Mở rộng hướng đi cho ngành Âm nhạc học
VHO - Là một ngành quan trọng đặc thù trong đào tạo âm nhạc hàn lâm, nhưng trong khoảng 10 năm trở lại đây, số lượng sinh viên theo học và tốt nghiệp ngành Âm nhạc học ngày càng giảm. Thực trạng này đòi hỏi các đơn vị đào tạo cần khẩn trương nghiên cứu, đổi mới để phù hợp với yêu cầu thực tiễn, mở ra hướng đi cho sự phát triển của ngành…
Thực trạng đáng lo ngại
Trong giai đoạn hiện nay, đời sống âm nhạc nước ta ngày càng phong phú và đa dạng. Cùng với những thành tựu của làng nhạc Việt, công chúng còn được thưởng thức nhiều chương trình hòa nhạc của các nghệ sĩ, dàn nhạc và nhà hát tên tuổi trên thế giới. Hơn bao giờ hết, đời sống âm nhạc của đất nước đang đòi hỏi cấp thiết một đội ngũ lý luận phê bình chuyên nghiệp, có trình độ cao, đóng vai trò cầu nối giữa nhạc sĩ, nghệ sĩ biểu diễn và thính giả.
Tại Hội thảo “Định hướng ngành Âm nhạc học đáp ứng nhu cầu phát triển của xã hội trong giai đoạn mới” do Học viện Âm nhạc Quốc gia tổ chức mới đây, PGS.TS Nguyễn Bình Định, nguyên Viện trưởng Viện Âm nhạc (Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam) cho biết: Chuyên ngành Lý luận Âm nhạc trong chương trình đào tạo tại các cơ sở đào tạo âm nhạc ở nước ta hiện nay được gọi là chuyên ngành Lý thuyết Âm nhạc ở bậc trung cấp và chuyên ngành Âm nhạc học ở bậc đại học, sau đại học. Riêng tại Hà Nội, trong gần 70 năm qua, từ Trường Âm nhạc Việt Nam đến Nhạc viện Hà Nội và nay là Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam, đã có hàng trăm sinh viên, học viên chuyên ngành Âm nhạc học tốt nghiệp các bậc đại học, cao học, tiến sĩ ra trường, nhận công tác.
“Khoảng những năm 1990 trở về trước, thi đỗ và trở thành sinh viên ngành Lý luận Âm nhạc, thuộc Khoa Lý luận - Sáng tác - Chỉ huy (thường được gọi tắt là Khoa Lý - Sáng - Chỉ) là một điều tự hào, hãnh diện. Khi đó, việc tuyển sinh cho trung cấp cũng như đại học không gặp khó khăn. Tuy nhiên, khoảng hơn 20 năm trở lại đây, tình hình tuyển sinh cho chuyên ngành Âm nhạc học ngày càng khó khăn, chật vật”, PGS.TS Nguyễn Bình Định nhận định.
Cùng ý kiến, PGS.TS Phạm Phương Hoa, nguyên Quyền trưởng Phòng Đào tạo, Quản lý Khoa học và Hợp tác quốc tế (Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam) phân tích: “Trong 10 năm trở lại đây, số lượng học sinh trung cấp theo học và tốt nghiệp ngành Âm nhạc học chưa bao giờ vượt quá 5 em. Nhiều năm không có học sinh nào. Số sinh viên đại học cũng hiếm khi vượt quá 10 em, thậm chí có năm chỉ có 3 em tốt nghiệp. Ở bậc thạc sĩ, số lượng còn ít hơn; có khi 3-4 năm mới có 1 học viên theo học và tốt nghiệp. Đây là thực trạng rất đáng lo ngại cho sự phát triển của ngành trong tương lai”.
Đổi mới đào tạo phù hợp với thực tiễn
Theo TS Phan Thuận Thảo, Học viện Âm nhạc Huế: “Cần nhìn nhận rằng đào tạo các ngành nghệ thuật ở nước ta hiện nay gặp nhiều khó khăn vì ít người học. Với ngành Âm nhạc học, tình hình càng khó khăn hơn bởi so với các chuyên ngành biểu diễn, ngành này không dễ thu hút người học. Sau khi tốt nghiệp, sinh viên cũng khó tìm được việc làm có thu nhập tốt đúng chuyên môn”.
Sự khó khăn trong khâu tuyển sinh dẫn đến việc một số cơ sở đào tạo buộc phải hạ thấp tiêu chuẩn chất lượng đầu vào. Một vấn đề khác là nhiều cơ sở chưa đặt nặng việc cập nhật chương trình, giáo trình và tài liệu tham khảo mới xuất bản ở Việt Nam và trên thế giới. Hệ thống tài liệu về lý luận và phê bình âm nhạc tại các trường âm nhạc Việt Nam chưa được cập nhật đầy đủ để bao quát các xu hướng quốc tế.
Trong bối cảnh nền kinh tế thị trường tác động mạnh mẽ đến mọi hoạt động xã hội, sản phẩm đào tạo âm nhạc càng cần được định hướng rõ ràng. PGS.TS Nguyễn Trọng Ánh, nguyên Trưởng Khoa Kiến thức âm nhạc, Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam đề xuất: “Cần tổ chức tốt các hoạt động đổi mới nội dung chương trình và phương pháp giảng dạy, coi đây là nhiệm vụ bắt buộc đối với giảng viên”.
Nhà nghiên cứu Nguyễn Quang Long, Tạp chí Âm nhạc Việt Nam nhận định: “Đào tạo cần phải bắt đầu từ việc giải quyết tồn tại trong lý luận phê bình âm nhạc. Xây dựng giáo trình phù hợp với thực tiễn là vấn đề cấp thiết”.
Thực tế hiện nay, sinh viên ngành Âm nhạc học có thể làm việc tại Viện nghiên cứu, giảng dạy, biên tập báo hoặc biên tập chương trình âm nhạc ở đài truyền hình. Tuy nhiên, như PGS.TS Phạm Phương Hoa chia sẻ: “Những công việc này cần rất ít nhân sự và một người thường giữ vị trí trong 25-30 năm, trong khi năm nào cũng có sinh viên tốt nghiệp, khiến việc tìm việc làm đúng chuyên môn trở nên khó khăn”.
Để giải quyết vấn đề này, các chương trình đào tạo cần thay đổi để hấp dẫn người học, đảm bảo sinh viên sau tốt nghiệp có khả năng tìm việc và thu nhập ổn định. Ngoài đào tạo các nhà nghiên cứu âm nhạc học thuần túy, cần mở rộng thêm các nhánh đào tạo mới phù hợp với nhu cầu thực tiễn, từ đó tìm ra con đường phát triển bền vững cho ngành.