Lắng đọng chương trình nhạc Trịnh trên phố Trịnh Công Sơn
VHO - Trong thời tiết mát mẻ, se lạnh của buổi tối mùa thu tháng 10, những âm thanh của chương trình nhạc Trịnh Công Sơn “Mùa thu tình yêu”diễn ra ngày 26.10 đã kéo khán giả đến với Trung tâm giới thiệu và quảng bá sản phẩm Ocop gắn với du lịch quận Tây Hồ (số 2 phố Trịnh Công Sơn) – khu vực phố đi bộ quận Tây Hồ (Hà Nội).
Phòng trà, quán cà phê nhạc Trịnh có ở nhiều nơi ở Hà Nội nhưng nghe nhạc Trịnh ở phố Trịnh Công Sơn dường như còn là điều mới mẻ. Đây là chương trình do quận Tây Hồ tổ chức tại Trung tâm giới thiệu và quảng bá sản phẩm Ocop gắn với du lịch quận Tây Hồ với mục tiêu quảng bá, giới thiệu hình ảnh quận Tây Hồ và các điểm đến du lịch văn hóa và các loại hình nghệ thuật, văn hóa ẩm thực truyền thống trên địa bàn.
Qua đó, góp phần giữ gìn, phát huy giá trị các di sản văn hóa vật thể và phi vật thể trên địa bàn quận, thúc đẩy thương mại, dịch vụ du lịch quận nói riêng và thủ đô Hà Nội nói chung.
Không gian của chương trình giao lưu nghệ thuật “Mùa thu tình yêu” được bài trí như một phòng trà ngập tràn âm nhạc với “Trịnh khách”, lắng đọng trong những giai điệu dịu dàng, êm ái của người nhạc sĩ tài hoa.
Chương trình gồm 3 phần: Mùa thu tình yêu, Tôi đang nhớ ai và Hãy yêu nhau đi, với sự thể hiện của các ca sĩ Trịnh Trí Anh, Diệu Thuý, Tuấn Anh… khán giả được dẫn dắt vào những cung bậc tình yêu qua các ca khúc: Mưa hồng, Diễm xưa, Nhớ mùa thu Hà Nội, Tình nhớ, Đêm thấy ta là thác đổ, Tôi ru em ngủ, Để gió cuốn đi, Lệ đá, Sầu đông…
Với nhiều người, Hà Nội đẹp nhất là mùa thu nhưng mùa thu không phải đặc sản riêng của Hà Nội. Trở lại với Huế, với mùa thu cố đô năm 1962 qua ca khúc “Nhìn những mùa thu đi”: Gió heo may đã về làm nắng chiếu loang tím vỉa hè và gió hôn lên làn tóc thề, gió cuốn cả mùa thu đi gợi nhớ về thu xưa, nhớ về những kỷ niệm bên góc công viên….
Lời ca "Còn tuổi nào cho em" viết tại Bảo Lộc - Đà Lạt, vừa ca sĩ Diệu Thuý ngân vang giai điệu như lời thầm thì dành cho những ký ức trong trẻo của tuổi trẻ và tình yêu. Trịnh Công Sơn luôn có một cách đặc biệt để ghi dấu tuổi trẻ và những cảm xúc dạt dào đó là đưa “những nỗi nhớ âm ỉ như dòng nước ngầm không quên lãng” vào những ca khúc.
Và rồi, trong những chiều một mình qua phố, ông lại gửi gắm vào từng lời ca, nốt nhạc nỗi nhớ “âm thầm” mang tên người thương… Trong không gian của con phố với những hẹn hò, mộng mơ, nơi nhiều người lặng lẽ thả mình qua từng con phố nhỏ, khán giả như trở về với ký ức để cùng “Qua bao nhiêu lần môi cười, cho mình còn nhớ nhau” ca khúc “Chiều một mình qua phố”.
Trịnh Công Sơn có ba nhạc phẩm gọi tên Hà Nội, nhưng thực ra ông viết rất nhiều cho thành phố này bởi, những nàng thơ quan trọng trong cuộc đời ông đến ít nhiều mang trong mình tính cách và đặc trưng của Hà Nội: như hình ảnh cô nữ sinh với vẻ đẹp thấp thoáng sự thuần khiết của Hà Nội trong cơn mưa chiề;, với cốm sữa vỉa hè, mái ngói thâm nâu…
Không ồn ào, không phô trương, khán giả được thưởng thức trọn vẹn âm nhạc và lời ca đầy hình ảnh, giàu cảm xúc của Trịnh Công Sơn; được đến gần hơn và giao lưu thoải mái hơn với các nghệ sĩ.
Dù là chủ đề tình yêu, thân phận con người hay viết cho quê hương Việt Nam, điểm chung dễ nhận ra nhất trong triết lý sống và quan điểm sáng tác của Trịnh Công Sơn là thể hiện khát vọng hoà bình, khát vọng tình yêu. Chương trình giao lưu nghệ thuật “Mùa thu tình yêu” kết thúc nhưng những lời ca “Hãy yêu nhau cho gạch đá có tin vui/ Hãy kêu tên nhau trên ghềnh dưới bãi/ Dù mai nơi này người có xa người…” (ca khúc “Hãy yêu nhau đi”) như thông điệp mà cố nhạc sĩ gửi gắm đến người nghe về một tình yêu, một cuộc sống tràn đầy hy vọng.