“Lời nguyện tri ân”- thước phim quý tri ân những anh hùng
VHO - “Lời nguyện tri ân” là bộ phim do Điện ảnh QĐND sản xuất chào mừng kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập QĐND Việt Nam (22.12.1944 - 22.12.2024). Đây là lời tri ân sâu sắc dành cho những người đã ngã xuống, hi sinh tuổi xuân và hạnh phúc vì độc lập cho Tổ quốc, tự do cho nhân dân.
Trên hết, đó là lời nguyện sống và chiến đấu xứng đáng với những hi sinh, tầm vóc anh hùng của các thế hệ đi trước, những người luôn sẵn sàng bảo vệ Tổ quốc và nhân dân trong mọi tình huống.
Tác giả kịch bản, Thiếu tá Nguyễn Huy Hùng nhấn mạnh, để có được cuộc sống ấm no như ngày hôm nay, bao thế hệ cha anh đã không tiếc tuổi xuân, hi sinh máu xương cho độc lập dân tộc.
“Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhắc nhở chúng ta: “Máu đào của các liệt sĩ đã nhuộm lá cờ cách mạng càng thêm đỏ chói. Sự hy sinh của các liệt sĩ đã chuẩn bị cho đất nước ta nở hoa độc lập”.
Thấm nhuần tư tưởng của Bác Hồ về Đền ơn đáp nghĩa, những người lính nhận thức sâu sắc rằng, tri ân các liệt sĩ, thương binh không chỉ bằng tình cảm tiếc thương, tự hào, mà còn phải bằng hành động thương yêu và giúp đỡ họ; bằng sự kế thừa tinh thần bất khuất của họ, sống, chiến đấu và lao động sao cho xứng đáng với sự hi sinh của họ. Thực hiện công tác Đền ơn đáp nghĩa là một mệnh lệnh từ trái tim, là sứ mệnh vinh quang và cao cả. Chúng tôi bắt tay vào thực hiện bộ phim với những suy nghĩ như vậy”, Thiếu tá Nguyễn Huy Hùng chia sẻ.
Đã có nhiều bộ phim về đề tài hậu chiến do Điện ảnh QĐND sản xuất. Mỗi bộ phim có cách kể, hướng khai thác rất riêng. “Lời nguyện tri ân” mang góc nhìn mới về công tác tri ân với các gia đình liệt sĩ, Mẹ Việt Nam anh hùng, người có công với cách mạng.
Phim không có cảnh bom đạn nhưng vẫn thể hiện rất sinh động và thấm thía những nỗi đau chiến tranh, những hi sinh mất mát và giá trị của hòa bình.
“Để truyền đạt thông tin đến khán giả, chúng tôi đã tách bạch những nội dung của công tác tri ân như: xác minh thông tin, xác định thân thế liệt sĩ, tìm kiếm, quy tập cất bốc liệt sĩ cả trong nước và ngoài nước, chăm sóc nơi yên nghỉ của họ và chăm lo cho đời sống của thân nhân gia đình liệt sĩ.
Từ đó để khán giả có thể hiểu rõ nội dung của bộ phim cũng như dụng ý của nhà làm phim. Lời bình trong phim cũng được tiết chế tối đa để có khoảng trống giành cho nhân vật nói cũng như tạo không gian, cảm xúc lắng đọng cho người xem”, đạo diễn Vũ Minh Phương chia sẻ.
Khán giả có thể thấy rõ sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, Quân đội và toàn xã hội đối với các gia đình liệt sĩ, thương bệnh binh, Mẹ Việt Nam anh hùng và người có công.
Bao năm qua, dẫu có những thời điểm đất nước còn nhiều khó khăn, Đảng, Nhà nước, Quân đội và nhân dân luôn dành những nguồn lực lớn lao và tình cảm trân trọng cho công tác Đền ơn đáp nghĩa. Nhưng điều trăn trở lớn nhất của các cơ quan chức năng và nhân dân là đến nay còn rất nhiều liệt sĩ vẫn nằm lại nơi chiến trường, biết bao gia đình, người thân vẫn hàng ngày mong ngóng thông tin của con em mình.
Đạo diễn Vũ Minh Phương cho biết: “Khi nhận được kịch bản văn học, tôi bắt tay ngay thực hiện nhiệm vụ, từ nghiên cứu tư liệu, tham khảo ý kiến biên tập đến việc đi thực tế, viết kịch bản phân cảnh, lắng nghe chia sẻ của các đồng đội liệt sĩ, thân nhân của gia đình liệt sĩ... Sau khi hoàn thành kịch bản đạo diễn, tôi cùng ekip tìm phương án tối ưu nhất cho quá trình sản xuất, từ đó thực hiện và hoàn thành bộ phim này”.
