Ngàn sau rồi cũng phút giờ này thôi
VHO - Tôi đã viết tùy bút phê bình về tác phẩm của hơn 20 nhà thơ phần lớn là đương đại. Những tưởng sẽ sớm gặp lại giọng điệu giống nhau của người này và người nọ, nhưng thật thú vị là họ khác nhau rất nhiều. Nay tới tập Viễn ca của Nguyễn Tiến Thanh tôi vẫn thấy như vậy.
Nhìn phần phụ lục thấy đã có hàng chục tiền bối viết về thơ anh rồi, tôi tự nhủ chắc không còn nhiều điều để nói thêm nữa. Ấy vậy mà khi đọc tập thơ, cảm hứng và suy tư trong tôi lại khởi lên mạnh mẽ. Thôi thì cứ nói những gì mình thấy và nghĩ, còn có đóng góp hay không, tôi không mong cầu.
Khi các con tôi lớn dần lên, cái tủ không nhỏ của tôi chứa khá đa dạng các loại sách, nhưng hầu như không sao thu hút được chúng. Không phải chúng không thích đọc sách, mà là khẩu vị rất khác. Chúng tự mua ở hiệu sách để đọc, đôi khi còn đọc trực tiếp bản tiếng Anh. Tôi hiểu kênh cảm thụ của các con đã khác.
Thế nên để tác phẩm chiếm chỗ trọng vọng trong tương lai, tác giả không thể không viết mới và viết khác.
Nhưng mới thì cũng rất nhiều cách. Tôi thấy Nguyễn Tiến Thanh không mới ở độ dài khổ thơ thường đều đặn bốn câu, nhưng anh mới theo cách khác.
Chẳng hạn:
Trên balcony khu tập thể trần gian
(Viết sáng mùng 1)
Tất nhiên là đang ở trần gian rồi, nhưng sao bỗng dưng phải gọi ra nó? Như thể gọi ra tình trạng mình còn sống, mình đang thở… Cái mới ấy nhằm mục đích gì, ta sẽ gặp ở phần sau của bài thơ.
Mở ra một thế giới mới
Trỗi dậy trên hoang vu
Suy tàn trong nồng ấm
Ngay trước thềm mùa xuân, cây cối sắp “trỗi dậy” tưng bừng nhờ mưa và khí ấm, vì sao tác giả lại đặt vấn đề ngược lại? Điều này hẳn rất mới!
Là câu hỏi
Hay là ánh sáng
Vọng vang và chiếu rọi đương thời
Vừa là cái này, vừa là cái kia; đúng quá rồi bởi có công năng như vậy. Cũng như khối lượng và vận tốc có thể chuyển hóa cho nhau theo thuyết tương đối. Điều ấy đã đủ mới chưa?
Những thi nhân bút đâm thủng trời
Trời thì đâu có thể thủng? Nhưng chính vì vậy mới ra cái ý vị giễu nhại sự phộng phạo và tuyệt vọng của thi nhân chứ, mà như thế theo tôi cũng là rất mới.
Tất cả rồi sẽ thấy
Đại bác gầm trên những thảo nguyên
Nhà thơ đã chỉ ra quả sẽ tới của cái nhân bất tín, rất vô thường!
Sáng tạo mắc câu trong không gian nặng mùi hổ thẹn
Chẳng cần chiết tự, bạn đọc cũng quá hiểu từ “không gian” ẩn dụ điều gì!
Môi cười - mà mắt vẫn hiu quạnh buồn
Ít nhất cũng là sự mới so với lối diễn đạt truyền thống “nửa cười nửa mếu” hoặc “dở khóc dở cười”.
*
* *
Trong buổi ra mắt tập thơ Viễn ca, cũng là “lần đầu làm chuyện ấy”, Nguyễn Tiến Thanh chia sẻ đã có 20 năm liền không làm thơ. Trong khoảng thời gian đó anh không biết nhiều bài thơ thời sinh viên của anh vẫn được các bạn sinh viên truyền tay đọc, và một trong số đó là nhà thơ,nhaf phê bình Đỗ Anh Vũ. Khi Vũ đọc lại bài Anh yêu em điều đó dĩ nhiên rồi của hơn 20 năm trước, Thanh rất cảm động và tâm thơ tạm lui sau trí báo vài thập kỷ dần trở lại vị trí trang trọng của mình.
