du lịch ở các thành phố lớn như Đà Lạt và Hà Nội.
TS Thu Hà cũng nhấn mạnh rằng sự phát triển của ngành công nghiệp sáng tạo đã tạo ra nhiều cơ hội việc làm bền vững, đáp ứng nhu cầu tinh thần của người lao động và mang lại giá trị giải trí, văn hóa cho cộng đồng, thúc đẩy sự phát triển lâu dài của ngành.
Chuyên gia cho rằng, các lễ hội âm nhạc như Lễ hội Âm nhạc Quốc tế TP.HCM (HOZO) hay Lễ hội hoa Đà Lạt không chỉ mang lại giá trị kinh tế mà còn tạo ra giá trị phi kinh tế thông qua việc thúc đẩy giao lưu văn hoá, kết nối cảm xúc và xây dựng mạng lưới cộng đồng. “Đây là nền tảng để Việt Nam tiến sâu vào thị trường âm nhạc quốc tế”, bà Thu Hà khẳng định.
Phát triển bản sắc dân tộc: Cầu nối văn hóa và sáng tạo hiện đại
Chia sẻ về vai trò của âm nhạc trong việc giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, PGS.TS Nguyễn Thị Mỹ Liêm, Phó Chủ tịch Hội Âm nhạc TP.HCM bày tỏ: “Việt Nam có 54 dân tộc anh em, sở hữu một kho tàng di sản âm nhạc phong phú. Đây là nguồn cảm hứng vô tận cho những sáng tác hiện đại và sáng tạo”.
Bà Mỹ Liêm nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tiếp cận giới trẻ để phát triển âm nhạc dân tộc, biến nó thành nguồn sức mạnh kết nối cộng đồng. Điển hình là ban nhạc Nam Tộc, với những bạn trẻ khéo léo kết hợp nhạc cụ dân tộc và âm thanh hiện đại, tạo ra các bản phối vừa đậm bản sắc truyền thống, vừa mới mẻ và gần gũi với giới trẻ.
Điều này không chỉ nuôi dưỡng đam mê sáng tạo của nghệ sĩ mà còn giúp quảng bá văn hóa nghệ thuật truyền thống đến cộng đồng trong và ngoài nước.
“Âm nhạc không chỉ là nghệ thuật mà còn là cầu nối văn hóa giữa các thế hệ và quốc gia”, PGS Mỹ Liêm nói thêm và kêu gọi những nhà sáng tạo hãy khai thác tối đa tiềm năng này để đưa âm nhạc Việt Nam đến với bạn bè quốc tế.
Nhạc trưởng Trần Nhật Minh, nhận định rằng âm nhạc cổ điển tại Việt Nam đang đối mặt với bài toán khó về việc nuôi dưỡng khán giả.
“Trong bối cảnh xã hội chuyển mình, chúng ta cần tạo điều kiện để âm nhạc cổ điển tiếp cận khán giả trẻ, từ đó nuôi dưỡng tình yêu âm nhạc lâu dài. Những chương trình biểu diễn kết hợp giữa giáo dục và nghệ thuật là bước đi cần thiết”, vị nhạc trưởng nói.
Ông cũng gợi ý việc kết hợp âm nhạc cổ điển và âm nhạc dân tộc để tạo nên sức sống mới, vừa bảo tồn di sản vừa tiếp cận được khán giả hiện đại. “Chúng ta có một nền tảng âm nhạc dân tộc dồi dào, hãy thoải mái sáng tạo trên những giá trị đó”, nhạc trưởng Trần Nhật Minh nói thêm.
Trong bối cảnh ngành công nghiệp âm nhạc Việt Nam phát triển mạnh mẽ nhưng vẫn đối mặt với thách thức, phiên tọa đàm là dịp để các nhà lãnh đạo và chuyên gia văn hóa phân tích sâu sắc và đề xuất các giải pháp chiến lược.
Đây là cơ hội xây dựng thương hiệu văn hóa mạnh mẽ cho TP.HCM và đưa âm nhạc Việt Nam tiệm cận tiêu chuẩn quốc tế.
Buổi tọa đàm không chỉ chia sẻ lý thuyết mà còn tạo diễn đàn đối thoại, kết nối các cá nhân, tổ chức trong ngành, cùng trao đổi sáng kiến, tìm kiếm cơ hội hợp tác và thảo luận chiến lược dài hạn.