“Những cuộc trà trên căn gác cũ” của Trần Nhật Minh

NGUYỄN LINH KHIẾU

VHO - Tôi chưa bao giờ được uống trà cùng nhà văn Trần Nhật Minh. Cũng ít khi được gặp Minh. Nghe nói, anh đang làm quản lý ở một cơ quan truyền thông lớn của Nhà nước, nơi đó bao việc đại sự quốc gia, mình sao dám quấy quả. Chỉ là nhân đọc tập tản văn “Những cuộc trà trên căn gác cũ” cảm thấy thích thú mà viết đôi dòng.

“Những cuộc trà trên căn gác cũ” của Trần Nhật Minh - ảnh 1
Tác giả Trần Nhật Minh

Nhà văn Trần Nhật Minh là người con của phố cổ Hà Nội. Sinh ra và lớn lên ở đó hẳn nhiên được xem là hào hoa phong nhã. Minh xuất thân từ khoa Ngữ văn, Đại học Tổng hợp Hà Nội. Một cái khoa mà tôi thi mãi không vào được. Học khoa ấy ra ai cầm bút, thì rất khó mà tránh được cái sự nổi tiếng văn chương chữ nghĩa. Vì thế, cái sự phong nhiêu, đa tài không chỉ viết văn, làm thơ, làm báo mà còn vẽ vời rất lạ của Trần Nhật Minh, dĩ nhiên chả có gì phải ngó nghiêng luận bàn.

Những cuộc trà trên căn gác cũ là tập văn xuôi thứ hai của nhà văn Trần Nhật Minh. Tập đầu Miền sau cánh cửa ấn hành năm 2020. Khi ra đời Miền sau cánh cửa đã gây một tiếng vang không hề nhỏ trên văn đàn. Nó đã thật thà thông báo về sự xuất hiện của một cây bút chuyên nghiệp. Văn chương nếu chỉ phát lộ bởi năng khiếu, bản năng thì cái viết sẽ chỉ là một sự chơi, amateur. Muốn có văn chương chuyên nghiệp người viết không chỉ ỉ vào năng khiếu, bản năng, hơn thế, phải có bề dày trải nghiệm, tích hợp trữ lượng văn hóa và dồi dào năng lượng sáng tạo. Miền sau cánh cửa, vì thế chỉ sau một thời gian ngắn do áp lực của người đọc đã phải tái bản (2022). 

Những cuộc trà trên căn gác cũ gồm 51 bài tản văn thật gọn gàng, xinh xắn, súc tích, tối giản nhưng thật nhiều phong vị, nỗi niềm và vang vọng. Đó là những tâm tình man mác ưu tư, những câu chuyện dung dị mà thẳm sâu ân tình, những bóng dáng uy nghi như những tượng đài, những gương mặt trìu mến thân thương nhiều tài năng và trắc ẩn. Chuyện của Minh bao giờ cũng trở về với những con người dấu yêu, trân quý, tràn đầy cảm xúc, dù anh có viết về phố phường, làng quê, đất đai, quê hương, đất nước hay ngôn ngữ, báo chí, văn chương, hội họa… Thực là, con người bao giờ cũng là nỗi bận tâm nhất của nhà văn.

Nhà tôi trước ở phố có khung cửa sổ tầng hai căng rộng choáng hết mặt tiền. Gió thênh thang. Con phố cổ nhỏ xinh, một phía ngược lên phía chợ Đồng Xuân, một phía xuôi xuống chợ Hàng Da, ngày xưa bán bát, khi chiến tranh loạn lạc, tản cư, nghề thất truyền. Nhà mái ngói âm dương, sàn gỗ, lạ lắm, mùa đông ấm cúng, mùa hè mát lành. Cha tôi là người ít nói, ít tranh luận, chỉ lặng lẽ ngồi nghe và sắm vai chủ nhà pha trà, rót nước. Giới văn nghệ sĩ hay ghé thăm cũng vì điều đó chăng?”. Trần Nhật Minh đã viết những dòng đầu tiên của tập tản văn mới của mình một cách chậm rãi, giản dị và hết mực chân thành như thế. Chính từ căn gác cũ gia đình mà Minh nhận ra “Những cuộc trà soi bóng thời gian. Còn nhiều người ghé qua căn gác đó. Mỗi người một gương mặt, một tính cách” và thú nhận “tôi đã dần lớn lên trong âm hưởng những mối thâm tình” của cha Minh - một nhà thơ nổi tiếng và những bạn văn vô cùng ngưỡng mộ của ông.

