Khai mạc Liên hoan Cải lương toàn quốc năm 2024

THÙY TRANG

VHO - Tối 25.10, Liên hoan Cải lương toàn quốc năm 2024 chính thức khai mạc tại Trung tâm Văn hóa TP Cần Thơ. Đến dự có Bí thư Thành ủy TP Cần Thơ Nguyễn Văn Hiếu; Phó trưởng ban Ban Dân vận Trung ương Đỗ Văn Phớn; Thứ trưởng Bộ VHTTDL Hồ An Phong.

Khai mạc Liên hoan Cải lương toàn quốc năm 2024 - ảnh 1
Chương trình nghệ thuật khai mạc mang đậm nét văn hóa đặc trưng của vùng sông nước Cần Thơ

Liên hoan Cải lương toàn quốc năm 2024 do Cục Nghệ thuật biểu diễn (Bộ VHTTDL) chủ trì, phối hợp với Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam, Sở VHTTDL TP Cần Thơ và các cơ quan, đơn vị có liên quan tổ chức.

Liên hoan năm nay có sự tham gia của gần 1.200 nghệ sĩ, diễn viên đến từ 29 đơn vị, đoàn nghệ thuật cùng với 33 vở diễn.

Khai mạc Liên hoan Cải lương toàn quốc năm 2024 - ảnh 2
Thứ trưởng Hồ An Phong phát biểu khai mạc

Phát biểu khai mạc, Thứ trưởng Hồ An Phong nhấn mạnh: Cải lương là loại hình nghệ thuật truyền thống rất đặc sắc đã hình thành và phát triển hơn trăm năm qua. Đó là những giá trị rất to lớn, độc đáo không chỉ của người dân các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long mà còn là những giá trị văn hóa của dân tộc Việt Nam và của nhân loại.

“Nhiệm vụ của Đảng và Nhà nước giao là chúng ta làm sao giữ gìn, phát huy và sáng tạo những giá trị văn hóa truyền thống đặc sắc của nghệ thuật sân khấu cải lương…

Chính vì vậy, Bộ VHTTDL phối hợp UBND TP Cần Thơ giao nhiệm vụ cho Cục nghệ thuật biểu diễn và Sở VHTTDL TP Cần Thơ, Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam tổ chức Liên hoan Cải lương toàn quốc. Đây là hoạt động có ý nghĩa, là cơ hội để lực lượng nghệ sĩ trao đổi lẫn nhau, tôn vinh nét đẹp và sự hấp dẫn của sân khấu cải lương.

Liên hoan năm 2024 tổ chức  tại TP Cần Thơ, là dịp để công chúng, bà con nhân dân và du khách gần xa được thưởng thức những vở cải lương hấp dẫn, làm đắm say lòng người”, Thứ trưởng bày tỏ.

Khai mạc Liên hoan Cải lương toàn quốc năm 2024 - ảnh 3
Bí thư Thành ủy TP Cần Thơ Nguyễn Văn Hiếu và Thứ trưởng Bộ VHTTDL Hồ An Phong tặng hoa Hội đồng nghệ thuật
Khai mạc Liên hoan Cải lương toàn quốc năm 2024 - ảnh 4
Phó trưởng ban Ban Dân vận Trung ương Đỗ Văn Phớn và Chủ tịch Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam Trịnh Thúy Mùi tặng hoa các đơn vị nghệ thuật tham gia Liên hoan
Khai mạc Liên hoan Cải lương toàn quốc năm 2024 - ảnh 5
Ông Nguyễn Thực Hiện - Phó Chủ tịch UBND TP Cần Thơ và NSND Trần Ly Ly - Quyền Cục trưởng Cục Nghệ thuật biểu diễn tặng quà đến các đơn vị nghệ thuật tham gia Liên hoan

Thứ trưởng Hồ An Phong cũng mong muốn và đề nghị Hội đồng nghệ thuật tham gia Liên hoan làm việc nhiệt tình, công tâm để lựa chọn ra những tác phẩm có giá trị, chọn ra những tập thể và cá nhân xuất sắc để tôn vinh và đánh giá khách quan, nhằm động viên và thúc đẩy nghệ thuật sân khấu cải lương phát triển.

Khai mạc Liên hoan Cải lương toàn quốc năm 2024 - ảnh 6
Ông Nguyễn Thực Hiện, Phó Chủ tịch UBND TP Cần Thơ phát biểu chào mừng

Phát biểu chào mừng, ông Nguyễn Thực Hiện, Phó Chủ tịch UBND TP Cần Thơ, Phó Trưởng Ban chỉ đạo Liên hoan chia sẻ: Cùng với cả nước, Cần Thơ vinh dự là một trong những cái nôi của nghệ thuật Đờn ca tài tử và sân khấu Cải lương Nam Bộ.

Cần Thơ là quê hương của nhiều soạn giả, nghệ sĩ cải lương nổi tiếng, trong đó có soạn giả Mộc Quán - Nguyễn Trọng Quyền (1876-1953), người được suy tôn là Hậu Tổ nghệ thuật cải lương, là một trong những người đầu tiên lập gánh hát cho cải lương Nam Bộ.