Bản thân tôi cũng có 15 năm gián đoạn với lác đác một số bài thơ làm năm 1997 rồi bặt hẳn tới tận năm 2012 mới viết trở lại. Đó cũng là hiện tượng phổ biến với nhiều cây bút sinh viên sung sức cùng thời khác. Khi quay trở lại, ở tập đầu tiên như tôi là dạng đi nốt những gì thơ thời sinh viên còn dang dở; nên chỉ có nội dung mới mà không có giọng điệu mới. Tuy nhiên giọng thơ Thanh thì đã rất mới so với chính bản thân anh, dù vẫn nhận ra là cùng một cái nền.
Thời sinh viên những từ “dĩ nhiên” lặp đi lặp lại nhiều lần trong câu “Anh yêu em điều đó dĩ nhiên rồi” để khẳng định chiều sâu của tình cảm thì ít mà để gắng che chắn bớt sự bồng bột thì nhiều.
Láng máng nhớ nhà thơ tiền bối Bùi Hứa Hiệp có nhắc một câu, văn xuôi càng đúng ngữ pháp càng tốt còn thơ càng sai ngữ pháp càng tốt. Nên tới khi gặp câu thơ này:
Nếu chiều hôm đó như anh đã
(Tháng 6)
Tôi thử chia chẻ hiện tượng ngữ pháp. “Như anh đã” tức là một hành động đã diễn ra trong quá khứ, vậy thì còn “nếu” gì nữa? Và lối viết thông thường của câu thơ sẽ là “chiều hôm đó anh đã”.
Cấu trúc ấy được lặp lại nhiều lần ở các câu đầu của mỗi khổ thơ sau:
Nếu mùa hôm đó như anh đã
Nếu rừng hôm đó như anh đã….
Và ở khổ cuối cùng là:
Nếu thật, đã đành, không nếu nữa
Hóa ra tất cả những cái “đã” ấy thực chất là giả định!
Tháng 6 xưa này tháng 6 đây
Nhưng dù giả định nó lại thực đến như nhỡn tiền tác giả.
Hôm đó ơi đừng hôm đó nhé
Anh đã chủ động sai không chỉ ngữ pháp mà cả ngữ nghĩa! Tôi men mén hiểu “cầu khiến” của anh không toại nguyện bởi thực chất không có “nếu” cùng “như” mà thực chất là “chiều hôm đó anh đã”. Vẻ như cảm xúc mạnh mẽ và chiều sâu của tình yêu “Chưa buồn nhưng nhớ đã mênh mông” đã khiến anh qua thực mà ngỡ như mơ, như Từ Thức rời động tiên không tin mình từng ở đó. Anh đã “đùa dai” khi nhiều lần lặp lại từ “đương nhiên” để nhấn nhá tính giả định, tính trong mơ của tiên cảnh ấy. Anh có cách làm mờ nhòe nghĩa độc đáo.
*
* *
Thơ thời sinh viên của Nguyễn Tiến Thanh có khá nhiều lục bát, với những bài giờ tôi còn thuộc cả như Lục bát hoa đào và Lục bát trăng tròn. Trong tập Viễn ca chỉ còn chút dấu vết lục bát sinh viên ở những câu kiểu “Gánh tình ra đợi người mua – Hẹn thề cũng bán mà chưa người cần”. Còn lại là những bài lục bát có vị thế ở mức vượt trội so với thơ tự do dù số lượng không nhiều.
Nguyễn Tiến Thanh sử dụng hình ảnh thơ đa dạng. Cao tay hơn, anh có thể đặt các hình ảnh rất tương phản cạnh nhau. Những ước lệ tráng lệ như “rung chuyển sơn hà” được đặt cạnh cái vừa thất thểu vừa rẻ rúng như “thằng nhặt lá đá òa cơn mưa”. Hiện tượng này đã xuất hiện ở một bài lục bát rất hay là Tự khúc.
Cái cấu trúc “đời là…” không mới trong thơ, nhưng cách anh triển khai các hiện tượng ở mức độ phân kỳ, tương phản hoặc thậm chí đối nghịch thì rất mới.
Phần lớn chúng ta, cái xuất phát điểm khi đi học rồi mới đi làm khá đồng pha giữa cái bộc lộ bên ngoài là cuộc đời và cái âm thầm chi phối bên trong là số phận. Nhưng theo thời gian sự đồng pha ấy mất dần, thể hiện dưới đủ dạng loại khác nhau bất kể có phải nhà thơ hay không. Người thơ có cái thú vị là chiêm nghiệm, đúc kết và hệ thống hóa thành những tuyệt tác chẳng hạn bài Tự khúc này.
Bài thơ bắt đầu bằng sự phân kỳ “lăn xa” của cái ống bơ số phận.
