Kịch nghệ thuật kết hợp công nghệ thực tế ảo lần đầu tiên tại Việt Nam
VHO - Vở kịch "Ông già và biển cả" - tác phẩm chuyển thể từ tiểu thuyết ngắn cùng tên của nhà văn Mỹ E.Hemingway sẽ được trình chiếu phục vụ khán giả Việt Nam vào tối 23.11 và chiều 24.11.2024, tại TP.HCM. Đây là dự án hợp tác giữa Việt Nam-Hàn Quốc.
Vở kịch Ông già và biển cả được thực hiện theo hình thức nghệ thuật kết hợp công nghệ biểu diễn thực tế ảo (XR), lần đầu tiên thực hiện tại thị trường Việt Nam, giúp vở diễn trở nên sinh động, khán giả cũng có những trải nghiệm mới lạ thú vị…
Được biết, Hàn Quốc là nơi đầu tiên công diễn vở kịch và được trình diễn thể nghiệm kéo dài từ tháng 10.2023 cho đến nay với hơn 130 suất diễn. Tại quê nhà, vai diễn “Ông già” lần lượt do 3 tên tuổi lớn thể hiện: Namgyeong-Eup, Lee Hwang-Ui và Noh Si-hong.
Trong đó Namgyeong-Eup là diễn viên đứng đầu trong ngành nhạc kịch Hàn Quốc, Lee Hwang-Ui là nhân chứng sống cho thế giới sân khấu Daehakro với hơn 30 năm kinh nghiệm diễn xuất.
Còn vai diễn “cậu bé” do 3 diễn viên trẻ thay nhau thể hiện là: Lee Seok Woo, Park Jun-Seok, Hwang Kyung-Tae…
Điều thú vị là khi đến Việt Nam, thay vì sử dụng cùng ê kíp với Việt sub thì ê kíp thực hiện đã quyết định kết hợp với các nghệ sĩ Việt Nam để tạo thêm một phiên bản mới mẻ hơn cho vở kịch.
Trong phiên bản này, NSƯT Công Ninh sẽ đảm nhận vai trò đạo diễn dàn dựng, 2 vai diễn trong Ông già và biển cả do 2 nghệ sĩ Việt Nam thể hiện là Huỳnh Kiến An và diễn viên trẻ Anh Khoa thể hiện.
Ông già và biển cả là tiểu thuyết ngắn của nhà văn Mỹ E.Hemingway (1899-1961) và được xuất bản năm 1952.
Đây là một trong những tác phẩm nổi tiếng của Hemingway và ngay sau khi xuất bản, đã bán được hàng triệu bản, tạo nên một kỳ tích xuất bản chưa từng có trong lịch sử.
Hemingway đã nhận giải Nobel Văn học vào năm 1954 với tác phẩm này. Đây là tác phẩm chứa đựng triết lý hiện sinh của riêng Hemingway, sự tôn trọng và phẩm giá của con người. Phong cách viết ngắn gọn và mạnh mẽ của ông đạt đến đỉnh cao trong tác phẩm này. Nó được dựng thành phim vào năm 1958 và nhiều lần được thể hiện trên sân khấu kịch lẫn nhạc kịch thế giới.
Khi được dàn dựng lại với phiên bản XR, vở kịch đã đem đến nhiều trải nghiệm mới lạ cho khán giả lẫn giới chuyên môn khi thưởng thức. Trong đó, ấn tượng nhất là sự đột phá toàn cầu đối với sân khấu kịch, đặc biệt là cách thức mở rộng không gian sân khấu kịch - vốn luôn bị hạn chế.
Lần đầu tiên, sân khấu nhỏ của kịch nói được trang bị đầy đủ màn hình Led đa phương tiện, hệ thống ánh sáng điều khiển phản ứng và cả cảm biến sân khấu tương hợp với các diễn xuất của diễn viên trong quá trình thể hiện vai diễn.
Nhờ đó, không gian, bối cảnh của câu chuyện đã được mở rộng và trở nên sống động hơn rất nhiều.
Chia sẻ về việc kết hợp công nghệ XR vào tác phẩm kịch, đạo diễn - NSƯT Công Ninh cho biết, việc kết hợp công nghệ XR với các điều kiện về kỹ thuật, ánh sáng, âm thanh, màn hình, đã tạo cho ra một ảo giác thú vị cho khán giả, để khán giả tiếp nhận câu chuyện trọn vẹn hơn hơn.
Bên cạnh đó, công nghệ cũng hỗ trợ cho diễn viên diễn xuất tốt hơn.
Đạo diễn Công Ninh cho biết với bản dựng tại Việt Nam, anh cũng muốn chuyển tải thêm thông điệp theo suy nghĩ của mình về những điều sâu xa trong tác phẩm Ông già và biển cả.
Đó không chỉ là cuộc đấu tranh giữa con người và thiên nhiên, chiến thắng với trở ngại trong công cuộc mưu sinh, mà qua đó còn rút ra những bài học triết lý về nhân sinh.
Vở kịch có duy nhất 2 buổi diễn thể nghiệm vào 19h ngày 23.11.2024 và 15h ngày 24.11.2024 tại The Global City. Sau khi hoàn thành 2 buổi diễn này, vở diễn sẽ tiếp tục quay lại Hàn Quốc để tiếp tục lưu diễn thêm 5 tỉnh, thành khác.