Khai mạc Liên hoan Cải lương toàn quốc năm 2024 - ảnh 7
Hình tượng soạn giả Mộc Quán - Nguyễn Trọng Quyền trong vở "Chất ngọc - Cầm thi giang"

Ông đã để lại kho tàng tác phẩm đồ sộ, với nhiều thể loại, tác phẩm có giá trị nghệ thuật; trong đó, nổi bật là soạn các tuồng cải lương có giá trị cao về nội dung và nghệ thuật như: Tuồng Phụng Nghi Đình, Giọt máu chung tình, Hoa Mộc Lan tòng quân,…

Cần Thơ là vùng đất có bề dày về lịch sử - văn hóa, có vị trí trung tâm của vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Năm 2024 là năm đánh dấu mốc lịch sử quan trọng khi TP Cần Thơ tròn 20 năm trực thuộc Trung ương. Đồng thời đây cũng là năm thành phố diễn ra nhiều sự kiện văn hóa, thể thao và du lịch.

Khai mạc Liên hoan Cải lương toàn quốc năm 2024 - ảnh 8
Nhân vật do nghệ sĩ Lê Duy thủ vai

“Liên hoan Cải lương toàn quốc năm 2024 được tổ chức tại TP Cần Thơ là dịp để địa phương giới thiệu, quảng bá những giá trị lịch sử, văn hóa, du lịch, những hình ảnh đẹp về vùng đất và con người Cần Thơ.

Qua đó, giới thiệu những di tích lịch sử - văn hóa, những công trình kiến trúc tiêu biểu, những danh lam thắng cảnh của thành phố như: Đền thờ Vua Hùng, Nhà cổ Bình Thủy, Đình Bình Thủy, Khu tưởng niệm soạn giả Mộc quán - Nguyễn Trọng Quyền, Chợ nổi Cái Răng, Bến Ninh Kiều… đến với các tỉnh, thành trong cả nước.

Khai mạc Liên hoan Cải lương toàn quốc năm 2024 - ảnh 9
Một cảnh cao trào trong vở diễn

“Tôi tin tưởng rằng, Liên hoan Cải lương toàn quốc 2024 sẽ tiếp tục để lại nhiều ấn tượng tốt đẹp trong lòng các nghệ sĩ, diễn viên các đoàn nói riêng và những người yêu nghệ thuật Cải lương trên cả nước nói chung.

Trong suốt thời gian diễn ra Liên hoan, TP Cần Thơ sẽ tiếp tục quan tâm, thực hiện tốt công tác đảm bảo các điều kiện cần thiết và chu đáo…”, ông Nguyễn Thực Hiện nhấn mạnh.

Ngày sau khai mạc, Nhà hát Tây Đô (TP Cần Thơ) đã diễn thi tác phẩm Chất ngọc - Cầm thi giang của tác giả - đạo diễn: NSƯT Lê Nguyên Đạt.

Vở cải lương với sự tham gia của các diễn viên: Lê Duy (vai Mộc Quán), Vũ Linh (vai Cao Văn Lầu), Phương Anh (kép Bảy), Châu Ngân (kép Ba), Hải Linh (Mười Chức), Hồng Thủy (đào Phụng Hảo), Kim Ngân (đào Nghĩa), Hồng Giang (đào Năm Nhỏ), Ngân Huyền (đào Cầm Thi),…

Khai mạc Liên hoan Cải lương toàn quốc năm 2024 - ảnh 10
Hình tượng Cao Văn Lầu (bên trái) và Mộc quán - Nguyễn Trọng Quyền với hai nhạc cụ dân tộc truyền thống là đàn kìm và đàn nhị

Vở diễn kể câu chuyện cuộc đời của soạn giả Mộc quán - Nguyễn Trọng Quyền thông qua những vở cải lương đặc sắc và sự đóng góp của ông dành cho loại hình nghệ thuật sân khấu cải lương Nam Bộ…

Vở cũng sân khấu hóa gần như khá hoàn chỉnh về tiến trình hình thành bộ môn nghệ thuật cải lương Nam Bộ hiện nay, bắt đầu từ sự ra đời của Đờn ca tài tử cho đến loại hình ca ra bộ, sự sáng tạo của soạn giả cải lương khi đưa vào tác phẩm Dạ cổ hoài lang của tác giả Cao Văn Lầu…

Qua câu chuyện của sân khấu cải lương và những nhân vật đào - kép của gánh hát, Chất ngọc - Cầm thi giang mang thông điệp về tinh thần yêu nước, nghĩa khí của người nghệ sĩ cải lương thời ấy khi chứng kiến vận mệnh của dân tộc… Ngày nay, sự yêu nước ấy cũng thể hiện qua những tác phẩm nghệ thuật mang tinh thần dựng xây, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc.

