Tại sao phim siêu anh hùng và kinh dị không còn là “bảo chứng” phòng vé?
VHO - Từng là hai thể loại được xem là “át chủ bài” của Hollywood, phim siêu anh hùng và phim kinh dị giờ đây đang đối mặt với tình trạng bão hòa. Doanh thu trăm triệu, thậm chí hàng tỷ USD giờ không còn dễ dàng lặp lại.

Thị trường đã quá tải?
Thể loại kinh dị từng là cứu cánh sau đại dịch Covid-19 với hàng loạt phim ăn khách như Vùng đất câm lặng II, Halloween Kills hay Ám ảnh kinh hoàng: Ác quỷ khiến tôi làm điều đó. Nhờ chi phí sản xuất thấp và tỷ suất sinh lời cao, đây được xem là “kho báu” của các hãng phim.
Tuy nhiên, chính sự thành công đó đã dẫn đến tình trạng “bội thực”. Trong năm nay, hàng loạt phim kinh dị thất bại như: M3GAN 2.0 (37 triệu USD), Wolf Man (34 triệu USD), The Woman in the Yard (23 triệu USD) và Drop (28 triệu USD) của Blumhouse; hay I Know What You Did Last Summer (24 triệu USD), Companion (36 triệu USD), Death of a Unicorn (16,4 triệu USD) đều cho thấy sự thoái trào rõ rệt.
Shawn Robbins, Giám đốc phân tích của Fandango, nhận định rằng các phim kinh dị hiện nay có lượng khán giả trung thành, nhưng chưa đủ để bứt phá.
Những cú hích lớn như Sinners (345 triệu USD) hay Longlegs (127 triệu USD) năm ngoái đều tạo được hiệu ứng truyền miệng mạnh mẽ và vượt khỏi khuôn mẫu thường thấy.
Sắp tới, các tác phẩm như Weapons, Him, Black Phone 2 hay Five Nights at Freddy’s 2 sẽ cần tạo ra điều tương tự nếu muốn vượt qua điểm bão hòa.

Cùng lúc đó, thể loại siêu anh hùng cũng không khá hơn. Sau hơn một thập kỷ thống trị phòng vé, đặc biệt là dưới tay Marvel, sự mệt mỏi bắt đầu xuất hiện sau đại dịch, khi khán giả bị “ngập” trong cả phim điện ảnh lẫn series truyền hình.
Trước kia, Marvel có thể ra mắt bất kỳ phim nào và gặt hái thành công. Nhưng những tác phẩm gần đây như Captain America: Brave New World (415 triệu USD) hay Thunderbolts (382 triệu USD) với kinh phí lên đến 180 triệu USD mỗi phim, chỉ thu về kết quả vừa đủ chấp nhận.
Ông Kevin Feige, Chủ tịch Marvel Studios từng thừa nhận: “Chúng tôi đã sản xuất 50 giờ nội dung từ 2007 đến 2019. Nhưng sau Avengers: Endgame năm 2019, chúng tôi đã tạo ra hơn 100 giờ chỉ trong nửa thời gian. Quá nhiều.”
Những bộ phim có thành công lớn gần đây đều là các thương hiệu mạnh và quen thuộc như Deadpool & Wolverine (1,34 tỷ USD), Doctor Strange in the Multiverse of Madness (956 triệu USD), Black Panther: Wakanda Forever (859 triệu USD) hay Spider-Man: No Way Home (1,9 tỷ USD).

Sức ép chất lượng
“Khán giả vẫn yêu thích phim kinh dị hay siêu anh hùng, nhưng họ không còn dễ dãi với những tác phẩm tầm thường trong thế giới đó nữa,” ông Mike Barstow, Phó Chủ tịch điều hành hệ thống rạp ACX Cinemas (Mỹ), nhận định. Theo ông, nhu cầu về chất lượng ngày càng tăng và khán giả giờ đây đòi hỏi nhiều hơn.
Dù vẫn còn một số cú hit như Sinners (365 triệu USD), Superman (426 triệu USD tính đến nay) hay Final Destination: Bloodlines (285 triệu USD), giới phân tích đồng thuận rằng hai thể loại này không còn đảm bảo doanh thu như trước.
Một khán giả chia sẻ: “Các phim Marvel cứ lặp lại cùng một công thức. Cuối phim là những màn đánh nhau dài lê thê. Vợ chồng tôi từng mê phim, nhưng giờ nhiều khi bỏ về giữa chừng vì đoán trước kết cục.”
Người này cho rằng Superman mới đây tạo dấu ấn nhờ “khác biệt so với công thức cũ”: nhân vật chính dễ tổn thương, thậm chí thất bại. Sự mới mẻ đó tạo được sự đồng cảm, điều mà các phim siêu anh hùng khác đang thiếu.
DC cũng đang tìm cách hồi sinh thương hiệu sau hàng loạt thất bại như The Flash và Aquaman and the Lost Kingdom. Thành công của Superman là tín hiệu tích cực, nhưng những dự án kế tiếp như Supergirl hay Clayface với nhân vật ít nổi bật hơn sẽ là bài toán khó.