Nhớ về căn gác cũ ấy, anh nhớ về bà, người mà anh luôn xem là người thầy đầu tiên của mình. “Tất cả bóng hình của người phụ nữ Hà Nội xưa: nhẫn nhịn, tần tảo, hết lòng vì chồng con…”. Người bà đã tạo nên nếp nhà. Nếp nhà của người Tràng An. “Lại nói đến bữa cơm gia đình. Tôi coi đó là lớp học đầu tiên. Ở đó tôi thấm nhuần nhiều thứ mà sau này khi đi học, tôi không hề được dạy ở trường. Từ câu mời theo ‘thứ tự lớn - bé’ cho đến cách ngồi, cách gắp thức ăn, cách đưa bát xin bố mẹ xới cơm, cách nhai thế nào cho đẹp, cho nhẹ, tránh phát ra những tiếng động thô, cách chan canh từ bát canh chung - đều có ‘lớp lang’… Nhà có khách cũng vậy, không bao giờ được ăn trước khách, tiếp cho khách xong, mới được ăn”. Và, “Từ bàn ăn đến con đường tới lớp, tôi thấm dần những lời nhắc nhở nhẹ nhàng mà thấm thía của bà”. Vâng, tôi hiểu, đó là anh nói về vai trò của giáo dục gia đình với sự hình thành nhân cách con người. Tiếc thay, những giá trị của gia đình truyền thống và chức năng của giáo dục gia đình dường như đang mai một dần.

Nhớ về căn gác cũ, Minh hồi tưởng về một thời chưa xa mà ngỡ đã rất xa vời. Cái thời cả xã hội đói quắt queo nhưng hết sức thân ái nghĩa tình, hồn nhiên hạnh phúc. Những ký ức thật đẹp và phảng phất một nỗi buồn chơi vơi. Hiện về là căn bếp của mẹ: Cái chạn bát, chiếc cặp lồng, phích nước, cái nồi nhôm, chiếc chảo gang… cùng những tóp mỡ, rau dưa, mắm muối, dầu hỏa. Quên sao được tiếng “mỡ sôi xèo xèo” và những miếng tóp mỡ lép kẹp vàng ươm thần thánh. Thật là “Những đồ đạc ám màu ký ức kể về một thời tem phiếu, bao cấp”. Một cái thời mà nhớ lại cái gì cũng làm ta bần thần, cay mắt, nao lòng.  

Với cảm thức ngẫm ngợi duy tình nguyên bản, Minh viết về người Sài Gòn, về tiếng Việt, về chùa, homestay, về sách, báo tết, đàn ca tài tử, nhạc sến… bao giờ ta cũng thấy cùng với câu chuyện là chan chứa một tấm chân tình của người viết. Những năng lượng yêu thương ấy làm cho câu chữ của trang văn dường như biến mất chỉ còn lại ăm ắp tình người nhân văn nồng ấm.

“Những cuộc trà trên căn gác cũ” của Trần Nhật Minh - ảnh 2

Trong Những cuộc trà trên căn gác cũ, Trần Nhật Minh dành nhiều tâm trí và cảm xúc khắc họa chân dung những văn nhân gắn bó thân thiết với gia đình và bản thân. Đúng ra đó chỉ là những ký họa chân dung tâm hồn, những chấm phá đột khởi về cá tính, văn tài và nhiều lắm những gì đó rất khó gọi tên. Đó là những bạn văn nổi tiếng của nhà thơ Trần Nhật Lam, cha Minh, những đồng nghiệp trân quý ở cơ quan và những người bạn văn nghệ thân thiết thường nhật gắn bó cùng anh.

