Làm mới âm nhạc dân tộc để thêm yêu văn hóa Việt

BẢO ANH

VHO - Làm mới giai điệu Trống cơm nhưng không mất đi bản sắc, để giới trẻ dễ hiểu, dễ tiếp cận và thêm yêu vốn cổ của cha ông, màn biểu diễn đầy cảm xúc cùng những lời chia sẻ của NSND Tự Long trên sóng truyền hình đã “gây bão” trong cộng đồng, qua đó, lan tỏa tình yêu đất nước, niềm tự hào dân tộc tới đông đảo khán giả.

 Làm mới âm nhạc dân tộc để thêm yêu văn hóa Việt - ảnh 1

 Văn hóa là cội nguồn, văn hóa là dân tộc!

Trong đêm Công diễn 1 chương trình Anh trai vượt ngàn chông gai, chủ đề Người thiếu niên thuở nào, 33 anh tài đã trình diễn nhiều ca khúc mang đậm giá trị văn hóa. Đặc biệt, đội Sao Sáng với 3 thành viên: NSND Tự Long, Cường Seven và Soobin đã mang tới cho khán giả tiết mục Trống cơm mãn nhãn và đầy cảm xúc. Họ mặc trang phục áo ngũ thân, khăn đóng, dùng quạt giấy, áo tơi, cờ ngũ sắc... và đều thể hiện được thế mạnh riêng của mình: NSND Tự Long đánh trống, múa cờ; Soobin chơi đàn bầu; Cường Seven nhảy hiện đại, tất cả đã làm nên một màn trình diễn đặc sắc và bùng nổ.

Khi nhận yêu cầu chương trình, NSND Tự Long đã trao đổi với các thành viên, Trống cơm chỉ là một điệu hát, không phải là bài hát trọn vẹn. Chương trình cho các nhóm được sáng tạo nhưng không quá 50% để ra một tác phẩm mới. Theo nghệ sĩ, làm mới một ca khúc, làn điệu truyền thống cần phải có sự giao thoa, kết hợp giữa truyền thống và đương đại, để ca khúc được người già, trung niên, người trẻ vẫn có thể lắng nghe. “Những gì thuộc về dân tộc thì ta hãy giữ lấy sau đó phát triển, cách điệu, khoa trương và cuối cùng là thăng hoa”, NSND Tự Long chia sẻ.

Trên sân khấu Công diễn 1, khi MC hỏi về lý do lựa chọn phát triển điệu hát Trống cơm, NSND Tự Long bày tỏ trước đông đảo khán giả: “Ca khúc này chúng tôi muốn làm về văn hóa. Văn hóa là bản chất. Văn hóa là cội nguồn. Văn hóa là dân tộc! Câu chuyện văn hóa mà chúng tôi muốn kể chính là tiếp nối giá trị truyền thống, muốn những người trẻ ngày hôm nay hiểu hơn để thêm yêu vốn cổ của cha ông. Chúng tôi vẫn giữ lại nguyên sơ những nét văn hóa trong Trống cơm để không làm mất đi bản sắc. Đối tượng khán giả có thể là các thế hệ 6x, 7x cũng có thể là 2000 hoặc trẻ hơn nữa… nhưng họ vẫn thích nghe Trống cơm”.

Không chỉ khiến sân khấu bùng nổ, sau khi phát sóng, màn biểu diễn Trống cơm đã được chia sẻ rất nhiều, tạo cơn sốt trên mạng xã hội với vô vàn những lời khen ngợi. Một khán giả bình luận: “Trống cơm do chú Tự Long, Cường Seven và Soobin thể hiện đã mang đến một làn gió mới cho giai điệu dân ca quen thuộc. Sự kết hợp giữa các nghệ sĩ đa tài đã tạo nên một phiên bản hiện đại, trẻ trung mà vẫn giữ được cái hồn dân gian của bài hát gốc. Giọng hát mạnh mẽ của chú Tự Long, phong cách hiện đại của Cường Seven và chất giọng ngọt ngào của Soobin đã hòa quyện hoàn hảo, tạo nên một tác phẩm đầy sức sống và sáng tạo. Đây là một ví dụ điển hình cho việc kết hợp truyền thống và hiện đại, mang văn hóa dân gian đến gần hơn với khán giả trẻ”.