Nhưng cái lăn xa ấy không phải kiểu bất thối chuyển bởi như thế chắc đời cũng đỡ nhiêu khê. Nó lại thế này:
Đời là một bữa cơm trưa
Không ăn – sợ đói, ăn – chưa thấy cần
Tất nhiên khi ví von thế, động tác ăn hẳn là hình ảnh ẩn dụ cho cái to tát hơn rồi. Nhưng cái nghĩa hiển ngôn của nó là có thật! Tôi cũng từng ăn đủ ba bữa một ngày, theo cái lối hầu như chưa thấy đói đã lại ăn, cho tới khi thực chứng hành giả Minh Tuệ ăn chỉ ngày một bữa thì tự rút bớt đi một. Không chỉ là cái ăn, con người luôn tìm cầu và nạp vào nhiều hơn so với nhu cầu thực sự của anh ta: tài, sắc, danh, thực, thùy. Và tôi bỗng thấy mừng cho Thanh bởi anh đã vượt thoát khỏi sự trôi lăn vì cái “sợ đói” để như thực tuệ tri cái “chưa thấy cần” ấy.
Chí còn hồ thỉ tang bồng
Lòng thì vẫn quẩn quanh vòng được thua
Năm 1997 tôi có làm câu thơ viết tặng cha mà cũng là tặng chính mình: “Đêm vời vẽ mô hình ngày vướng đầy vật cản – Ba bước đường đã thấy nhà xa”. Cho hay cái mâu thuẫn giữa lý tưởng và hiện thực, giữa kế hoạch và tính khả thi với các nhà thơ đều chẳng xa lạ gì.
Những “thuận duyên” để anh có thể mưu toan một cơn hồng thủy ra trò thì vốn chỉ “lác đác cơn mưa”, đã vậy còn phân tán “Giọt rơi xuống má, giọt lùa suối khe”.
Tôi thấm thía buồn khi đọc:
Đời là một cánh chuồn chuồn
Mỏng như kiếp phận bút mòn giấy trơ
Trong hai mươi năm không làm thơ, Thanh vẫn giấy bút hàng ngày bởi làm báo đó chứ. Nhưng cái giấy bút cho những gì thẳm sâu, có thể ngưng đọng và neo đậu thì mòn trơ không khác được!
Đi qua ngần ấy những trải nghiệm, tưởng chừng người thơ đã kiệt sức và cần kết bài, nhưng anh vẫn tiếp tục:
Bể dâu rồi cũng ơ hờ
Ngàn sau rồi cũng phút giờ này thôi
Câu lục là chung cục của không – thời gian trong ký ức và tâm linh con người; câu bát là điểm chót, thu vón và lặp lại của cả tương lai vô cùng xa. Vậy nó là phút giờ gì mà người thơ có thể chắc chắn từ xa đến thế? Nó là phút giờ nhận ra sự ngắn ngủi đến nhạt nhẽo của đời người:
Đời là một thoáng - đời trôi
Trôi rồi sẽ thấy rụng rơi tháng ngày
Ra đi trời rộng sông dài
Quay về thấy ngắn chẳng tày một gang.
Cái “thu lại” một lần nữa của không – thời gian là sự nhấn mạnh cần thiết để thông điệp của nhà thơ có thể neo đậu trong tâm người đọc; khơi gợi và dẫn dắt cùng anh trên hành trình “quay về” muội lược dần những “tài, sắc, danh, thực, thùy” chả cần quá nhiều đang đè nặng chúng ta.
Cũng từ dấu mốc này, thiền tính đã xuất hiện trong nhiều bài thơ khác của Nguyễn Tiến Thanh. Sau đây là một số ví dụ:
Khổ nạn giống như một… công tắc điện
Bật sao đêm, và tắt mặt trời
(Dạ ca)
Đừng sợ hãi
Dù hoa nở để tàn phai
(Tự nhiên)
Lắng nghe từng giọt trong đời
Rơi vô thanh xuống chân trời lãng khuây
(Tịch liêu thắp một bâng khuâng cuối ngày)
Ví dụ đầy đặn nhất là bài Đường thẳng, một cấu trúc liên tục tự nhận dạng, tự cấp nghĩa – khẳng định – rồi lại phủ định để rồi sau khi nói rất nhiều về đi anh kết bài bằng nghỉ “Cuối cùng – Ta chỉ cần – Một chỗ nghỉ chân”. Hành trình cho phép liên tưởng tới quá trình truyền giáo của Thế Tôn, cả đời Ngài giảng “vô thường, khổ, vô ngã” cho tới tận những năm sắp nhập niết bàn lại giảng “thường, lạc, ngã, tịnh”.