Trần Nhật Minh viết về các bậc cha, anh thật bình dị mà tôn kính, hết mực trân trọng mà gần gũi thân tình. Đó là, “nhà thơ Xuân Diệu đọc thơ say đắm. Giọng miền Trung nằng nặng nghe không rõ, nhưng âm điệu thì đúng là thơ không lẫn vào đâu được… Đọc xong ông còn đem thơ trẻ ra mổ xẻ, người được khen dịu dàng, người bị chê chan chát”. Đó là “Tô Hoài gửi lại nhiều câu văn mẫu mực. Nhưng đọng lại trong cái vỏ chữ nhấp nháy đó là một vi chất tinh thần trong như giọt sương sớm khẽ đậu vào cuộc đời. Mong manh mà bền vững đến huyền diệu. Đọc ông, người ta thấy một tầm mức văn hóa, ẩn chứa dòng chảy dạt dào mà không hề khoe mẽ”. Nhà thơ “Trần Lê Văn vóc hạc, ánh mắt lúc nào cũng đượm buồn, lúc nào cũng hỏi: ‘Có ai nghe thấy một tiếng vọng/ Thì thả con thuyền sang với tôi’. Cuộc đời nhà thơ có những chuyện buồn mà chỉ bác mới tự nuốt lệ: ‘Vợ gửi tuổi xuân trên núi/ Con gửi trí khôn trên trời/ Bạn gửi tiếng cười dưới đất/ Tôi tìm gì nhỉ quanh tôi’”. Đọc những dòng Minh viết này thật thắt lòng.

Trần Nhật Minh viết về một người bạn cùng học với bố anh - nhà văn Mai Quốc Liên: “Ông ít hơn cha tôi vài tuổi nhưng thân nhau như bạn vong niên. Lần nào từ Sài Gòn ra Hà Nội lo công việc, họp hành, ông đều dành chút thời gian đến thăm căn gác cũ. Đến chơi, ông lúc nào cũng chỉ ‘đòi’: Ông bà mua cho tôi vài bìa đậu, giờ ăn uống được gì đâu, nhâm nhi vài li với ông thôi”. Và Minh thổ lộ những cảm nhận hết sức tinh tế: “Ngồi ngắm hai bậc cha chú uống với nhau mà phục một người thẳng căng, âm thanh chói gắt, một người lặng lẽ, nói nhỏ đủ nghe. Hai người bạn, một Quảng Nam, một Hà Nội, hai tính cách khác xa nhau mà ‘máu thịt’ qua bao thăng trầm thời gian”.

Trần Nhật Minh có những trang viết về các “ông anh” thật nâng niu, trìu mến và cảm thấu. “Hoàng Nhuần Cầm không phải mẫu đàn ông bóng bảy. Cầm bình dị, mộc mạc. Nhưng Cầm luôn tự tin trong thế giới mĩ từ của mình… Ngôn từ của anh luôn đẹp, mĩ lệ dù viết về chủ đề gì. Không quá rối rắm trong tầng lý luận này, lớp minh triết kia, hoặc cầu kì chiết tự chữ nghĩa… thơ Cầm tạo sự rung cảm nhờ nhạc tính và sự bùng nổ con chữ”. Đó là nhà thơ Lê Huy Quang “Tôi nhớ như in ngày đầu tiên được gặp anh ở một cái quán cũ. Một cảm giác hơi chờn bởi cái dáng vóc xù xì, tóc cờm, áo vải thô túi ‘băng đạn’, đặc biệt đôi guốc mộc nghe nói xuân hạ thu đông đều dính chặt đôi chân anh đã trở thành thương hiệu, rồi giọng nói nữa, thật gằn như muốn ném cái khí khái đến thẳng căng, tưng tửng vào bàn rượu… là ngang tàng vậy thôi chứ ân cần lắm, chiều chuộng đàn em lắm”. Vâng, anh Cầm, anh Quang đều là chỗ thân thiết với tôi, tôi đâu lạ gì. Thế mà đọc Minh tôi vô cùng ngưỡng mộ tấm chân tình của Minh đối với hai anh. Rồi giật mình ngẩn ngơ vì hai ông anh yêu quý đã đi xa cả rồi.  