Khai mạc Liên hoan Cải lương toàn quốc năm 2024 - ảnh 11
Nghi thức thành lập gánh hát Tập Ích Ban trong vở diễn

“Tác phẩm mang khát khao và nguyện vọng của người dân Cần Thơ, đặc biệt là những người quản lý văn hóa. Vùng đất Cần Thơ tự hào khi là quê hương của danh nhân văn hóa và là người đã sáng lập ra gánh cải lương đầu tiên - Gánh hát Tập Ích Ban. Ông không chỉ là thầy tuồng mà còn là thầy giáo, thầy thuốc.

Soạn giả Nguyễn Trọng Quyền đã dành cả cuộc đời cho nghệ thuật, ông không làm chính trị nhưng ông yêu nước, khi ông nhìn thấy đất nước bị xâm lăng, người dân thống khổ,… ông đã đưa tất cả nỗi niềm, sự phản kháng khi bị áp bức, bốc lột cũng như tinh thần anh dũng, hy sinh của những người dân yêu nước vào các tác phẩm sân khấu của mình…”, NSƯT Lê Nguyên Đạt chia sẻ thêm

Theo lịch diễn thi của BTC, dự kiến như sau:

Ngày 26.10, lúc 9h30: vở Truyền tích Cổ Loa xưa (Công ty TNHH TCSK và ĐTNK Bảo Sơn)

Ngày 27.10:

9h30: Vở Sóng dậy giữa vương triều (Nhà hát Cải lương Hà Nội)

19h30: Vở Chân mệnh (Hội Văn học nghệ thuật tỉnh Vĩnh Long)

Ngày 28.10:

9h30: Vở Trước bình minh (Hội Sân khấu tỉnh Bạc Liêu)

19h30: Vở Xuân Hương nữ sĩ (Nhà hát Cải lương Hà Nội)

Ngày 29.10: 19h30: Vở Muôn dặm vì chồng (Nhà hát Cải lương Hà Nội)

Ngày 30.10: 

9h30: Vở Khi dòng sông nổi giận (Trung tâm Văn hóa Nghệ thuật tỉnh Vĩnh Long)

19h30: Vở Đồng chí (Nhà hát Nghệ thuật Đồng Nai)

Ngày 31.10:

9h30: Vở Giọt máu oan cừu (Hội Văn nghệ dân gian tỉnh Bạc Liêu)

19h30: Vở Cây lẻ bạn (Công ty TNHH Giải trí Kim Ngân)

Ngày 1.11:

9h30:  Vở Ánh nhật nguyệt (Nhà hát Nghệ thuật Đồng Nai)

19h30: Vở: Sáng mãi vầng nhật nguyệt (Nhà hát Cao Văn Lầu)

Ngày 2.11: 19h30: Vở Nơi bình minh vẫy gọi (Đoàn Nghệ thuật tỉnh Quảng Ninh)

Ngày 3.11: 19h30: Vở Anh hùng đất phương Nam (Công ty Giải trí Vũ Luân Entertainment)

Ngày 4.11

9h30: Vở Màu áo lính (Trung tâm Văn hóa nghệ thuật tỉnh Kiên Giang)

19h30: VChói rạng Sơn Hà (Tây Sơn nữ tướng) (Sân khấu Sen Việt)

Ngày 5.11

9h30: Vở Đời hoa Rumdul (Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Kiên Giang)

19h30: VĐêm giao thừa (Hội Sân khấu TP.HCM)

Ngày 6.11: 19h30: Vở Mưa nguồn (Công ty TNHH Nghệ thuật Vietstar)

Ngày 7.11: 

9h30: Vở Cánh đồng bất khuất (Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Tiền Giang)

19h30: VNgười con của rừng Tràm (Đoàn Nghệ thuật Cải lương Long An)

Ngày 8.11

9h30: Vở Hào kiệt Lam Sơn (Long phụng kỳ tài) (Công ty TNHH và Tổ chức Thiên Long)

19h30: VGặp lại người đã chết (Nhà hát Nghệ thuật truyền thống tỉnh Thanh Hóa)

Ngày 9.11

9h30: Vở Người mang chín án tử (Công ty TNHH Giải trí We)

19h30: Vở Hào quang và bóng tối (Đoàn cải lương Hương Tràm - Cà Mau)

Ngày 10.11: 19h30:Vở Công chúa Huyền Trân (Nhà hát Nghệ thuật truyền thống tỉnh Nam Định)

Ngày 11.11

9h30: VLưu vong (Khí tiết một trung thần) (Công ty TNHH Hồng Lạc Xuân)

19h30:Vở Người ven đô (Công ty TNHH Tổ chức biểu diễn Song Việt)

Ngày 12.11

9h30: Vở Khúc tráng ca thành Gia Định (Nhà hát Cải lương Trần Hữu Trang)

19h30:Vở Không gục ngã (Đoàn Cải lương Hải Phòng)

Ngày 13.11

9h30: Vở Sau lưng thềm nắng (Trung tâm Văn hóa Nghệ thuật tỉnh Đồng Tháp)

19h30:Vở San hô đỏ (Nhà hát Cải lương Trần Hữu Trang).