Việt Nam - Huyền sử diễn ca: Thăng Long – Tứ Trấn:
Hướng đi mới cho ngành nghệ thuật biểu diễn Việt
VHO - Chương trình biểu diễn nghệ thuật thực cảnh "Việt Nam - Huyền sử diễn ca: Thăng Long – Tứ Trấn" sẽ được Bộ VHTTDL tổ chức vào lúc 20h00 ngày 29.12 tại Hoàng Thành Thăng Long, đánh dấu sự kết thúc của năm 2024 đầy dấu ấn trong lĩnh vực văn hóa nghệ thuật. NSND Huỳnh Tú, Giám đốc âm nhạc, thay mặt nhóm đạo diễn của chương trình đã có cuộc trao đổi với Văn Hóa về ý tưởng cũng như mục đích mà ê kíp sáng tạo muốn hướng tới.
.P.V: Xin nghệ sĩ chia sẻ mục đích của ê kíp sáng tạo khi xây dựng chương trình biểu diễn nghệ thuật thực cảnh “Việt Nam - Huyền sử diễn ca: Thăng Long - Tứ Trấn”?
- NSND Huỳnh Tú: Kế hoạch xây dựng chương trình biểu diễn nghệ thuật thực cảnh Việt Nam - Huyền sử diễn ca: Thăng Long - Tứ trấn đã được PGS, TS Tạ Quang Đông, Thứ trưởng Bộ VHTTDL và ê kíp sáng tạo bắt tay xây dựng từ hai năm trước. Chúng tôi đã chỉnh sửa kịch bản nhiều lần để phù hợp với bối cảnh hiện tại. Đích thân PGS.TS Tạ Quang Đông, Thứ trưởng chỉ đạo thực hiện và trực tiếp làm Tổng đạo diễn. Dự án quy tụ đội ngũ đạo diễn tài năng và dàn nghệ sĩ gạo cội như: NSND Hoàng Quỳnh Mai, NSND Xuân Bắc, NSND Thanh Lam, NS Quỳnh Trang… cùng lực lượng diễn viên từ 6 nhà hát trực thuộc Bộ VHTTDL.
Mong mỏi lớn nhất của toàn bộ ê-kíp sáng tạo là khắc họa và tôn vinh di sản Hoàng Thành Thăng Long cùng Thăng Long - Tứ Trấn, những biểu tượng văn hóa thiêng liêng của Thủ đô. Đây không chỉ là dấu ấn lịch sử mà còn phản ánh sâu sắc đời sống văn hóa và tâm linh của người Việt. Tứ Trấn vừa đại diện cho sức mạnh và thịnh vượng của các triều đại phong kiến, đồng thời là biểu trưng cho sự bình an, may mắn của Thăng Long.
Bằng việc tập trung tái hiện tinh hoa văn hóa Việt trong giai đoạn thời kỳ thịnh trị và độc lập tự chủ dài lâu trong lịch sử dân tộc Lý - Trần - Lê - Nguyễn, chương trình sẽ là cầu nối giữa quá khứ và hiện đại. Từ đó, khơi dậy niềm tự hào dân tộc trong mỗi người dân.
. Việt Nam – Huyền sử diễn ca: Thăng Long – Tứ Trấn là chương trình nghệ thuật bán thực cảnh đầu tiên kết hợp tài tình giữa nhiều loại hình nghệ thuật truyền thống và hiện đại. Điều gì khiến cả ê-kíp sáng tạo lựa chọn cách phối kết hợp này để truyền tải câu chuyện văn hóa lịch sử Việt Nam?
- Việt Nam – Huyền sử diễn ca: Thăng Long – Tứ Trấn là một chương trình nghệ thuật dân gian đương đại độc đáo. Đặc biệt, chương trình được hỗ trợ bởi công nghệ âm thanh, ánh sáng hiện đại, kỹ xảo hình ảnh và các công nghệ tương tác sân khấu tiên tiến nhất hiện nay, như mapping 3D, đồ họa thực tế trong không gian ảo, mang đến những hiệu ứng nghe nhìn ấn tượng chưa từng có cho khán giả.
6 nhà hát, mỗi nhà hát mang đến thế mạnh riêng của mình sẽ góp phần tạo nên tổng thể nghệ thuật hoành tráng và đa dạng. Các màn biểu diễn đặc sắc như múa trồng dâu, nuôi tằm, màn hầu đồng với rối nước, hay các tiết mục múa luyện võ, xiếc… đều được thực hiện bởi các nghệ sĩ tài năng đến từ các Nhà hát cải lương, chèo, tuồng, xiếc. Lần đầu tiên, các nghệ sĩ sân khấu truyền thống đứng chung trên một sân khấu rộng lớn tại quảng trường Hoàng Thành Thăng Long, tạo nên một sự kiện nghệ thuật quy mô, đậm đà bản sắc văn hóa truyền thống nhưng vẫn mang đậm hơi thở đương đại.
Kết thúc năm 2024 với một chương trình nghệ thuật hoành tráng, ê kip đã phải đối mặt với những thách thức gì trong việc huy động lực lượng nghệ sĩ đa dạng từ các lĩnh vực khác nhau, và quan trọng hơn phải đảm bảo sự phối hợp ăn ý giữa các loại hình nghệ thuật để mang lại trải nghiệm tốt cho khán giả?