Đoàn làm phim đã nhận được sự quan tâm của các cấp lãnh đạo, kịch bản nhận được sự góp ý của Hội đồng duyệt Điện ảnh QĐND. Từ những ngày đầu bấm máy, đoàn phim có được sự quan tâm của các cơ quan ban ngành, đặc biệt chính quyền các địa phương đã tạo mọi điều kiện tác nghiệp.
Có những nội dung đoàn làm phim được đơn vị tạo điều kiện ghi hình trực tiếp như: triển khai xây nhà tình nghĩa, cất bốc mộ liệt sĩ hoặc đưa liệt sĩ hồi hương…
Cùng với đó, các nhà làm phim cũng gặp không ít những khó khăn từ khi triển khai đến lúc duyệt, dựng phim. Đây là bộ phim cần khối lượng tư liệu lớn, quay trong nhiều thời điểm, nhiều địa bàn (trong vòng 20 ngày, đoàn làm phim qua 20 tỉnh thành phố trên khắp cả nước), trải dài trên các mặt của công tác Đền ơn đáp nghĩa.
Có những nội dung thiếu tư liệu hình, đòi hỏi đạo diễn, đoàn làm phim phải tư duy, sáng tạo sao cho phù hợp với nội dung phim.
Theo đạo diễn Vũ Minh Phương: “Mỗi bộ phim đều để lại nhiều bài học và kỷ niệm khó quên. Đây không phải là bộ phim đầu tiên tôi khai thác nhiều về mạch cảm xúc. Các nhân vật của phim “Lời nguyện tri ân” sống ở nhiều vùng miền, địa phương, độ tuổi khác nhau. Nếu nói về điều đáng nhớ nhất đối với tôi trong bộ phim này, trước hết, tôi sẽ dùng từ “Chạy và chạy”. Sáng ghi hình ở Buôn Ma Thuột, chiều chạy mưa và ghi hình ở Cam Ranh, sáng hôm sau theo dòng sự kiện ở Vũng Tàu.
Những chuỗi ngày dài đó là những kỷ niệm không thể nào quên đối với tôi cũng như cả đoàn làm phim. Bên cạnh đó, có những khoảnh khắc xúc động mà chúng tôi sẽ mãi không quên, như khi vượt qua bao đoạn đường rừng, đến được nơi có phần mộ liệt sĩ, hoặc khi chúng tôi đứng lặng trong nghĩa trang mênh mông, suy nghĩ về hi sinh lớn lao của những người lính. Ê kip trong đoàn đã động viên nhau, cùng nhau hoàn thiện bộ phim một cách tốt nhất, bởi nếu để chậm thêm một ngày thì sẽ không thể có được những cảnh quay như mong muốn.
Truyền thống đạo lý “Uống nước nhớ nguồn” đã kết tinh thành nét đẹp văn hoá trong đời sống tinh thần của người Việt qua các giai đoạn lịch sử, được phát huy cao độ trong thời đại Hồ Chí Minh. Hơn một triệu liệt sĩ đã ngã xuống trong các cuộc kháng chiến được Tổ quốc ghi công. Hàng trăm nghìn Bà Mẹ Việt Nam anh hùng, thương bệnh binh, người có công, đối tượng chính sách được Đảng, Nhà nước, Quân đội và Nhân dân chung tay chăm sóc, phụng dưỡng.
Làm nhiều phim về đề tài hậu chiến và thương binh liệt sĩ, đạo diễn Vũ Minh Phương bộc bạch, anh cảm thấy may mắn vì có duyên được thể hiện tấm lòng tri ân với thế hệ trước qua các tác phẩm như: “Bên cạnh bố”, “Chưtankra”, “Niềm tin”…
Các bộ phim đều thu hút sự quan tâm của khán giả, nhất là giới trẻ. Nhiều bạn trẻ đã chia sẻ cảm xúc và đóng góp ý kiến cho các tác phẩm. Gần đây nhất, bộ phim “Bên cạnh bố” đã đạt giải nhì Giải Báo chí toàn quốc “Vì sự nghiệp giáo dục Việt Nam” năm 2024. Đó là niềm vinh dự lớn đối với Điện ảnh QĐND cũng như đoàn phim.
Thông qua mỗi tác phẩm, đạo diễn cũng như êkíp rút ra được nhiều bài học kinh nghiệm để có thể xây dựng những tác phẩm sau tốt hơn. Những góp ý, chia sẻ, động viên của khán giả là nguồn động lực để đoàn phim hoàn thiện hơn trong từng tác phẩm.