“Theo dấu chân Người”:

Tập truyện ký khắc họa hành trình 30 năm Bác Hồ ra đi tìm đường cứu nước

ĐÌNH TOÁN

VHO - Chiều 26.8 tại Hà Nội, NXB Hội Nhà văn, đơn vị phát hành tập truyện ký Theo dấu chân Người đã tổ chức tọa đàm giới thiệu cuốn sách.

Bằng tất cả sự tâm huyết và sức lao động văn chương bền bỉ trong nhiều năm qua, GS.TS, nhà văn Trình Quang Phú đã hoàn thành và cho ra mắt bạn đọc cuốn sách Theo dấu chân Người, viết về hành trình 30 năm Bác Hồ ra đi tìm đường cứu nước.

Tập truyện ký khắc họa hành trình 30 năm Bác Hồ ra đi tìm đường cứu nước - ảnh 1
Toàn cảnh buổi tọa đàm ra mắt sách

Cuốn sách dày gần 600 trang, kể về hành trình của chàng thanh niên Nguyễn Tất Thành, kể từ khi rời bến cảng Nhà Rồng ngày 5.6.1911, trong suốt những năm tháng bôn ba năm châu bốn bể, tìm hiểu phong trào đấu tranh cách mạng ở nhiều nước như Pháp, Mỹ, Anh, Liên Xô, Trung Quốc, Hồng Kông... rồi về Pác Bó (Cao Bằng) trực tiếp lãnh đạo cách mạng Việt Nam (ngày 28.1.1941).

Bằng bút pháp truyện ký, tác giả dẫn dắt người đọc vào các câu chuyện về Bác thật sinh động mà nhẹ nhàng, sâu lắng, dễ cảm thụ, dễ nhớ. Qua đó, góp phần giáo dục thế hệ trẻ cùng toàn thể người dân sống, học tập, lao động theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.

Theo tác giả Trình Quang Phú, sau khi tác phẩm Từ làng Sen đến bến Nhà Rồng in lần đầu ở NXB Văn học năm 1996, ông đã mang sách đến tặng Thủ tướng Phạm Văn Đồng, người ông vẫn thường gọi một cách thân thương là chú Tô.

Tập truyện ký khắc họa hành trình 30 năm Bác Hồ ra đi tìm đường cứu nước - ảnh 2
GS.TS, nhà văn Trình Quang Phú phát biểu tại tọa đàm

Trong cuộc trò chuyện thân mật đó, chú Tô dặn tác giả: “Cháu nên dành thì giờ nghiên cứu về 30 năm Bác ở nước ngoài. 30 năm tính từ ngày Bác rời Sài Gòn cho đến ngày Bác về nước là một kho tàng rất hấp dẫn đó cháu.”

Do đó, cuốn sách cũng là lời hứa của tác giả với cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng. Được biết, từ lúc nhận lời cố Thủ tướng đến lúc “thai nghén” ý tưởng cuốn sách, GS.TS, nhà văn Trình Quang Phú phải mất 28 năm. Tìm hiểu về hành trình 30 năm của Bác Hồ ở nước ngoài không hề đơn giản, nhưng tác giả vẫn nỗ lực hoàn thành cuốn sách ở tuổi 84.

Để có được những trang viết chân thực, xúc động nhất, hơn một phần tư thế kỷ, GS.TS Trình Quang Phú đã đến Pháp, Anh, Mỹ, Nga, Trung Quốc... Có những nước như Pháp, Nga, ông đã đến hàng chục lần; và thậm chí đến cả vùng viễn đông của Nga như Khabarovsk, Vladivostok. Ông đi sưu tầm tư liệu và ghi chép, rồi đối chiếu.

Tập truyện ký khắc họa hành trình 30 năm Bác Hồ ra đi tìm đường cứu nước - ảnh 3
Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam Nguyễn Quang Thiều phát biểu

Nhà văn xúc động và thấy được khích lệ khi đi đến quốc gia nào, ở thể chế chính trị nào, ông cũng cảm nhận được rằng người dân ở đó đều tôn trọng Bác, dành sự trân quý với Bác và họ tự hào khi đất nước họ in dấu chân Bác.

“Với tất cả tình cảm cao quý với Bác, với sự thôi thúc của một nhà văn, tôi đã xây dựng nên tập truyện ký Theo dấu chân Người với hy vọng sẽ mang đến cho bạn đọc những thông tin, tư liệu bổ ích; để người đọc sẽ hiểu thêm, sẽ yêu, sẽ học tập phong cách, ý chí cao cả của Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu,” nhà văn Trình Quang Phú chia sẻ.

Phát biểu tại buổi tọa đàm, nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam cho hay, ngày càng có nhiều nhà văn mạnh dạn sáng tác về các vĩ nhân trong lịch sử, đặc biệt là Chủ tịch Hồ Chí Minh; góp phần thu hẹp khoảng cách giữa các nhà văn và danh nhân lịch sử.

“Các nhà văn đã xóa đi những nghi ngại, lo lắng khi viết về nhân vật lịch sử. Họ đã viết một cách đầy rung động và cảm xúc. Họ không chỉ dựng một bức tượng vĩ nhân bằng ngôn từ mà còn làm cho nhân vật đó trở lại trong đời sống đương đại. Văn chương mở ra những biên độ khác, sâu sắc hơn và tràn đầy hơi thở cuộc sống”, nhà thơ Nguyễn Quang Thiều chia sẻ.

Tập truyện ký khắc họa hành trình 30 năm Bác Hồ ra đi tìm đường cứu nước - ảnh 4
Truyện ký "Theo dấu chân Người" của tác giả Trình Quang Phú

Nhà văn Nguyễn Bình Phương, Phó Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam cho hay, viết văn học về lịch sử đã khó, viết về một nhân vật lịch sử mà mọi người đã biết như Bác Hồ càng rất khó. Bên cạnh đó, viết về Bác Hồ cần sự kính trọng, sự can đảm, bền bỉ, và nhà văn Trình Quang Phú đã biến sự kính trọng thành hành động.

“Viết về Chủ tịch Hồ Chí Minh nếu không có góc nhìn mới, tư liệu mới thì dễ bị nhàm chán. Nhưng nếu có tư liệu mới, góc nhìn mới lại dễ bị hoài nghi về tính xác thực của tư liệu, thậm chí vấp vào suy diễn quan điểm”, nhà văn Nguyễn Bình Phương nhìn nhận và cho biết, nhà văn Trình Quang Phú đã can đảm vượt qua và khéo léo truyền tải những câu chuyện về Bác Hồ.

Tin liên quan

Ý kiến bạn đọc