*
* *
Ngày tôi mới ra trường, không nhớ do nhân duyên gì mà anh đồng nghiệp bảo tôi rằng “buồn kiểu mày thì người ta buồn cả ngày”. Tôi bật cười, hiểu ý anh ấy là hàng ngày ai cũng có trải nghiệm tương tự như tôi nhưng người ta không buồn, nghĩ chắc do mình đa cảm quá chăng?
Nay đọc bài Hỏi buồn của Nguyễn Tiến Thanh, câu hỏi ấy lại dội về khiến tôi muốn theo anh xem xét cắt nghĩa và phân loại cho ra nhẽ một phen.
Buồn này từ bất toại nguyện chăng?
Tóc buồn bởi gió chưa bay qua chiều
Hình như có cái buồn trong lúc lẽ ra phải vui?
Tay buồn bởi vẫy chưa nhiều biệt ly?
Còn đây là từ tiếc nuối quá khứ?
Tim buồn bởi nhớ chưa về thơ ngây?
Và đây lại từ muốn thanh tịnh mà bị động loạn?
Sông buồn bởi mái chèo khua?
Đây nữa lại là sự thương vay?
Đò buồn bởi một người chưa lấy chồng?
Còn đây sự ngược đời kiểu thủ phạm thương nạn nhân?
Biển buồn bởi cuối mênh mông
Cánh buồm xưa chết đuối trong dại khờ
Buồn bởi những hiện tượng hoàn toàn tự nhiên?
Sáng buồn bởi mỗi tinh mơ?
Giọt sương thuở ấy bất ngờ vỡ tan
Chữ “thuở ấy” bắt đầu hé lộ cái cớ lý của nỗi buồn, cũng là sự tiếc nuối quá khứ nhưng tinh tế hơn.
Qua phần kiểm kho, tới lúc thi nhân kiểm điểm. Dẫu vẫn là câu hỏi, nhưng anh đã lờ mờ nhận ra nó cũng là câu trả lời: “Buồn rồi cũng chỉ buồn thôi?”.
Nhưng cái yếu tố “bòng bong” (tôi sử dụng khi viết về thơ Nguyễn Đức Hạnh, một bạn thơ cùng khoa Văn đại học Tổng hợp với Nguyễn Tiến Thanh) cho thấy về mặt lý trí anh có nhận ra “ai chẳng đời trôi với buồn” thì về mặt cảm xúc vẫn không dễ thờ ơ kiểu như:
Người buồn – ta cũng kệ luôn?
Ta buồn – người vẫn bình thường ngó trông?
Ở một câu khác, dù chỉ mới men mén tới các tiệm ngộ đầu tiên nhưng cho phép kỳ vọng về chuỗi giác ngộ triệt để của thi nhân trong tương lai:
Buồn là sắc sắc không không?
Buồn là mê tỉnh, hưng vong, thịnh tàn?
Lục trần ấy vẫn thế, vẫn vừa sắc vừa không, trong hưng có vong, trong thịnh có tàn… nhưng cái buồn sẽ khác đi hoặc tiêu biến tùy thuộc lục căn của mỗi con người. Với thi nhân anh cũng dự phóng là:
Một mai giã biệt nhé buồn
Còn nghe chớp bể mưa nguồn tiễn đưa?...
Anh đã tỉnh thức mà thực hành sự buông bỏ như cắt gọt ba via tâm mình, chứ không buông quăng bỏ vãi để rồi chỉ còn lại một tấm gương xuất gia tùy hứng bốc đồng với kết quả là “thối chuyển”. Tâm anh có nghĩ tới “chớp bể mưa nguồn” nhưng không còn dính mắc vào đó nữa.
Một nét thú vị của thơ Nguyễn Tiến Thanh là cái hay của anh dồn phần lớn vào một số bài. Những đặc điểm như câu từ có duyên, lịch lãm, hào hoa… hầu như bài nào cũng có. Nhưng sự bề thế, sum suê và toàn bích từ câu chữ cho tới cấu trúc lại rất tập trung. Có lẽ cũng hoàn toàn tùy duyên thôi chứ anh không chủ đích “bày hàng” cho gian hàng của mình trong triển lãm.
Tuổi còn tương đối trẻ mà đầu lại xanh, tôi tin rồi đây anh sẽ tiếp tục có nhiều sáng tác hay. Hai mươi năm im lặng ấy chỉ là để tập trung cho cú nén vĩ đại nhằm đẩy vệ tinh thơ Tiến Thanh vượt khỏi sức hút của từ trường trái đất mà nhập vào quĩ đạo mênh mông.