Những cuộc trà trên căn gác cũ, Trần Nhật Minh có nhiều trang viết về đồng nghiệp ở Đài Tiếng nói Việt Nam, nơi làm việc của cha con anh. Nhiều người đã từng uống trà trên “căn gác cũ” đàm đạo văn chương với cha anh bởi họ là bạn văn, là đồng nghiệp của cụ. Đó là, các “cụ” Nguyễn Bùi Vợi, Trần Nguyên Vấn, Trúc Thông, Vũ Quần Phương, Lê Đình Cánh, Lâm Huy Nhuận, Trương Hữu Lợi, Nguyễn Chu Nhạc… Ví như, “Nhà thơ quê xứ Nghệ Nguyễn Bùi Vợi giọng bình thơ của ông hóm hỉnh, sâu cay, nối thơ vào những suy ngẫm cuộc đời. Đặc biệt, cái chất Nghệ đậm đặc luôn thấm đẫm trong thơ và câu chuyện của nhà thơ”. Hay, “Nhà thơ Trúc Thông là người luôn hướng về cái mới. Ông sợ lặp lại chính mình. Ông khắt khe với bạn thơ trẻ, khắt khe với cả chính mình một cách cực đoan. Cuộc trà đàm đạo nào Trúc Thông cũng chỉ nói chuyện thơ và hành trình đổi mới để thơ cập bến nhân”. Với Lê Đình Cánh “Từng dòng lục bát lại thăm thẳm chuyện nhân tình thế thái. Cái giọng xứ Thanh của ông nhiều lúc thật khó nghe nhưng không thể giấu được sự quyết liệt trong suy nghĩ, quan niệm về học thuật, về nghề nghiệp”. Và, “Thơ Lâm Huy Nhuận đậm triết, ngấm như đọc câu kinh., câu kệ… Thơ không kể lể mà gieo vào lòng người những ý niệm. Nhiều bài có màu sắc hội họa, đẹp thâm trầm. Nhiều nhà thơ có thơ đọc vang ra ngoài, thơ Nhuận ngược lại dội vào trong, mỗi câu chữ được gọt hết những vỉa thừa, như tiếng vọng xuống lòng giếng sâu”.

Những trang viết về các bậc cha, anh - nhiều tên tuổi đã để dấu ấn sâu đậm trong nền văn chương nước nhà - Trần Nhật Minh không chỉ cho thấy sự quan sát tinh tế, sự biểu lộ tình cảm một cách sâu đậm mà bao giờ cũng phát lộ những cảm thức huyền minh về văn chương, về nhân sinh, đời người. Cảm thức ấy, không phải người cầm bút nào cũng có được. “Thơ có lẽ là thứ khó nhất trong các thể loại văn học. Bà Mụ buộc chặt cuống rốn nhà thơ vào người mẹ thơ ca. Chứ học viết văn làm thơ được thì cả nước mình chả ai đi cày, đi bừa vất vả nữa, ngồi chiếu xếp bằng uống rượu đọc thơ sang nhã, tội gì. Nhưng văn chương như con bướm xinh, ngày đẹp trời, nó đậu vào ai, người đó hưởng, còn đám đông hùa nhau xán vào nó, nó bay mất tiêu”; hay, “Mở rộng cánh cửa nghĩ ngợi, tự do bay lượn thoát khỏi đám đông ồn ã. Nhưng lại tiết chế, tránh màu mè, thời thượng, PR, chém - nổ đùng đoàng. Đó là những nghệ sĩ đóng vai chính mình mà không cần phải phô diễn”. Và, “Ở đâu có Con Người với sự trân quý đến tận cùng, ở đó có văn chương nghệ thuật. Chữ Người viết hoa không treo gửi vào những cái mắc vay mượn ‘đạo đức’ nào, mà sống hòa vào những kiếp đời khuất chìm nhưng đầy kiêu hãnh”. Rất nhiều những dòng như thế. Thật phong nhã huyền minh. Gợi rất nhiều ngẫm ngợi. Lay động thật nhiều chơi vơi. Phải đọc nhẩn nha thật chậm.

Đọc Những cuộc trà trên căn gác cũ, tôi đặc biệt hứng thú với những trang Trần Nhật Minh viết về bạn bè. Minh viết về bạn bè hết sức tinh tế, nền nã mà vô cùng hào sảng. Viết về bạn văn phải thật là người có tấm lòng yêu bạn. Tản văn viết về bạn bè dẫu có miên man về cái gì thì chẳng qua cũng chỉ là để nói với bạn rằng tôi yêu bạn. Chữ nghĩa đâu có nhiều. Không yêu một chữ cũng không viết.

Minh đã viết cực “mả” về nhà thơ, họa sĩ Trần Thắng “Tranh Thắng là sự tổng hòa giữa hội họa và đồ họa nên nó vừa có sự chặt chẽ, tính toán lại có cả những đường bút, vệt bay tung tẩy. Gần đây, Thắng lao vào chủ đề vũ trụ, thiên hà xen lẫn những câu chuyện nhân sinh, cội rễ loài người với những sắc màu lạ, sâu và thăm thẳm lớp nghĩ”. Minh viết “Mộng du đôi bờ thơ - họa” về Chu Hồng Tiến bạn mình, một cách nâng niu và nhiều ưu ái “Anh lặng lẽ như chính con người mình, không ưa ồn ã hoành tráng, chỉ liu riu góc phòng, như tách biệt, như trôi ngoài câu chuyện… chỉ ít người khi nghe Chu Hồng Tiến mới sực nhớ ra cái tên này còn thuộc về thơ ca và hội họa... Những câu thơ, những sắc màu Chu Hồng Tiến cứ ‘mộng du’ đi qua vẻ đẹp trần gian, tối giản mà đẫm sâu ánh nhìn nội tâm”.

