Định hướng ngành Âm nhạc học đáp ứng nhu cầu phát triển của xã hội

THANH NGỌC

VHO - Ngày 27.11, tại Hà Nội, Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam (Học viện) đã tổ chức Hội thảo “Định hướng ngành Âm nhạc học đáp ứng nhu cầu phát triển của xã hội trong giai đoạn mới”. Hội thảo nhằm tổng kết, đánh giá những thành tựu, khó khăn trong đào tạo ngành Âm nhạc học tại Học viện. Từ đó đưa ra những biện pháp khắc phục, chỉ ra hướng đi nhằm đáp ứng nhu cầu đào tạo nhân lực phù hợp với giai đoạn mới, đáp ứng thực tiễn phát triển của xã hội hiện nay.

Định hướng ngành Âm nhạc học đáp ứng nhu cầu phát triển của xã hội - ảnh 1
TS.NSND Đỗ Quốc Hưng, Phó Giám đốc phụ trách Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam cho biết, hội thảo “Định hướng ngành Âm nhạc học đáp ứng nhu cầu phát triển của xã hội trong giai đoạn mới” được tổ chức để đánh giá những mặt đã đạt được và những mặt còn tồn tại trong thời gian qua

Khoa Sáng tác, Chỉ huy, Âm nhạc học (tiền thân là Khoa Lý luận, Sáng tác, Chỉ huy) là một Khoa chủ chốt, gắn liền với lịch sử hình thành và phát triển Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam từ năm 1956 (khi thành lập Trường Âm nhạc Việt Nam). Trong suốt thời gian qua Khoa đã đào tạo nên nhiều thế hệ nhạc sĩ sáng tác, nhạc trưởng, nhà lý luận, phê bình và nghiên cứu âm nhạc… 

Riêng ngành Âm nhạc học, nhiều người sau khi tốt nghiệp đã trở thành các nhà giáo, nhà nghiên cứu, nhà phê bình… hoạt động trong môi trường âm nhạc chuyên nghiệp.

Bước sang thế kỷ XXI, để đáp ứng mục tiêu phát triển hội nhập sâu rộng với khu vực và thế giới, các phương diện sáng tác, biểu diễn, lý luận, phê bình… phải đạt được những yêu cầu cao về nghệ thuật, thẩm mỹ và tư duy âm nhạc; đặc biệt trong lĩnh vực Âm nhạc học (bao gồm nghiên cứu, lý luận, phê bình và các chuyên ngành khác) phải có cách tiếp cận mới, hướng đi mới, đảm bảo tính cập nhật và chuyên sâu.

TS.NSND Đỗ Quốc Hưng, Phó Giám đốc phụ trách Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam cho biết, trong đào tạo ngành Âm nhạc học hiện nay, sinh viên được vận dụng những kiến thức âm nhạc cơ bản và kỹ năng phân tích để thực hiện viết các tiểu luận, khoá luận, bao gồm cả nội dung hướng dẫn sinh viên nghiên cứu về âm nhạc gắn với thực tiễn, gắn với đời sống xã hội.

Giai đoạn tốt nghiệp, các em sẽ được lựa chọn một trong các mảng nghiên cứu chuyên sâu: âm nhạc phương Tây, âm nhạc mới Việt Nam, âm nhạc dân tộc cổ truyền và phê bình âm nhạc để hoàn thành đề tài khoá luận Đại học.

Trước yêu cầu phát triển kinh tế xã hội và hội nhập quốc tế theo định hướng của Đảng và Nhà nước, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã nhấn mạnh: “tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW, ngày 14.11.2013 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI “Về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng công nghiệp hoá, hiện đại hoá trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế”.

Để đáp ứng yêu cầu đó, Học viện Âm nhạc sẽ tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động giáo dục. Và hội thảo “Định hướng ngành Âm nhạc học đáp ứng nhu cầu phát triển của xã hội trong giai đoạn mới” được tổ chức để các chuyên gia, nhà giáo, nhà lý luận, phê bình, nhà báo đã cùng bàn thảo, đánh giá những mặt đã đạt được và những mặt còn tồn tại trong thời gian qua. Từ đó đưa ra những biện pháp khắc phục, chỉ ra hướng đi nhằm đáp ứng nhu cầu đào tạo nhân lực phù hợp với giai đoạn mới, đáp ứng thực tiễn phát triển của xã hội hiện nay.

Tại hội thảo, nhiều ý kiến cho rằng, thực tế ngành Âm nhạc học số lượng sinh viên ngày càng ít đi, đầu ra thì rất khó tìm việc, trong khi quá trình học lại rất nặng. Theo PGS.TS Nguyễn Trọng Ánh, có một thực tế diễn ra trong những năm qua là trình độ năng lực của sinh viên sau khi ra trường đôi khi còn chưa đáp ứng yêu cầu công việc. Vì thế, các em thường phải tự nâng cao thêm trình độ hoặc tham gia những lớp ngắn hạn để bồi dưỡng nghiệp vụ.

