“Đòn bẩy” cho công nghiệp âm nhạc phát triển

VHO - Công nghiệp âm nhạc đang được coi là một trong những trụ cột chính của ngành công nghiệp văn hóa quốc gia. Tuy nhiên để lĩnh vực này phát triển, vận hành bài bản với đầy đủ thành tố để tạo hiệu quả về quảng bá cũng như doanh thu, thực tế vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức…

“Đòn bẩy” cho công nghiệp âm nhạc phát triển - Anh 1

 Công nghiệp âm nhạc Việt đang có cơ hội phát triển. Trong ảnh: Lễ hội âm nhạc quốc tế Gió mùa 2023. Ảnh: ITN

Cùng với sự phát triển đa dạng của các chương trình âm nhạc, số lượng nghệ sĩ quốc tế đến với Việt Nam thời gian qua cũng gia tăng nhanh chóng. Từ đầu năm 2023 đến nay, người hâm mộ thỏa mãn với các đêm biểu diễn chuyên nghiệp của nhóm nhạc Hàn Quốc Blackpink, Super Junior, ban nhạc Anh 911, ban nhạc Canada The Moffatts, nghệ sĩ Mỹ Charlie Puth… Sắp tới, nghệ sĩ saxophone nổi tiếng người Mỹ Kenny G sẽ có buổi diễn Kenny G live in Vietnam tại Hà Nội vào ngày 14.11; nhóm nhạc Maroon 5 sẽ đến Phú Quốc trình diễn vào ngày 16.12 tại Đại nhạc hội 8Wonder…

Điểm hẹn văn hóa nghệ thuật độc đáo

Những tín hiệu tích cực đó cho thấy Việt Nam đang dần trở thành điểm đến thu hút sự quan tâm của nhiều nghệ sĩ quốc tế; đồng thời đây cũng là tin vui cho văn hóa thưởng thức âm nhạc của khán giả Việt khi họ luôn mong muốn được tận hưởng không gian âm nhạc live đúng nghĩa cùng sân khấu, nghệ sĩ đỉnh cao. Công chúng đã dần hình thành thói quen trả nhiều tiền hơn cho việc thưởng thức âm nhạc - một yếu tố quan trọng để hình thành nền công nghiệp âm nhạc chuyên nghiệp. Việc tổ chức sự kiện âm nhạc quốc tế tại Việt Nam không chỉ nâng tầm vị thế trong lĩnh vực nghệ thuật, văn hóa mà còn góp phần mang lại lợi ích kinh tế cho ngành du lịch, giải trí.

Bên cạnh đó, các lễ hội âm nhạc cũng được rầm rộ tổ chức tại nhiều địa phương. Trung tuần tháng 10 vừa qua, Lễ hội âm nhạc quốc tế Gió mùa (Monsoon music festival) 2023 đã trở lại với chủ đề Phố Hàng Nhạc - dựa trên cảm hứng từ tên gọi 36 phố phường Hà Nội, với sự tham gia của 40 nghệ sĩ trong nước và quốc tế, hơn 70 buổi biểu diễn và 4.000 phút chơi nhạc, lan tỏa không khí lễ hội khắp thành phố Hà Nội trong suốt 10 ngày. Qua 5 mùa thực hiện, Monsoon music festival đã trở thành thương hiệu rất riêng của Thủ đô. Trước đó, cuối tháng 9, Hay glamping music festival đã diễn ra tại công viên Yên Sở, Hà Nội. Đây là năm thứ hai của Hay Fest tiếp tục quy tụ các ngôi sao trong nước và quốc tế, đặc biệt là Ronan Keating, cựu đội trưởng nhóm nhạc Boyzone (Anh quốc) và Epik High, nhóm nhạc hiphop có tiếng của Hàn Quốc.

Tại TP.HCM, Liên hoan âm nhạc quốc tế lần 3 Hò dô (HOZO) kéo dài từ tháng 9 - 12.2023, quy tụ nhiều nghệ sĩ đình đám trong và ngoài nước. Đây là chương trình nghệ thuật đa dạng về thể loại âm nhạc từ EDM, Rock tới Rap, Jazz, Pop, có cả sự kết hợp giữa âm nhạc truyền thống và đương đại. Lễ hội năm nay với nhiều điểm mới đã thu hút đông đảo khán giả, đặc biệt là giới trẻ và hứa hẹn trở thành một điểm hẹn thưởng thức văn hóa nghệ thuật độc đáo tầm cỡ quốc tế mang thương hiệu của TP mang tên Bác…