Với Nguyễn Tiến Thanh, “Tài hoa đi giữa miền phiêu lãng”, một người thơ lãng tử nổi tiếng khi còn là sinh viên, nhưng “sau này thơ anh gắn với đời hơn, với miếng cơm manh áo, những đớn đau kiếp nhân sinh. Thơ anh xuôi theo hai bờ nhân gian và tình ái, triết học và thi ca. Giữa thực và ảo, giữa tỉnh và mê, lãng mạn và từng trải”. Tiến Thanh vừa xuất bản Viễn ca, rất đình đám, càng cho thấy sự dự cảm chí tình của Minh. Rồi Minh viết về Lê Anh Hoài một “nhà liền kề” phong lưu đa phong cách. Thực tình mỗi lần gặp Hoài, tôi đều có ý né bởi trông hơi ác ôn, rất dị. “Hoài dị. Rõ rồi. Dị biệt trong nghệ thuật nhưng không lập di khó coi, tôi còn thấy Hoài dung dị. Dị trong sáng tạo còn tối giản nhẹ thênh ngoài đời, áo buông, quần hộp, dép cao su, cười cười nói nói nhẹ nhàng, ấm áp, bạn bè xúm xít, đàn hát vô tư… Trong cuộc vui bạn bè, Hoài nói năng vừa đủ, không quá tán dương, vuốt ve, cũng không chòng ghẹo khó chịu bề trên”.

Tôi có đôi lần gặp Phùng Gia Thế, thấy anh mô phạm, đạo mạo, khiêm cung,  lại nghe học hàm, học vị, phẩm hàm ghê lắm, nên vẫn có ý dè chừng, e ngại. Đấy chỉ là cái sự tự ti, mặc cảm vốn có của kẻ thơ phú lăng nhăng. Đọc Minh viết về người thầy phong thái rất “hàn lâm” ấy, tôi tự thấy bớt đi phần nào cái sự dè chừng, e ngại. “Phùng Gia Thế hay ở chỗ khác với nhiều tay có đọc, có kiến thức nhưng ham chém, vỗ ngực tự cao tự đại, khoe mẽ, ít chịu người khác. Anh thường lui lại nấp đi và luôn chiều bạn bằng cách đi tìm những đồng điệu. Thế hấp dẫn chính ở sự bí ẩn đó, khiêm cung đủ để nhập cuộc không nhạt mà cũng không quá ồn ào - bí ẩn như chính cái tên cuốn sách mới tinh của Thế: Hiểm địa văn chương”.

Minh viết về Nguyễn Tri Thức một nhà báo cùng cơ quan tôi cũ. Với tôi, Thức quả là một người sống hay, chơi đẹp, một tài năng, một tên tuổi vang danh làng báo. Cùng cơ quan, gặp nhau hàng ngày cứ tưởng hiểu nhau cả. Thế mà đọc Minh viết mới ngớ ra. “Thức đi nhiều viết khỏe mà không hời hợt. Với Thức viết là lao động, là niềm vui. Anh bảo nhặt nhạnh những chuyến đi, những lần soạn giáo án lên lớp, những bài chuyên đề ‘đấu tranh dư luận’… gom gom lại in sách cho đỡ phí. Vì thế lượng sách chung - riêng của anh cứ dày trên giá… Trong phóng sự của anh có những đoạn, khúc như tản văn và trong tản văn, anh cũng cài được những thông số đời thường để dẫn dắt cảm xúc của mình. Đó là sự nhuần nhuyễn tài tình của một người có nghề, biết đi, biết đọc, biết chơi và biết viết”.  

Tôi bỗng tiếc mình chưa có duyên với nhà văn Trần Nhật Minh để được anh viết cho đôi dòng. Để có cớ ngồi với anh uống một chén trà hay một chai ngon như Trần Thắng, Lê Anh Hoài, Phùng Gia Thế, Nguyễn Tiến Thanh, Đỗ Anh Vũ... Để được thưa chuyện văn chương và hỏi Minh, cầm bút viết về bạn mà yêu bạn đến mức như thế này thì có mệt lắm không?