Thực trạng này một phần cũng là do nguyên nhân đến từ sự khiếm khuyết của chương trình đào tạo, từ đó sinh viên thiếu đi những kiến thức và kĩ năng thực hành quan trọng cần trang bị, chẳng hạn như: lí thuyết âm nhạc phương Tây thời kì Baroque (1600-1750) và thế kỉ XX; phương pháp xướng âm và kí âm dân ca và nhạc cổ truyền; kĩ năng sư phạm âm nhạc; những thao tác chuyên môn cần thiết trong hoạt động điền dã và sưu tầm; kiến thức cơ bản về âm thanh học; trình độ sử dụng công nghệ trong hoạt động nghề nghiệp; v.v...

Cùng với những hạn chế về năng lực làm việc, vấn đề việc làm sau khi tốt nghiệp thì cũng để các em cùng gia đình tự lo liệu. Mọi người còn nhớ trước đây trong thời kì bao cấp, sinh viên học xong chương trình khi ra trường bao giờ cũng được nhận quyết định phân công công tác từ Bộ chủ quản.

Còn hiện nay thì sao? Nhờ mối quan hệ xã hội quen biết hoặc may mắn thì tìm được việc làm, nếu không, các em sẽ phải chấp nhận tình cảnh “làm trái nghề” hoặc tệ hơn nữa là nguy cơ “thất nghiệp” có thể xảy ra. Một bức tranh khá ảm đạm đang hiện hữu.

Định hướng ngành Âm nhạc học đáp ứng nhu cầu phát triển của xã hội - ảnh 2
Toàn cảnh hội thảo

Do đó, PGS.TS Nguyễn Trọng Ánh cho rằng, việc hướng đến chất lượng chuyên môn cũng như giá trị sử dụng của sản phẩm đào tạo, cần chú trọng và tổ chức tốt các hoạt động ngoại khóa theo chủ đề: Âm nhạc trong mối liên quan với các ngành khoa học xã hội và tự nhiên (như Triết học, Mĩ học, Tâm lí học, Xã hội học, Nhân chủng học, Y học, v.v...).

Thành lập bộ phận tư vấn, giới thiệu việc làm cho sinh viên. Về mặt tổ chức, trước hết, bộ phận này hoạt động theo mô hình trực thuộc. Sau đó, khi đã đủ điều kiện về năng lực hoạt động có thể phát triển thành đơn vị độc lập, tự chủ về tài chính.

Về nội dung hoạt động, do sát sao với nhu cầu thực tiễn xã hội nên cùng với chức năng hướng nghiệp, tư vấn, giới thiệu việc làm cho sinh viên, bộ phận này còn có thể đảm đương tốt nhiệm vụ tham mưu cho Ban giám đốc Học viện hoạch định hạn mức chỉ tiêu tuyển sinh hằng năm dựa trên nhu cầu của xã hội.

TS. Phan Thuận Thảo cũng cho rằng, cần phải xem xét sửa đổi chương trình đào tạo để mở rộng cơ hội việc làm, làm cho người học nhìn thấy triển vọng của ngành Âm nhạc học, những cơ hội việc làm rộng mở có thể có được sau khi tốt nghiệp. Chẳng hạn, trong khi nghề nghiên cứu hiện có lương thấp hơn so với giáo viên, giảng viên, có thể thêm vào chương trình một chuyên ngành 2 (nên ghi vào bằng tốt nghiệp hay bảng điểm để rộng đường cho người học tìm việc). Đây như là một nghề phụ để giúp người học có thêm thu nhập bên cạnh nghề chính là Âm nhạc học.

Tăng cường sự hợp tác giữa giảng viên và sinh viên để cùng làm việc và công bố kết quả nghiên cứu. Với lợi thế dạy học một thầy một trò của ngành âm nhạc nói chung và Âm nhạc học nói riêng, sự tương tác giữa thầy cô và học viên rất gần gũi.

Do đó, mỗi thầy cô là một tấm gương về kiến thức và nhân cách, trong đó, học viên có thể nhìn thấy tương lai của mình ở hình ảnh các thầy cô giáo. Các thầy cô không chỉ giảng dạy mà còn có thể hướng dẫn học viên làm trợ giảng, thực hiện các công trình nghiên cứu khoa học, sát cánh hỗ trợ để học viên tìm đề tài, tập viết và xuất bản từ những bài báo nhỏ.

Những sản phẩm ban đầu ấy sẽ giúp học viên có thêm động lực, niềm yêu thích cho ngành học của mình.