Văn học trực tuyến đã phủ sóng hơn 200 quốc gia

P.MINH

VHO - Tính đến tháng 6.2025, Trung Quốc ghi nhận hơn 1,12 tỉ người sử dụng Internet, một dấu mốc ấn tượng trong hành trình chuyển đổi số.

 Không chỉ thể hiện tốc độ phổ cập công nghệ vượt trội, con số này còn cho thấy sự lan tỏa mạnh mẽ của mạng kết nối trong đời sống, góp phần thúc đẩy sáng tạo, đổi mới và hình thành một xã hội hiện đại, gắn kết trên nền tảng số hóa toàn diện.

Văn học trực tuyến đã phủ sóng hơn 200 quốc gia - ảnh 1
Văn học trực tuyến Trung Quốc, một hiện tượng văn hóa đương đại, đã vươn ra thế giới với tốc độ đáng kinh ngạc. Ảnh minh họa

 Với chiến lược phát triển đồng bộ và bao trùm, Trung Quốc đang từng bước hiện thực hóa mục tiêu đưa Internet trở thành nền tảng phục vụ mọi tầng lớp xã hội.

Tính đến giữa năm 2025, quốc gia này ghi nhận hơn 161 triệu người cao tuổi truy cập mạng, chiếm 52% dân số trên 60 tuổi. Đồng thời, khu vực nông thôn cũng chứng kiến sự bùng nổ với 322 triệu người dùng, đạt tỷ lệ tiếp cận Internet 69,2%.

Những con số này cho thấy nỗ lực mạnh mẽ trong việc thu hẹp khoảng cách số, góp phần nâng cao chất lượng sống và mở rộng không gian sáng tạo cho cộng đồng thiểu số về công nghệ.

Việc phổ cập mạng lưới không chỉ tạo điều kiện thuận lợi cho người dân tiếp cận thông tin, mà còn là bệ phóng cho các ngành công nghiệp nội dung phát triển bền vững.

Trong đó, văn học trực tuyến, một hiện tượng văn hóa đương đại, đã vươn ra thế giới với tốc độ đáng kinh ngạc. Báo cáo mới nhất cho thấy thị trường nước ngoài của lĩnh vực này đã vượt mốc 5 tỉ nhân dân tệ (khoảng 700 triệu USD), thu hút hơn 350 triệu độc giả toàn cầu.

Đặc biệt, Nhật Bản trở thành thị trường phát triển nhanh nhất với mức tăng trưởng 180% số lượng người đọc, cho thấy sức hút bền bỉ của văn hóa Trung Hoa trong môi trường số.

Không dừng lại ở hình thức văn bản, các tác phẩm mạng còn được chuyển thể thành phim truyền hình ngắn, web drama và chương trình kỹ thuật số.

Theo ông Zhang Yijun, Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội Xuất bản Âm thanh - Hình ảnh và Kỹ thuật số Trung Quốc: Văn học trực tuyến đang định hình một diện mạo nghệ thuật mới, đồng thời thúc đẩy hệ sinh thái đa giá trị, nơi nghệ thuật và công nghệ hội tụ để tạo ra những mô hình văn hóa hiện đại, năng động và dễ lan tỏa.

Song hành với đó, trí tuệ nhân tạo (AI) tiếp tục là điểm sáng trong bức tranh phát triển công nghệ của Trung Quốc. Chỉ tính riêng ba tháng đầu năm 2025, đã có 346 nền tảng AI được đăng ký tại Cục Quản lý Không gian Mạng Trung Quốc.

Các sản phẩm này được ứng dụng trong giáo dục, thiết kế, sáng tạo nội dung, đồng thời mở rộng sang cộng tác văn phòng và các giải pháp thông minh phục vụ đời sống. AI đang từng bước thay đổi phương thức lao động, quản lý và sáng tạo, góp phần định hình nền kinh tế kỹ thuật số thế hệ mới.

Không chỉ tạo ra giá trị kinh tế hàng trăm tỉ nhân dân tệ, AI nội địa của Trung Quốc còn thể hiện rõ khả năng tích hợp công nghệ đa phương thức, từ văn bản, hình ảnh đến giọng nói, nâng cao tính ứng dụng và khả năng tương tác thực tế. Những bước tiến này đang mở rộng biên độ ảnh hưởng của công nghệ Trung Quốc trên trường quốc tế.

Từ văn học mạng phủ sóng hơn 200 quốc gia đến trí tuệ nhân tạo len lỏi trong từng ngóc ngách của đời sống hiện đại, Trung Quốc đang cho thấy một mô hình phát triển toàn diện: Vừa nuôi dưỡng chiều sâu văn hóa, vừa dẫn đầu trong cuộc cách mạng công nghệ.

Đây vừa là bước đột phá trong nội tại quốc gia, vừa là sự khẳng định vị thế trong làn sóng hội nhập toàn cầu - nơi văn hóa và công nghệ cùng nhau tạo nên “sức mạnh mềm” mới của thời đại.

Tin liên quan

Ý kiến bạn đọc