Khai mạc Liên hoan Sân khấu Hà Nội mở rộng 2024
VHO - Tối 1.11, tại Rạp Công nhân (Hoàn Kiếm, Hà Nội), Khai mạc Liên hoan Sân khấu Hà Nội mở rộng 2024 đã chính thức diễn ra. Liên hoan là cơ hội để các đơn vị nghệ thuật giao lưu, trao đổi, học tập kinh nghiệm, từ đó, nâng tầm giá trị nghệ thuật Thủ đô.
Liên hoan Sân khấu Hà Nội mở rộng 2024 do Hội nghệ sĩ sân khấu Việt Nam phối hợp với Sở VHTT Hà Nội cùng các đơn vị liên quan tổ chức. Đây là hoạt động văn hóa nghệ thuật quy mô toàn quốc, nhằm hướng đến chào mừng 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô (10.10.1954-10.10.2024).
Diễn ra từ 1-9.11.2024, Liên hoan quy tụ 12 đơn vị nghệ thuật chuyên nghiệp Trung ương, Hà Nội, lực lượng vũ trang trên địa bàn Hà Nội, các đơn vị nghệ thuật chuyên nghiệp thuộc các tỉnh, thành phố lân cận.
Với sự góp mặt của hơn 800 văn nghệ sĩ tài năng, Liên hoan hứa hẹn mang đến cho công chúng những tác phẩm sân khấu đặc sắc, đa dạng thể loại và giàu giá trị nghệ thuật.
Phát biểu khai mạc Liên hoan, Chủ tịch Hội nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam, NSND Trịnh Thúy Mùi chia sẻ, năm nay, Liên hoan quy tụ 12 vở diễn thuộc nhiều loại hình sân khấu như tuồng, chèo, cải lương, kịch nói, múa rối,... do các đơn vị nghệ thuật của Trung ương, Quân đội và các tỉnh thành như Hà Nội, Bắc Giang, Hải Phòng dàn dựng và biểu diễn.
Hoạt động này nhằm tôn vinh giá trị văn hóa nghệ thuật Thủ đô, đồng thời, giáo dục và phát huy truyền thống yêu nước, truyền thống cách mạng vẻ vang của Đảng bộ, chính quyền, quân và dân Hà Nội trong suốt chặng đường đấu tranh, xây dựng và phát triển Thủ đô anh hùng - Thành phố vì hòa bình.
“Đây cũng là cơ hội mà Hà Nội tạo điều kiện cho các đơn vị nghệ thuật sân khấu cùng đông đảo nghệ sĩ cả nước giao lưu, học hỏi, để không ngừng nâng cao trình độ chuyên môn, xây dựng tác phẩm có giá trị tư tưởng, chất lượng nghệ thuật cao, đáp ứng sự mong mỏi của khán giả trong xu thế hội nhập và phát triển”, NSND Trịnh Thúy Mùi cho hay.
Hà Nội, nơi hội tụ hào khí Thăng Long và phẩm chất thanh lịch, là niềm tự hào dân tộc, luôn tỏa sáng và lan tỏa giá trị văn hóa trên hành trình hội nhập.
Khẳng định sự đầu tư cho văn hoá nghệ thuật của Hà Nội, Phó Giám đốc Sở VHTT Hà Nội Phạm Xuân Tài bày tỏ: “Việc Sở VHTT Hà Nội phối hợp với Hội nghệ sĩ sân khấu Việt Nam tổ chức Liên hoan định kỳ 2 năm một lần tiếp tục khẳng định mục tiêu, quan điểm phát triển của thành phố: văn hoá là nền tảng, là động lực cho sự phát triển; coi trọng giá trị văn hóa và chăm lo đời sống tinh thần của người dân là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu".
Trên địa bàn thành phố có hệ thống thiết chế văn hóa lớn nhất và đồng bộ nhất cả nước. Các thiết chế này với quy mô lớn, đã trở thành sân khấu quen thuộc của các nghệ sĩ hàng đầu quốc gia và quốc tế. Do đó, các nghệ sĩ Thủ đô có không gian để sáng tạo và sống với nghệ thuật, từ đó, nâng cao đời sống tinh thần phong phú cho người dân.
“Sau 6 lần tổ chức, Liên hoan đã dần định hình thành thương hiệu của Thủ đô Hà Nội. Sự kiện này không chỉ là sân chơi cho các nghệ sĩ thể hiện tài năng; cơ hội để các đơn vị nghệ thuật từ Trung ương và các địa phương giới thiệu những thành tựu nghệ thuật mà còn là món quà ý nghĩa của Sở VHTT Hà Nội cùng Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam gửi tặng khán giả Thủ đô”, Phó Giám đốc Sở VHTT Hà Nội Phạm Xuân Tài khẳng định.
Sau phần khai mạc chương trình là phần dự thi của Nhà hát Kịch Hà Nội, với vở diễn Khoảng trống của tác giả Nguyễn Anh Biên, đạo diễn NSND Trung Hiếu.
Vở diễn có sự tham gia của nhiều diễn viên: Thanh Tùng (vai Giáo sư Thuận), Thùy Dương (vai Diệu Loan), NSƯT Ngọc Quỳnh (vai Giáo sư Hoàng), Tố Uyên (vai Diệu Linh), Công Đại (vai Long)...
Khoảng trống là câu chuyện tình tay ba đầy bão tố của những con người tri thức, đan xen giữa danh dự và sự bình yên gia đình. Họ âm thầm chịu đựng, giữ gìn thể diện và chấp nhận lẫn nhau, cùng nhau trôi trong một thứ hạnh phúc hời hợt, đầy toan tính và dối trá.
Vở diễn đã khắc họa cuộc đấu tranh âm thầm nhưng mãnh liệt của mỗi cá nhân, mỗi gia đình trên hành trình kiếm tìm hạnh phúc. Dẫu thầm lặng và đong đầy thử thách nhưng cuộc chiến ấy vẫn mạnh mẽ, dữ dội.