Không ít khán giả bày tỏ cảm xúc: “Trống cơm, áo tơi, trống hội, múa cờ, đàn bầu… vừa cảm động vừa tự hào, vừa tình cảm vừa hào hùng, vừa quá khứ vừa hiện tại và hướng tới tương lai, văn hóa tiếp nối và trao truyền! Tuyệt vời quá!”; “Trống cơm thực sự lay động con tim hàng triệu khán giả. Các nghệ sĩ đã đem đến cho người con xa quê nỗi niềm tự hào và nhớ thương Tổ quốc vô bờ bến. Yêu lắm Việt Nam ơi!”… Đặc biệt, lời chia sẻ của NSND Tự Long về văn hóa được lan tỏa rất nhiều trên mạng xã hội. Hiện nay, tiết mục Trống cơm đã đạt 1,3 triệu lượt xem, đứng ở top 2 thịnh hành trên YouTube và vẫn đang là chủ đề được quan tâm, bình luận sôi nổi trên mạng xã hội.

 Làm mới âm nhạc dân tộc để thêm yêu văn hóa Việt - ảnh 2

 Màn biểu diễn Trống cơm bùng nổ cảm xúc tại chương trình Anh trai vượt ngàn chông gai. Ảnh: BTC

Lan tỏa những giá trị truyền thống dân tộc đến với giới trẻ

Làm mới âm nhạc dân tộc, kết hợp yếu tố truyền thống với đương đại, nghệ sĩ gạo cội kết hợp biểu diễn cùng ca sĩ trẻ… thời gian qua đã được nhiều người, nhiều chương trình thử nghiệm và nhận về những tín hiệu tích cực. Một số ca sĩ trẻ khá thành công khi theo đuổi phong cách này, có thể kể đến: Ngô Hồng Quang, Hoàng Thùy Linh, Hà Myo, Phương Mỹ Chi... Hay sự kết hợp giữa âm nhạc dân gian với pop, rap, world music… trong các sản phẩm âm nhạc như: Về nghe mẹ ru của NSND Bạch Tuyết và ca sĩ Hoàng Dũng; NSƯT Thoại Mỹ cùng ca sĩ H-Kray kết hợp trong Phấn hoa màu son; Hà Myo hát xẩm kết hợp với rap, nhạc điện tử trong Xẩm Hà Nội; Quân AP kết hợp Quan họ Bắc Ninh và rap, nhạc EDM trong Giao duyên - Ngồi tựa mạn thuyền...

Khai thác chất liệu dân gian trong các sản phẩm nghệ thuật thời gian qua, theo nhà nghiên cứu âm nhạc Nguyễn Quang Long, là tín hiệu đáng mừng cho âm nhạc đại chúng Việt Nam. Đây vừa là cách thể hiện tình yêu với quê hương, đất nước của nghệ sĩ, vừa dễ chạm tới trái tim khán giả, đồng thời góp phần lan tỏa những giá trị truyền thống đến với giới trẻ, bảo tồn và làm nổi bật nét đặc sắc của nghệ thuật dân tộc.

Còn nhạc sĩ, nhà nghiên cứu âm nhạc Nguyễn Thụy Kha thì đặc biệt nhấn mạnh, việc giữ gìn văn hóa Việt rất quan trọng. Ông ghi nhận tiết mục Trống cơm của NSND Tự Long, Soobin, Cường Seven thực sự giàu cảm xúc, có ý nghĩa tiếp nối giữa các thế hệ, nghệ sĩ biểu diễn cũng như khán giả. “Sáng tạo, làm mới, kết hợp âm nhạc truyền thống với hiện đại là điều khiến khán giả luôn tò mò, mong đợi. Trống cơm đã chạm đến trái tim người xem và lan tỏa niềm tự hào dân tộc”, nhạc sĩ Nguyễn Thụy Kha nhận xét.

Hơn cả một màn biểu diễn trong chương trình giải trí đơn thuần, tiết mục Trống cơm tại Anh trai vượt ngàn chông gai đã kể một câu chuyện văn hóa truyền cảm hứng, đúng như NSND Tự Long kỳ vọng “để những người trẻ hiểu, tiếp cận nhiều hơn và thêm yêu vốn văn hóa dân gian của người Việt”.