Cải thiện chính sách, huy động nguồn lực phát triển

Việc tổ chức các chương trình, hoạt động âm nhạc thời gian qua được nhiều địa phương, đơn vị quan tâm. Tại Hội thảo quốc tế Công nghiệp âm nhạc và những triển vọng tương lai vừa diễn ra mới đây, Phó Cục trưởng Cục Hợp tác quốc tế Trần Hải Vân cho biết: “Ngành âm nhạc nói riêng và nghệ thuật biểu diễn nói chung được coi là một trong những lĩnh vực mũi nhọn trong Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa của Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030. Bên cạnh đó, âm nhạc cũng được nhiều thành phố, địa phương lựa chọn là “thế mạnh sáng tạo”, góp phần vào quá trình phát triển bền vững kinh tế - xã hội. Đơn cử chính là Liên hoan âm nhạc quốc tế Gió mùa, được coi là một trong những hoạt động chiến lược nhằm triển khai Đề án Phát triển công nghiệp văn hóa trên địa bàn thủ đô giai đoạn 2021- 2025 của Hà Nội”.

Với tư cách là cơ quan chủ trì thực hiện Đề án phát triển mạng lưới các thành phố sáng tạo của Việt Nam tham gia vào Mạng lưới các thành phố sáng tạo của UNESCO, Cục Hợp tác quốc tế đã phối hợp với Viện Văn hóa nghệ thuật quốc gia Việt Nam và các địa phương liên quan hỗ trợ một số thành phố, đô thị có thế mạnh sáng tạo xây dựng hồ sơ tham gia Mạng lưới của UNESCO, gần đây nhất là hỗ trợ để thành phố Đà Lạt đã được UNESCO ghi danh là Thành phố sáng tạo trong lĩnh vực Âm nhạc vào ngày 31.10.2023 vừa qua.

Tuy nhiên, Viện trưởng Viện Văn hóa nghệ thuật quốc gia Việt Nam PGS.TS Nguyễn Thị Thu Phương cho rằng: “Phát triển công nghiệp âm nhạc tại Việt Nam còn gặp không ít khó khăn do cơ chế chính sách vẫn còn nhiều thách thức. Điển hình như, Monsoon music festival 2023 được cấp phép rất sát ngày, làm ảnh hưởng đến kế hoạch của các đơn vị tổ chức”.

Theo PGS.TS. Nguyễn Thị Thu Phương, với việc Việt Nam đã có một thành phố gia nhập Mạng lưới các thành phố sáng tạo của UNESCO trong lĩnh vực Âm nhạc, chúng ta sẽ có cơ hội kết nối mạng lưới, phát triển quan hệ đối tác - hợp tác, từ đó đa dạng hóa các thực hành âm nhạc, nuôi dưỡng nguồn nhân lực có kỹ năng, chuyên môn và một cộng đồng với gu âm nhạc chất lượng cao. Bên cạnh đó, để có thể thành công, các địa phương cần cải thiện chính sách và mô hình văn hóa, tập trung vào âm nhạc như một yếu tố chiến lược phát triển bền vững, thúc đẩy hợp tác công tư. Đồng thời, đa dạng hóa các ngành kinh tế với công việc sáng tạo chất lượng làm trọng tâm, đặc biệt lĩnh vực âm nhạc, nhằm huy động nguồn lực cho phát triển.

Theo nhạc sĩ Quốc Trung, lễ hội âm nhạc gắn liền với công nghiệp âm nhạc, có thể mang lại hiệu quả quảng bá và kinh tế rất lớn. Để lễ hội âm nhạc tồn tại và phát triển lâu dài, trở thành thương hiệu của một địa phương, thậm chí của một quốc gia, cần sự quan tâm và hỗ trợ từ phía chính quyền.

Đồng tình với ý kiến trên, nhiều chuyên gia cũng cho rằng, cần phải có chiến lược và tầm nhìn dài hạn không chỉ của các cơ quan quản lý mà cả người làm nghệ thuật. Để từ đó, âm nhạc nói riêng và ngành công nghiệp giải trí Việt Nam nói chung có thể phát triển, mang lại những lợi ích lâu dài và thiết thực cho cộng đồng cũng như xây dựng thương hiệu địa phương, cùng với những lợi ích to lớn về kinh tế trong tương lai. 

 MINH HIẾU

Ý kiến bạn đọc