- Đây là một bài toán vô cùng khó mà ekip chúng tôi đang phải giải quyết. Vào thời điểm cuối năm, các đoàn nghệ thuật đều rất bận rộn, khiến việc huy động nhân lực trở thành thử thách lớn. Việc sắp xếp thời gian để quy tụ các nghệ sĩ tham gia và tập luyện đòi hỏi sự khéo léo và tinh tế, nhất là khi chương trình yêu cầu sự tham gia của nhiều loại hình nghệ thuật khác nhau. Một khó khăn nữa là sự hạn chế về thời gian và không gian tập luyện. Điều này buộc chúng tôi phải làm việc chủ yếu trên giấy, liên tục họp bàn và liên hệ với từng đầu mối để xử lý các vấn đề từ sân khấu, kỹ thuật, diễn xuất, đạo cụ đến trang phục. Với thời gian hạn hẹp, áp lực là rất lớn, nhưng chúng tôi vẫn không ngừng cố gắng.
.Điểm đặc biệt của chương trình là được tổ chức tại một không gian công cộng mang tính quảng trường, cụ thể là Khu di tích Hoàng thành Thăng Long, nhằm phục vụ lượng lớn khán giả đại chúng. Vị trí này có thuận lợi cho một chương trình nghệ thuật biểu diễn mang tính thực cảnh không thưa ông ?
Bên cạnh chương trình chính thức, còn có các sân khấu trải nghiệm và nhiều hoạt động bên lề như khu vực trưng bày làng nghề truyền thống như làng nghề Ngũ Xã đúc đồng, các gian hàng trưng bày sản phẩm địa phương… Tất cả những công việc này đều phải hoàn thiện trong thời gian gấp rút.
Trước thời gian diễn ra chương trình biểu diễn nghệ thuật thực cảnh Việt Nam - Huyền sử diễn ca: Thăng Long - Tứ Trấn, khán giả sẽ có cơ hội trải nghiệm các workshop văn hóa và nghệ thuật truyền thống đặc sắc. Các workshop này tập trung vào việc giới thiệu và hướng dẫn các nghề thủ công lâu đời của Việt Nam, trải nghiệm văn hoá ẩm thực đặc trưng và nghệ thuật truyền thống dưới dạng trình diễn cộng đồng phảng phát văn hoá Thăng Long - Hà Nội. Khách sẽ được tự tay thực hiện các công đoạn thủ công dưới sự hướng dẫn của các nghệ nhân lành nghề, giúp họ hiểu sâu hơn về giá trị văn hóa và nghệ thuật của từng nghề. Đây không chỉ là hoạt động trải nghiệm thú vị, mà còn mang lại những món quà lưu niệm độc đáo do chính du khách tạo ra, gắn kết với lịch sử và các giá trị truyền thống.
Kết hợp các hình thức trình diễn nghệ thuật truyền thống và đương đại tổng hợp sẽ tạo nên một hệ thống nhận diện đặc biệt về văn hóa Việt Nam nói chung, văn hóa kinh kỳ nghìn năm văn hiến nói riêng. Hệ thống ấy có thể được quảng bá một cách gián tiếp bằng các hiện vật, quà tặng, quà lưu niệm, linh vật, sản phẩm nghề thủ công sau khi đi thăm khu di tích Hoàng Thành Thăng Long và được thưởng thức một chương trình nghệ thuật tổng hợp đặc sắc, tinh hoa và cuốn hút
Sự khẩn trương, quyết tâm và sự sáng tạo của ekip chính là yếu tố quan trọng giúp chúng tôi vượt qua khó và hướng đến một chương trình thành công.
Với một chương trình được đầu tư hoành tráng như vậy, quy tụ đông đảo nghệ sĩ và người tham gia nhưng lại chỉ trình diễn trong một buổi duy nhất. Vậy trong tương lai, ekip chương trình có kế hoạch gì để duy trì và mở rộng quy mô hoạt động, giúp tiếp cận được nhiều đối tượng công chúng hơn?
Chương trình Việt Nam - Huyền sử diễn ca: Thăng Long - Tứ Trấn lần này chỉ là phiên bản đầu tiên của một chuỗi chương trình dài hạn. Không chỉ dừng lại ở một chương trình nghệ thuật mà đây là một bước tiến lớn trong công nghiệp văn hóa, khẳng định sự kết hợp hoàn hảo giữa truyền thống và hiện đại.
Theo kế hoạch của Ban tổ chức, bao gồm Thứ trưởng Bộ VHTTDL và các đơn vị bảo tồn di sản của Hà Nội, chương trình này sẽ là điểm khởi đầu để tổ chức các hoạt động nghệ thuật định kỳ, có thể mỗi 3 hoặc 6 tháng một lần. Mục tiêu là mở rộng các chủ đề giới thiệu về vùng đất Thăng Long, không chỉ tập trung vào Tứ Trấn mà còn khám phá những giá trị văn hóa đặc sắc khác của Thủ đô Hà Nội.
Với phiên bản đầu tiên này, ê-kíp chương trình đặt mục tiêu tạo tiếng vang và ý nghĩa sâu sắc, làm nền tảng để chương trình giới thiệu, bảo tồn văn hóa phát triển bền vững. Thông qua đó, đây sẽ trở thành một nét văn hóa đặc trưng, góp phần quảng bá hình ảnh Thăng Long không chỉ với du khách trong nước mà còn quốc tế.
Đặc biệt, trong bối cảnh đất nước đang đẩy mạnh xây dựng nền công nghiệp văn hóa, chương trình chắc chắc chắn là một sản phẩm nghệ thuật đặc sắc hướng đến việc kích cầu du lịch và thúc đẩy công nghiệp văn hóa.
Được Bộ VHTTDL chủ trương, chỉ đạo, chương trình là động lực để các Nhà hát tiếp tục phát triển các sản phẩm nghệ thuật phục vụ nhu cầu khán giả, đặc biệt là du khách. Sự hợp tác của nhiều Nhà hát trong chương trình thể hiện sức mạnh tổng hợp và mong muốn tạo dựng bộ nhận diện mạnh mẽ, góp phần phát huy giá trị văn hóa Việt Nam.